Ba tôi chạy xe đạp thồ ở một ngôi chợ gần nhà. Ngày Tết chợ nghỉ nên ba tôi cũng phải nghỉ theo. Mẹ tôi bán hàng ở ngôi chợ đó nên ngày Tết cũng phải nghỉ. Không làm lụng trong ba ngày Tết thì được nghỉ ngơi. Khoảng thời gian đó thật hiếm có sau một năm lao động vất vả.
Kinh nghiệm dân gian là "giàu nghèo ba mươi Tết mới hay". Trong khi đó, vào những năm 1990, cũng như bao gia đình khác của xóm lao động nghèo nằm cạnh bờ sông Hương miền Cố đô Huế, gia đình tôi thiếu thốn từng bữa ăn hằng ngày. Tôi lúc đó chỉ là một cậu bé còi cọc luôn thèm ăn. Tôi nhớ ngày Tết năm đó, do mẹ bận quét dọn nhà cửa đón Tết nên không cơi than kịp dẫn đến việc cháy cơm dưới đáy nồi. Lúc đó, tôi đã giành phần cơm cháy để ăn. Bởi cơm cháy giòn tan như ổ bánh mì nóng lại có vị thơm rất đặc trưng của hạt lúa chín vàng.
Ăn cơm cháy không kèm với gì đã giòn ngon. Nhưng tôi thích nhất là ăn cơm cháy chấm với nước kho cá nục. Mùi thơm phức của cơm cháy quyện với mùi cay cay, mằn mặn, beo béo, tanh tanh của nước kho cá nục thật khiến cho vị giác reo vui. Điều giản dị như thế quả là ký ức đẹp trong tôi.
Hội bài chòi ngày Tết của làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Một chuyện khác là chuyện lì xì (mừng tuổi). Vì nghèo, tối lửa tắt đèn có nhau, lại cùng chung một cái bến để tắm giặt, nên hàng xóm láng giềng chỗ gia đình tôi sinh sống thân nhau lắm. Do đó, đối với tôi, ngày Tết ấu thơ được nhiều người lớn lì xì. Mặc dù sau này số tiền lì xì đó phải đưa lại cho ba mẹ cất để nộp tiền học nhưng quả thật được nhận tiền mừng tuổi thật là vui.
Xóm lao động nghèo nơi gia đình tôi sống cũng có những mạnh thường quân. Đó là những người tha phương cầu thực và trở nên giàu có. Tết năm nào gia đình họ cũng tặng những hộ khó khăn của xóm từ 25-50 kg gạo. Bên cạnh đó, lát bánh tét kèm miếng thịt heo mỡ đầu tiên mà tôi được ăn là vào dịp Tết ở nhà hàng xóm khiến tôi vui sướng khó tả! Đối với tôi lúc ấy, nó là món ăn ngon nhất trần gian!
Dần dà, cuộc sống gia đình tôi được cải thiện hơn. Cứ vào dịp trước Tết vài ngày, mẹ tôi lại đi chợ gần nhà, mua cỡ 100.000 đồng thịt heo ba chỉ. Sau đó, một mình mẹ tôi lúi húi lấy củi nhóm bếp nấu nước mắm. Nước mắm nấu xong mùi thơm phức, mẹ tôi liền lấy một cái thẩu nhựa to bỏ thịt heo vào ướp. Mùi vị thịt heo ướp nước mắm để ăn với cơm trong ba ngày Tết thật thơm ngon, đậm đà. Có thịt heo ngâm nước mắm rồi, mẹ lại mua thêm ít cặp bánh chưng, bánh tét để có thêm vị Tết cho gia đình tôi.
