Mới đây xảy ra vụ một trẻ 6 tuổi tử vong nghi bị ngộ độc thực phẩm, nhiều trẻ em và người lớn khác cũng bị rối loạn tiêu hóa phải nhập viện sau khi ăn bánh su kem của một thương hiệu bánh nổi tiếng gióng lên hồi chuông báo động về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại một số quốc gia, để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm hoặc có hành vi kém an toàn thực phẩm, dù chưa xảy ra hậu quả cũng sẽ bị xử lý rất nghiêm - ngoài án phạt nặng còn bị tước giấy phép tạm thời hoặc vĩnh viễn, bị người tiêu dùng tẩy chay.
Tại Việt Nam, không hiếm trường hợp người kinh doanh thực phẩm thiếu lương tâm, sử dụng nguyên liệu bẩn chế biến thức ăn cho khách. Có những người bị xử phạt vẫn tái phạm nhiều lần. Những trường hợp thực khách phát hiện món ăn có ruồi, chân gián, tóc, dây thun... cũng không hiếm gặp từ nhà hàng lớn đến quán ăn lề đường.
Nhưng cách xử lý các tình huống này chưa nghiêm, thậm chí có chủ nhà hàng còn "không thèm" để tâm khi thực khách phản ứng thức ăn mất vệ sinh. Ít có trường hợp bị xử lý hình sự khi để xảy ra ngộ độc thực phẩm tập thể, đa số chỉ xử phạt hành chính.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định của pháp luật hiện cũng rất rõ ràng. Điều cần quan tâm nhất hiện nay là làm thế nào tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người kinh doanh thực phẩm lẫn người tiêu dùng để bảo vệ an toàn cho thực khách.
Với cơ quan chức năng, cần siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và tái phạm (đóng cửa vĩnh viễn, xử lý hình sự những vụ gây hậu quả nghiêm trọng…) để từ đó tạo nếp nghĩ, cách làm tốt trong kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn.
Bình luận (0)