Cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước" và kế hoạch giám sát thực hiện việc không xả rác ra đường của lãnh đạo TP đã được dư luận quan tâm, ủng hộ.
Thực tế cho thấy phong trào "không xả rác ra đường" đã lan tỏa tích cực đến nhiều địa bàn. Không ít nơi người dân đã bắt tay nhau thực hiện nên giảm đáng kể tình trạng rác thải nơi công cộng, đường phố đã sạch dẹp hơn.
Bạn đọc Báo Người Lao Động cũng rất quan tâm đến chủ trương này. Nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến đề xuất thiết thực, những hiến kế độc đáo cho mục tiêu vì "thành phố không rác".
Bạn đọc Liêm viết: Hoan nghênh chủ trương này của TP, tuy muộn nhưng còn hơn không. Thiết nghĩ đã đến lúc không nên vận động, hô hào suông mà phải làm triệt để, kiên quyết, xử phạt thật nặng vấn nạn này để cứu lấy môi trường TP.
Đường Lý Tự Trọng xanh, sạch, đẹp...
Nhiều bạn đọc bức xúc: Xả rác rất dễ phát hiện mà có thấy ai bị phạt gì đâu? Đến nay, vẫn chưa biết ai sẽ là người đứng ra xử phạt, cơ quan nào ra biên bản phạt?
Theo bạn đọc, để xảy ra xả rác bừa bãi, người dân có lỗi 1 thì các cơ quan quản lý lỗi đến 10. Bởi lẽ, quy định xử lý hành vi xả rác nơi công cộng đã có nhưng cơ quan chức năng không áp dụng nghiêm...
Nhiều con đường tại TP.HCM còn nhếch nhác vì rác
Bạn đọc Hung Tien đề xuất: Không ít chủ nhà (hay người thuê nhà) tọa lạc tại mặt tiền đường thường hay xả rác, quăng rác ra đường. Nên thường xuyên kiểm tra, giám sát và công khai tên tuổi người xả rác tại UBND phường, đưa lên trang thông tin điện tử của địa phương. Bạn đọc Đỗ Tấn Long gợi ý: Lập đội chuyên đi tuần để xử phạt hành vi xả rác, để rác không đúng nơi quy định.
Bạn đọc Minh Trí thì góp ý rất "công nghệ": Làm 1 cái app giống như Grab bike. Chụp hình người xả rác, có thời gian, địa điểm, gửi về UBND phường. Người cung cấp thông tin này sẽ được nhận thưởng với mức tiền phù hợp.
Một số ý kiến khác đáng lưu ý của bạn đọc: Cần kiểm tra, giám sát cả các hộ dân xả chất thải vệ sinh trực tiếp ra đường cống; yêu cầu cửa hàng, quán xá phải giữ gìn vệ sinh ngay vỉa hè của mình, chế tài phạt nặng nếu xả rác, để vỉa hè nhếch nhác; người xả rác cần buộc đi lao động công ích; khen thưởng và nhân rộng những mô hình "xanh, sạch, đẹp" hay, hiệu quả…
Phải chế tài đủ mạnh chuyện xả rác, chỉ tuyên truyền không thôi thì không khả thi
Đâu là "toa thuốc" hữu hiệu để trị "bệnh" xả rác? Bạn đọc Võ Dừa hiến kế: "Nghiền ngẫm chu toàn thì chỉ có giáo dục và luật pháp mới tạo nên ý thức. Phải thực hiện song song tới nơi tới chốn cả 2 nội dung này". Bạn đọc Nguyễn Đức Hoàng cũng cho rằng "muốn người dân có ý thức thì phải giáo dục ngay từ hồi mẫu giáo".
Bạn đọc Đ.V.Hiệp góp ý: "Người Việt Nam đến Singapore và các quốc gia khác không dám xả rác là vì thấy luật pháp nước đó nghiêm minh. Do vậy, phải phạt mạnh vào, thủ tục nên đơn giản, bộ máy kiểm tra và xử phạt phải năng nổ, tích cực".
Bạn đọc Nguyễn Thanh Tâm nhắc lại: "Cũng như việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy vậy, nhờ xử phạt nghiêm túc nên hiện nay gần như đa số người dân đã chấp hành. Chuyện không xả rác, nếu cơ quan chức năng thật sự quyết tâm thì chắc chắn sẽ làm được".
Đơn vị đồng hành:
Bình luận (0)