Ngày 15-4, Báo Thanh Niên đã tổ chức Tọa đàm "Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội" với sự tham gia của nhiều đại diện đến từ Công an TP HCM, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Sở Giáo dục - Đào tạo TP HCM cùng các chuyên gia tâm lý học.
Mở đầu buổi tọa đàm, ông Đinh Minh P. (ngụ huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) kể về nguyên nhân dẫn đến việc con ông là em Đ.M.T. (học sinh lớp 12A4, Trường THPT Đốc Binh Kiều) bị một nhóm người bên ngoài xông vào trường hành hung.
Với giọng kể uất nghẹn, ông Phương nói con ông đi học về chưa từng kể có mâu thuẫn với ai nhưng lại bị một nhóm người xông vào trường hành hung. Qua vụ việc của con mình, ông mong các cơ quan chức năng, nhà trường, ngành giáo dục đưa ra giải pháp cụ thể để ngăn chặn những hậu quả xấu có thể xảy ra.
Tiến sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý, đã kể một số câu chuyện bạo lực học đường đau lòng mà ông từng chứng kiến, trong đó có vụ đã tước đoạt mạng sống của một nữ sinh viên trường y. Tiến sĩ Đào Lê Hòa An nhìn nhận hiện nay pháp luật quy định rõ những trường hợp thực hiện hành vi bạo lực nhưng chưa xử lý những người tiếp tay bạo lực, đứng cổ vũ, livestream lên mạng.
"Hiện nay, các bạn trẻ tiếp nhận thông tin, thụ hưởng thông tin từ internet, từ smartphone quá nhanh nhưng lại không có bộ lọc thông tin. Phải nâng cao bộ lọc này, từ tâm lý, truyền thông và kỹ năng sống.... Vì vậy, việc phối hợp để có giải pháp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng là rất quan trọng" - tiến sĩ Đào Lê Hòa An nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhìn nhận các vụ phạm pháp, hành vi bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, nhiều nghi phạm và nạn nhân đều rất trẻ, đang là học trò, khiến dư luận rất lo lắng. Trong các vụ việc này có dáng dấp băng nhóm, gây hậu quả đau lòng và dài lâu. Đặc biệt, trong thời buổi công nghệ, mạng xã hội phát triển là nét mới so với trước đây. Hành vi của người trẻ do tác động của mạng xã hội lan truyền nhanh dẫn đến những mâu thuẫn, xúc phạm lẫn nhau. Từ đó, dẫn tới những người trẻ cư xử bạo lực, vi phạm pháp luật.
Ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Giáo dục - Đào tạo, cho rằng công tác quản lý, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật của người trẻ là nhiệm vụ toàn xã hội, không riêng gì ngành giáo dục. Ngành giáo dục từ nhiều năm qua đã có những giải pháp tốt, mô hình hay để góp phần vào công tác này.
Ngành giáo dục xác định có 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Đó là đạo đức lối sống xuống cấp; thiếu hiểu biết pháp luật; coi thường pháp luật. Ngành giáo dục đã có nhiều chương trình tập trung giải quyết 3 nguyên nhân nói trên, từng chương trình phù hợp với mỗi lứa tuổi, quy định pháp luật.
Nói về thực trạng người trẻ phạm pháp hình sự, thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02), Công an TP HCM, cho biết trong giai đoạn từ năm 2018 đến quý I/2021 trên địa bàn TP HCM xảy ra 516 vụ phạm pháp do người dưới 18 tuổi thực hiện, truy bắt được 884 đối tượng.
Đáng chú ý, độ tuổi tội phạm dưới 14 tuổi chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm 27,26% và dưới 18 tuổi chiếm 69,12%. Trong số 884 người phạm tội thì có tới 553 thiếu niên bỏ học chiếm tỉ lệ 71,44%.
Thiếu tá Hùng đề nghị dùng chính "công cụ mạng xã hội" để tạo ra các group (nhóm) giữa gia đình và nhà trường, giữa các nhà trường với sở giáo dục để thông tin qua lại. "Các bậc cha mẹ cần kiểm soát, kiểm duyệt những nội dung phim ảnh của con em. Chúng tôi cảm thấy điều này là rất cần thiết, khi thời gian qua trên mạng xã hội, các phim ảnh, clip ngắn của các nghệ sĩ, danh hài cũng lồng ghép rất nhiều phim đại ca, bạo lực".
Bình luận (0)