Hiện nay, ở hai TP Cà Mau và Cần Thơ có hàng trăm trẻ em sống lang thang, cơ nhỡ nơi đầu đường xó chợ, tuổi thơ đang trôi qua từng ngày...
Em Nguyễn Hữu Luân mới 10 tuổi đã có hơn 2 năm đi bán vé số
4 tuổi đã phải kiếm sống
Sáng sớm, gần chục đứa trẻ mới 4-5 tuổi băng ngang đường Trần Hưng Đạo (TP Cà Mau) giữa dòng xe đông nghịt, mỗi đứa cầm trên tay một xấp vé số, vào các quán cà phê mời mọc. Xong, chúng chạy ngược ra bên đường, nơi có những bà mẹ đang chờ sẵn. Có đứa không bán được bị mẹ mắng: “Đồ ngu, dạy hoài mà không nhớ, đi mời lại!”.
Thế là thằng bé lại mếu máo chen qua dòng xe tấp nập, vào quán mời: “Chú mua giùm con vé số, sáng giờ con chưa ăn gì hết!”. Thằng bé cho biết tên Tâm, mới 4 tuổi, từ lúc lên 3, nó đã được mẹ bồng theo đi bán vé số. Cũng như rất nhiều đứa trẻ khác ở đây, Tâm được người lớn truyền nghề khi mới vừa biết ăn, biết nói.
Bé Tâm vừa đi, trời chợt đổ mưa to, cậu bé Nguyễn Hữu Luân (10 tuổi) lấy tấm thân nhỏ bé che cho xấp vé số khỏi ướt, chạy vào quán mời chào. Không bán được, Luân còn bị chủ quán xua đuổi vì làm ướt quán. Luân bảo em đã bán vé số được hơn 2 năm, cả nhà em có 4 người đều đi bán vé số. Gia đình Luân quê ở huyện Đầm Dơi, hiện đang tạm trú ở phường 6, TP Cà Mau. Luân còn một người chị lớn hơn 4 tuổi đang đi bán vé số ở TP Cà Mau, cả hai chị em Luân đều không được đi học.
Tại khu vực quận Ninh Kiều - TP Cần Thơ, hằng ngày, từ sáng sớm đến tận chiều tối, nhiều người ở đây đã quá quen thuộc với hình ảnh hai anh em Tí Lớn (5 tuổi) và Tí Nhỏ (4 tuổi) đội nắng mưa đi bán vé số. Cách hai em chừng vài chục mét, lúc nào cũng có một người đàn ông - mà hai đứa bảo là cha - quan sát. Nếu không mời được khách trong quán giải khát, hai thằng bé liền bị người đàn ông nhéo vào tai.
Có hôm, người cha này còn tát mạnh vào mặt hai đứa con mình vì chúng mê chơi không mời khách. Thấy hai đứa đi bán gần như suốt ngày, tôi hỏi sao không ngủ trưa để có sức khỏe đi bán, Tí Nhỏ liếc nhìn cha từ xa rồi khẽ nói: “Bán ít sợ cha đánh nên tụi con không dám ngủ trưa”. Sợ cha mình đánh em, Tí Lớn vội kéo áo Tí Nhỏ đi nhanh rồi mất hẳn vào dòng người cố chen lấn nhau giữa buổi trưa nắng như đổ lửa.
Hành trình không bờ bến
Bên góc quán ven đường Phan Ngọc Hiển (P.5, TP Cà Mau), giữa những đứa trẻ chen lấn nhau mời khách mua vé số, tôi gặp em Lê Quang Dũng, 16 tuổi, vẻ mặt bơ phờ, thất vọng, tay cầm xấp vé số dày cộp, tay xách thêm thùng đánh giày chăm chỉ đi từng bàn mời khách nhưng em chỉ nhận được những cái lắc đầu...
Ở TP Cà Mau, nghề đánh giày đường phố rất khó kiếm ăn, Dũng bảo có khi em đi cả ngày mà chẳng đánh được đôi giày nào. Tôi hỏi Dũng kiếm đâu ra tiền để ăn mỗi ngày? Em cười ngượng nghịu: “Thì con xin người ta tiền, cũng mua được mấy ổ bánh mì!”. Dũng cho biết: “Con làm đủ nghề mà chẳng đủ ăn, lại còn phải nuôi mẹ bệnh”. Dũng kể quê em ở Đà Lạt. Từ nhỏ, em ăn cơm và học ở mái ấm tình thương nhưng học hoài không biết chữ. Thế là từ năm 7 tuổi, em được mái ấm cấp cho thùng đánh giày.
Kể từ ngày ấy, em theo người mẹ già của mình mưu sinh tứ xứ, sau đất Nha Trang, nay tìm đến Cà Mau, tiếp tục cuộc hành trình không bờ bến. Còn Đức, 16 tuổi, hoàn cảnh chua chát hơn nhiều, cứ lang thang đi ăn xin trong đói lạnh, bệnh tật hoành hành từng ngày. Hằng đêm, nó cứ lê bước trên hè phố, nửa tỉnh nửa mê, nói chuyện một mình nên người qua đường gọi nó là Đức khùng. Những khi tỉnh táo, có ai hỏi về mình, nó chỉ tóm gọn tên là Đức, quê ở Nha Trang.
Từ nhỏ Đức đã không biết ai là cha mẹ mình, sống trôi dạt khắp nơi. Trong một lần lang thang đi xin, Đức bị xe đụng chấn thương sọ não, được người qua đường đưa vào bệnh viện. Khi sức khỏe hồi phục, Đức không biết đi đâu, về đâu, rồi lang thang đến TP tận cùng Tổ quốc.
Đức bảo thỉnh thoảng nó đi gánh nước cho các quán được người ta cho ăn uống. Về khuya, nó kiếm chỗ nào có ghế đá để ngả lưng cho tới sáng. Trưa nắng, người ta lại thấy nó ôm đầu quằn quại và nói những câu chỉ mình nó hiểu.
Tương lai mù mịt Ở gần siêu thị Cà Mau có một nhóm 5 trẻ lang thang, các em có phân định “vai vế” đàng hoàng. Mỗi sáng, các em tập trung lại rồi phân công địa bàn để ăn xin. Đêm xuống, các em đi rửa chén thuê cho các quán ăn vỉa hè và ăn thức ăn thừa của các quán. Ăn xong, cả nhóm kéo về chợ Cà Mau tìm các sạp bỏ trống để ngủ.
|
Kỳ tới: Phút chốc trở thành phế nhân
Bình luận (0)