Những cái Tết xưa khi còn ông nội, ông luôn là người "chỉ huy" con cháu lau dọn sạch sẽ nhà cửa và bàn thờ gia tiên. Đầu tiên, ông phân công ba đi mua vôi, chổi quét vôi, sơn... Sau đó, cả nhà cùng xắn tay áo dùng bót sắt đánh bay rêu. Mùi rêu ẩm mốc sau đó nhường chỗ cho mùi vôi thơm nồng. Những cây cột gỗ, chiếc tủ thờ, bộ bàn ghế, những cánh cửa cũng thơm phức mùi sơn. Sau đó, ông đích thân thay cát trắng mới mua ở những bát nhang. Hòa quyện mùi nhang, mùi cát trắng tinh khiết như nhắc nhở không khí Tết đã ùa về trên bàn thờ gia tiên. Để tiết kiệm, ông luôn bảo con cháu dùng vỏ chanh, tro bếp, khăn lông và nước sạch chà xát bộ lư đồng, bộ đèn đồng cho sáng bóng. Mùi đồng, mùi chanh, mùi tro trộn lẫn trong mùi nghèo khó những năm ấy quả là những ký ức vui vẻ khó thay thế trong tôi.
Những cái Tết xưa khi chị gái chưa đi lấy chồng, năm nào chị cũng làm cóc dầm. Chị đi chợ mua cóc về gọt vỏ, rửa sạch, tỉa tót và dầm với đường. Món ăn chua chua, ngòn ngọt này khiến ngày Tết gia đình tôi có thêm một vị Tết đầy thú vị và đầy niềm vui.
Tôi nhớ như in ngày gia đình tôi mua được tivi cũ trước dịp Tết một vài ngày. Không còn cảnh phải đi xem ké nhà hàng xóm và bị mất dép khi về thật là một niềm vui khó tả. Ngày ấy chương trình vui xuân đón Tết chưa được nhiều như ngày nay nhưng đối với gia đình tôi, chiếc tivi như mang cả bầu trời xuân vào ngôi nhà nhỏ. Xem được những chương trình ca nhạc ngày xuân, những tiểu phẩm hài ngày xuân, cảnh bắn pháo hoa khắp mọi miền đón Tết, cảnh người dân đi vui xuân chơi Tết trên cả nước… khiến cho hương vị Tết luôn tràn ngập, rộn ràng.
Ngày ba tôi mua được chiếc xe máy cũ và chở tôi đi chơi Tết thật là vui. Ngày đó, ba tôi thường chở tôi lên chợ hoa để mua hai chậu hoa cúc vàng và một nhành mai vàng hoặc nụ tầm xuân để về trang trí Tết. Vui nhất là khi ba tôi chở tôi đi xem bắn pháo hoa ở khu vực Hoàng thành Huế. Những đền đài cổ kính, rêu phong, trầm mặc bỗng nhiên rực sáng sắc vàng chói lóa khắp tứ phương với những quả pháo hoa liên tục được bắn lên vào trời đêm để báo hiệu Tết đã về.
Ngày thường làm lụng vất vả, 3 ngày Tết được nghỉ ngơi thoải mái. Ngày thường khó khăn nhưng ba ngày Tết phải đầy đủ. Riêng đối với tôi, vào 3 ngày Tết là được đói ăn khát uống và vui chơi thỏa thích.
Nhằm làm phong phú thêm nội dung, tạo sự tương tác cao hơn với bạn đọc, Báo Người Lao Động tổ chức 2 cuộc thi trên Báo Người Lao Động điện tử (NLĐO) dịp Tết Tân Sửu 2021.
Cuộc thi "Nhà mình ngày Tết" và "Làm báo cùng Báo Người Lao Động "bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày 1-2 (20 tháng chạp) đến 21-2 (mùng 10 tháng giêng).
Bạn đọc có thể xem thể lệ, giải thưởng về 2 cuộc thi này tại đây .
Lưu ý: do tin bài dự thi của bạn đọc có đính kèm video hoặc hình ảnh có dung lượng khá lớn, nên cần phải giảm dung lượng hình ảnh xuống để gửi hoặc bạn đọc có thể tải lên Google Drive hoặc OneDirve rồi gửi mail chúng tôi link download video, hình ảnh dung lượng lớn đó. Nếu gặp trục trặc trong việc gửi tin bài dự thi xin vui lòng liên hệ qua email: xuanonline@nld.com.vn
Bình luận (0)