Anh Nguyễn Văn Cường (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM):
Mong ước được làm những việc bình thường
Nhìn mình trong gương, với mái tóc dài phải buộc lên, tôi bật cười vì trông ngộ quá. Nhìn nhau qua màn hình điện thoại, tôi và bạn cười xòa, hài hước nói với nhau: "Hết dịch, dễ gì có dịp để tóc dài tập thể nữa"!
Mang chuyện này vào cuộc tán gẫu giữa đêm tại chốt phong tỏa của phường, hai anh dân quân khác, là "đồng đội" bám chốt cùng tôi gần một tháng nay, hào hứng góp chuyện: "Bao giờ hết dịch, việc đầu tiên, anh sẽ đi cắt tóc. Sau đó sẽ về nhà, "đánh" một giấc thật đã đến hôm sau".
Đúng là sau chuyện cắt tóc, chúng tôi còn muốn được ngả lưng một giấc "đã đời". Bởi lâu rồi, những người trực chốt phong tỏa như chúng tôi phải căng mình với nhiệm vụ suốt ngày đêm. Ngoài bảo đảm an ninh khu vực, khi địa phương cần, chúng tôi còn tham gia đội hình phun khử khuẩn y tế trên địa bàn. Khi càng phát hiện nhiều ca bệnh, địa phương càng nới rộng phạm vi phong tỏa, các chốt kiểm soát nối nhau mọc lên, nhiệm vụ nhiều hơn, giấc trưa lẫn giấc tối của chúng tôi cũng ngắn dần.
Cũng về chủ đề mong muốn khi hết dịch trong lần tán gẫu nhiều ngày trước đó, thượng úy công an là chốt trưởng của chúng tôi đã tâm sự điều đầu tiên anh sẽ làm khi nhiệm vụ hoàn thành, cuộc sống trở lại bình thường, tàu xe được lưu thông, là về Gia Lai thăm vợ. Vợ anh mang thai đứa con đầu lòng được 7 tháng nhưng hơn nửa thời gian đó, anh không thể ở cạnh bên chăm sóc chị.
Bao giờ hết dịch? Tôi không biết, các anh chị cũng không biết. Chỉ biết càng khát khao hết dịch bao nhiêu, chúng tôi càng có động lực để bám chốt, giữ vững an ninh và phòng chống dịch bấy nhiêu. Để một ngày không xa, những chuyện như được ra tiệm chọn kiểu tóc và ung dung để những người thợ lành nghề "múa kéo", được ngủ một giấc "đã đời" hay được về nhà thăm vợ, chăm con lại trở thành chuyện… thật bình thường.
Tổ công tác kiểm tra người lưu thông trên đường Phạm Văn Đồng, TP Thủ Đức, TP HCM Ảnh: Sỹ Hưng
Chị Vũ Thị Dung (người sáng lập và điều hành Quỹ Khát Vọng):
Kết nối nhiều hơn nữa...
Tôi sống tại khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) và làm công tác bảo trợ xã hội, cụ thể là trực tiếp tham gia triển khai trợ giúp toàn diện cho trẻ mồ côi, đặc biệt ở độ tuổi thanh thiếu niên; đỡ đầu, bảo trợ các con ăn học đến khi trưởng thành.
Với tính chất công việc này, tôi thường đi lại rất nhiều. Vào tháng 7 hằng năm, Quỹ Khát Vọng có sự kiện Trại hè - ngày hội gia đình của hàng trăm trẻ mồ côi ở mọi miền đất nước về cùng sum họp. Năm nay, tình hình dịch bệnh phức tạp, các hoạt động không thể diễn ra như thông lệ, kế hoạch trại hè phải hủy bỏ khiến các con nuối tiếc. Thế nhưng, không vì thế mà chúng tôi mất kết nối, ngưng trệ các nỗ lực, giảm bớt yêu thương và đánh mất hy vọng.
Phải thay đổi cách thức làm việc để thích ứng với tình hình mới. Chúng tôi tạo ra nhiều buổi trò chuyện, hoạt động đào tạo, định hướng online hơn cho trẻ; tổ chức cuộc thi "Sống để yêu thương" dành cho học sinh- sinh viên để qua đó, hướng đến một tinh thần, tâm thế sống chủ động, lan tỏa yêu thương. Nhiều bài thi viết về chủ đề Covid-19 tỏa sáng tình người, sự chia sẻ, đồng cảm và đầy hy vọng. Ngay sau khi cuộc thi kết thúc, kênh radio "Trạm nghỉ Thanh Xuân" với tinh thần thanh xuân tươi đẹp cũng được ra mắt phục vụ công chúng từ nay về sau.
Tuy nhiên, đây chỉ là những nỗ lực rất nhỏ. Chúng ta cần sức mạnh và nỗ lực của cộng đồng trong dài hạn. Bởi dù đại dịch chấm dứt, dù chúng ta trở lại cuộc sống không Covid-19 thì mọi thứ vẫn chưa thể bình thường bởi các di chứng, tổn thương mà dịch bệnh để lại. Cũng không thể chắc chắn dịch bệnh sẽ không bùng phát nữa.
Vì vậy, bây giờ là lúc chúng ta nên cùng chuyển đổi với "tư duy thích ứng", "năng lực thích ứng" bằng tâm thế chủ động, các kỹ năng, hiểu biết đúng đắn giải quyết vấn đề và "nguồn năng lượng tinh thần" với lối sống thuận tự nhiên, tích cực được bồi đắp bằng yêu thương và hy vọng.
Nghĩ về tương lai Covid-19 không còn là mối đe dọa nguy hiểm mà trở thành một chứng bệnh thông thường mà con người đã tìm ra cách khống chế, tôi ấp ủ thật nhiều kế hoạch. Tôi sẽ rong ruổi đi thăm các con trong ngôi nhà chung Khát Vọng ở khắp mọi miền, ghé thăm TP HCM - nơi tôi đã có thời gian gắn bó không quá dài nhưng thật sâu đậm, để thăm các con đang sinh sống và học tập ở đây. Chúng tôi sẽ đón một số con em gia đình Khát Vọng về nhà chung ở Hòa Bình để chăm sóc và bù đắp nhiều hơn cho các con. Tôi sẽ đi xác minh và đón nhận thêm các con mồ côi mới về gia đình Khát Vọng và còn thật nhiều điều muốn nói, muốn làm… để sống trọn vẹn hơn, kết nối nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn.
Mời bạn đọc tham gia
Đếm từng ngày được gỡ giãn cách xã hội, đặt cho mình kế hoạch sẽ làm ngay khi hết dịch, đôi khi chỉ là những việc ngày thường chẳng ai màng tới như được ngủ một giấc "đã đời", được cắt tóc… Đó là những việc rất đỗi bình thường, như được đi học, chạy xe đi làm, được về quê, thăm gia đình, được chăm con, được đi chợ mua những thực phẩm mình thích về nấu… Hoặc đôi khi là những mong ước lớn hơn cho nghề nghiệp, công ty, cho thành phố, đất nước.
Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Bao giờ hết dịch, tôi sẽ...". Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Trân trọng!
Bình luận (0)