Ngày 24-4, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) cho ý kiến thẩm tra các báo cáo của Bộ Y tế về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018; tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.
Quản lý thuốc chưa chặt chẽ
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn thừa nhận hệ thống phân phối thuốc, các nhà thuốc chưa được quản lý chặt chẽ, vẫn còn thuốc kém chất lượng, thuốc giả trên thị trường; còn phổ biến việc lạm dụng kháng sinh bán thuốc không cần đơn, không theo đơn. Cùng với đó là quản lý y tế tư nhân còn chưa chặt chẽ, ở một số nơi bị buông lỏng; không ít phòng khám không đủ điều kiện về pháp lý, cơ sở vật chất, nhân lực… vẫn tồn tại một thời gian dài.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi lo ngại tình trạng thuốc (thực phẩm chức năng) giả bán tràn lan trên thị trường, như thực phẩm chức năng ung thư làm bằng bột tre… Liên quan đến sức khỏe con người nhưng ở Việt Nam mua thuốc gì cũng được, quảng cáo tràn lan.
Về đấu thầu thuốc tập trung, đại biểu (ĐB) QH, bác sĩ (BS) Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) nêu ý kiến phải quan tâm đến chất lượng thuốc, đừng nghĩ đến chuyện tiết kiệm được bao nhiêu tiền, nhất là biệt dược. Ông Trí kiến nghị cần có đánh giá tính hiệu quả của đấu thầu thuốc tập trung, trong đó quan tâm đến yếu tố chất lượng.
Đồng tình, ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP HCM) chia sẻ trong vấn đề thuốc, ngành bảo hiểm và y tế "không gặp nhau" vì BS muốn dùng thuốc chất lượng cho người dân, còn bảo hiểm muốn giá thuốc rẻ. Bà Lan phân tích đấu thầu thuốc không phải là con đường duy nhất bởi còn có mô hình đàm phán giá và đây là mô hình y tế tư nhân đang làm.
"Mọi tiêu cực là do con người, nếu con người tiêu cực thì dù có đấu thầu tập trung cũng xảy ra tiêu cực. Việc tiết kiệm từ đấu giá thuốc tập trung thực chất không phải là tiết kiệm mà chỉ là lấy giá kế hoạch trừ đi giá bán thì coi đó là tiết kiệm. Do đó đánh giá chính sách mà dựa trên số liệu không chính xác là sai lầm. Mục tiêu cao nhất là thuốc phải đúng thời hạn và chất lượng cho người dân chứ không phải rẻ tiền" - bà Lan nhấn mạnh.
Vụ giắt 2 dao vào bệnh viện uy hiếp bác sĩ, đòi "làm nhanh" mới xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh ngày 23-4. (Ảnh lấy từ camera giám sát)
Lo bác sĩ bị tấn công
Về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, ông Phạm Lê Tuấn cho rằng đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân, có sự chênh lệch lớn giữa các tuyến, các vùng. Hầu hết các cơ sở y tế chỉ chủ yếu tập trung vào chữa bệnh mà chưa có đủ điều kiện thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh. Có nơi thái độ giao tiếp ứng xử của một bộ phận cán bộ chưa tốt.
Đánh giá tình hình an ninh trật tự an toàn tại một số bệnh viện (BV), ông Tuấn cho biết trong quý I/2018 tiếp tục xảy ra nhiều vụ hành hung, tấn công thầy thuốc khi làm nhiệm vụ như vụ đánh BS tại các BV: Sản nhi Yên Bái, Đa khoa Bắc Kạn, Đa khoa Hà Tĩnh, Xanh Pôn Hà Nội…
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, ông Hoàng Đức Thắng, nhìn nhận an ninh an toàn ở các cơ sở y tế vẫn trong tình trạng "cô đơn", làm cho qua chuyện, đối phó. "Không bảo vệ BS là tự ghè đá vào chân mình, người dân chịu thiệt thòi đầu tiên. Phải thiết lập an toàn cho cơ sở y tế, các BV. Chính phủ phải có chỉ đạo, yêu cầu cấp chính quyền địa phương vào cuộc chứ mỗi ngành y tế và công an thì không giải quyết được" - ông Thắng bày tỏ.
Ông Thắng nhận định hành vi xâm phạm sức khỏe của người khác phải hình sự hóa, còn biện pháp khuyên BS "tự bảo vệ" chỉ là phụ. "BS tay phải mềm để chữa bệnh cho bệnh nhân chứ cơ bắp để đánh nhau thì không được. Vì vậy chính quyền địa phương phải vào cuộc" - ông Thắng nói.
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan cũng đặt vấn đề có khép được tội tấn công BS là chống người thi hành công vụ hay không? "Không thể chỉ xử lý hành chính về tội gây rối trật tự xã hội, đồng thời phải có lực lượng pháp chế để bảo vệ BS" - bà Lan kiến nghị.
Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ đang cảm thấy đơn độc trong công cuộc chống bạo lực ở môi trường y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị chính quyền các cấp, MTTQ, giới truyền thông… phải cùng vào cuộc.
Tiết kiệm 4,57 tỉ đồng
Bộ Y tế cho biết năm 2017, tổng tiết kiệm chi quản lý hành chính được 4,57 tỉ đồng so với dự toán được giao; đấu thầu thuốc tập trung quốc gia giúp tiết kiệm được 17% so với giá kế hoạch. Trong quản lý, sử dụng lao động đã sắp xếp, tinh giản bộ máy và giảm được 36 phòng trong các vụ, cục (từ 94 còn 58 phòng); 202/420 huyện đã thực hiện hợp nhất thành trung tâm y tế huyện 2 chức năng và quản lý trạm y tế xã… Hiện Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề án đến năm 2020, những đơn vị trực thuộc bộ như một số BV, viện nghiên cứu sẽ phân cấp, phân quyền trả lại cho địa phương quản lý; chỉ giữ lại một số BV trọng điểm và viện nghiên cứu để tập trung làm chức năng quản lý nhà nước, thanh - kiểm tra…
Bình luận (0)