Hơn 20 năm đã trôi qua, câu chuyện về cô bé Ngọc Lan (15 tuổi; ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) vóc hình gầy nhỏ nhưng mang bộ ngực phì đại trên 10 kg chỉ còn được giữ lại trong cuốn album của Báo Người Lao Động. Cuốn album ghi lại đầy đủ hành trình từ lúc Ngọc Lan từ TP Đà Nẵng vào TP HCM cũng như quá trình khám, hội chẩn và phẫu thuật cắt bỏ tuyến phì đại, tái tạo khuôn ngực mới cho em.
Nghèo khó và bất hạnh
Ngày 13-7-2020, tôi về nơi cũ tìm lại Ngọc Lan. Thông tin về Ngọc Lan tôi được một anh cán bộ phường cung cấp chỉ vỏn vẹn thế này: "Anh có hỏi về Ngọc Lan thì họ bảo đó là thời kỳ cô Nhớ làm chủ tịch phường. Cô Nhớ nghỉ hưu lâu rồi. Cán bộ mới bây giờ không ai rõ trường hợp này, nhất là sau khi giải tỏa khu dân cư ven biển mở đường Nguyễn Tất Thành…".
Cách đây hơn 20 năm, tôi là người phụ trách Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động tại miền Trung. Văn phòng khi ấy vừa chuyển từ cơ sở thuê nằm trên đường Hoàng Diệu về số 152 Nguyễn Thị Minh Khai, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Sau những trận lũ lụt kinh hoàng liên tiếp xảy ra vào các năm 1998, 1999, Báo Người Lao Động đã tổ chức những chuyến hàng cứu trợ kịp thời, để lại ấn tượng tốt trong lòng bạn đọc miền Trung.
Ngọc Lan được Bệnh viện Hoàn Mỹ đón từ sân bay Tân Sơn Nhất về bệnh viện
Khoảng cuối tháng 2-2000, văn phòng nhận được một lá đơn viết tay trên trang giấy học trò, màu mực xanh đậm, nét chữ to, khá vụng về. Lá đơn gửi văn phòng nhờ giúp đỡ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do hàng cứu trợ còn nên chúng tôi xin phép Ban Biên tập đến thăm và trao quà cho gia đình. Đó là một ngôi nhà tạm bợ ghép bằng những tấm tôn, vô cùng chật hẹp, nằm nép bên một bụi tre. Trong nhà không có chỗ ngồi, cái giường hẹp chất đầy quần áo, đồ đạc, sát đó là cái bếp khá lộn xộn.
Gia đình Ngọc Lan sống trên mảnh vườn nhà ngoại, sát biển Xuân Hà - nơi mà sau này giải tỏa trắng để mở đường ven biển Nguyễn Tất Thành. Ngọc Lan là con đầu, sau em còn 2 em nhỏ. Cha mẹ lao động chân tay, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Khi chúng tôi đến, Ngọc Lan đang ở nhà với đứa em nhỏ. Thấy khách lạ, em bồng em đi chỗ khác. Chị Hồng, mẹ của Ngọc Lan, kể từ sau năm 10 tuổi, ngực em phát triển bất thường với kích thước rất lớn. Xấu hổ về bộ ngực quá khổ của mình, Ngọc Lan bỏ học, không dám ra khỏi nhà. Em mặc áo rộng để che đi khuôn ngực của mình.
Thấy hoàn cảnh của em, chúng tôi quyết định tìm hiểu, viết bài chia sẻ để giúp đỡ em trở lại cuộc sống bình thường. Tuy nhiên, rất khó tiếp cận Ngọc Lan, em ngại gặp người lạ và không chịu nói gì, nhất định không chịu cho chụp hình, kể cả chụp chung với mọi người.
Thật may mắn khi bài báo ngắn đăng trên trang bạn đọc đã nhận được phản hồi tích cực và nhanh chóng. Anh Điền Sơn, Trưởng Ban Công tác Xã hội của Báo Người Lao Động thời kỳ đó, gọi điện ra báo tin bạn đọc ủng hộ tiền cho Ngọc Lan, Bệnh viện Hoàn Mỹ nhận điều trị; GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Giám đốc Trung tâm Ung Bướu TP HCM, trực tiếp phẫu thuật cho em. Văn phòng liên hệ với gia đình gấp rút chuẩn bị thủ tục cho Ngọc Lan vào TP HCM phẫu thuật.
Ca phẫu thuật đặc biệt
Cách đây 20 năm, ca bệnh của Ngọc Lan là ca bệnh tương đối khó, từ việc bóc tách phần phì đại đến tái tạo khuôn ngực mới cho em. Cả đội ngũ y - bác sĩ (BS) trong và ngoài nước đầy kinh nghiệm đã tập trung hội chẩn và phẫu thuật ca bệnh đặc biệt này.
Ca phẫu thuật đã thành công tốt đẹp. Ngày đón Ngọc Lan về Đà Nẵng, em đã nở nụ cười tươi tắn và tự tin hơn.
Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Nguyễn Thị Hằng Nga trao tặng tiền của bạn đọc cho Ngọc Lan sau khi xuất viện Ảnh: TƯ LIỆU
Về Đà Nẵng, em được một trung tâm dạy nghề nhận dạy nghề may, dạy chữ miễn phí. Đó là nghề mà em yêu thích và lựa chọn khi được hỏi về ước mơ sau khi có cuộc sống bình thường. Trước khi khu vực nhà của Ngọc Lan bị giải tỏa, nghe nói em đã lập gia đình và ở riêng.
Cô bé Ngọc Lan bây giờ cũng đã 35 tuổi… Tuy không tìm ra Ngọc Lan sau bao nhiêu năm tháng ấy nhưng chúng tôi tin rằng Ngọc Lan và gia đình có lẽ chẳng bao giờ quên được phép mầu mà tấm lòng bạn đọc Báo Người Lao Động qua cầu nối của tờ báo mang đến cho em và gia đình. Đúng hơn, những tấm lòng vàng đã hồi sinh và tặng cho em cuộc đời mới.
Ấm lòng "Ai, ở đâu cần giúp đỡ"
Tính đến 16 giờ ngày 14-3-2000, bạn đọc Báo Người Lao Động đã gửi tặng Ngọc Lan 25.395.000 đồng. Với sự giúp đỡ của bạn đọc, ngày 10-3-2000, một chuyến bay đã đưa mẹ con Ngọc Lan từ Đà Nẵng vào TP HCM. Đây là lần đầu cả hai đi máy bay, cũng là lần đầu tiên vào đến TP HCM.
Bệnh viện Hoàn Mỹ là nơi tiếp nhận ban đầu. Năm ngày sau, Ngọc Lan được chuyển qua Trung tâm Ung Bướu TP HCM. GS-BS Nguyễn Chấn Hùng chỉ đạo thực hiện các xét nghiệm đầu tiên, kết luận Ngọc Lan bị bệnh phì đại tuyến vú, toàn bộ trọng lượng tuyến vú phì đại gần 10 kg. Các BS cho biết ở độ tuổi Ngọc Lan, đây là trường hợp phì đại tuyến vú chưa từng gặp tại Trung tâm Ung Bướu vì nó quá lớn nên việc tái tạo trong quá trình phẫu thuật cắt bỏ và bảo đảm tạo hình thì mới phẫu thuật.
Hai tuần sau, ngày 28-3-2000, GS-BS Nguyễn Chấn Hùng điện đến anh Cao Tuấn, Trưởng Ban Y tế Sức khỏe Báo Người Lao Động. Ông nói ngắn gọn nhưng nhiều người nghe vô cùng xúc động: "Nhờ anh báo cho chị Hồng đưa cháu Ngọc Lan vào viện để chuẩn bị phẫu thuật".
8 giờ 30 phút ngày 30-3-2000, ca siêu phẫu thuật với những thiết bị tốt nhất bắt đầu. Nhiều BS giỏi hàng đầu tham gia như: GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, BS Phó Đức Mẫn ( Phó Giám đốc Trung tâm Ung Bướu), GS-BS Nguyễn Sào Trung, BS gây mê Ngô Tôn Liên, BS Lê Văn Xuân... Kíp mổ 6 BS được chia thành 2 kíp nhỏ do GS Nguyễn Chấn Hùng và BS Phó Đức Mẫn làm kíp trưởng. Ca mổ kết thúc sau hơn 4 giờ 30 phút căng thẳng. Hoàn thành ca mổ, các BS đã cẩn thận tạo hình giữ thẩm mỹ ngực của bệnh nhân trẻ tuổi.
Bốn năm sau, vào tháng 7-2004, trong một cuộc họp cơ quan, chị Hằng Nga, Phó Tổng Biên tập, vui vẻ báo tin: "Mẹ của Ngọc Lan gửi thiệp mời Báo Người Lao Động đến dự đám cưới con mình".
Ngọc Lan chỉ là một trong rất nhiều trường hợp mà chuyên mục "Ai, ở đâu cần giúp đỡ" đã hỗ trợ. Sau này, thông qua bạn đọc, chuyên mục còn giúp 4 cháu bé bị phỏng điện đường dây cao thế ở huyện Củ Chi, TP HCM; giúp cháu Việt - học sinh lớp 9 ở tỉnh Đắk Lắk bị bệnh chân voi; 3 chị em người dân tộc họ Lục ở tỉnh Thái Nguyên bị khối u che kín mặt; người đàn ông có bàn chân khổng lồ ở huyện Hóc Môn, TP HCM... Hàng ngàn bạn đọc đã đóng góp hàng tỉ đồng giúp những trường hợp khó khăn, bất hạnh nói trên. Trong đó, Sổ vàng tri ân của báo có rất nhiều dòng ghi: "Bạn đọc không nêu tên"...
Trần Điền Sơn (nguyên Trưởng Ban Công tác Xã hội)
Bình luận (0)