Bạn đọc Trường Nhất: Được ở nhà là hạnh phúc!
Hôm nay là ngày thứ 19 khu vực tôi ở bị phong tỏa và tôi chỉ ở một mình trong căn phòng với 4 bức tường, điều mà trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ tới.
Không thể ra ngoài ăn những món yêu thích, tôi vào bếp nấu những món ăn đơn giản bằng những nguyên liệu được ban quản lý khu nhà và các nhà hảo tâm giúp đỡ, qua đó tôi học được nhiều điều mới.
Không thể đến phòng tập, tôi tập thể dục tại nhà. Không thể đi du lịch, tôi lên internet xem những bài review, video của các điểm du lịch nổi tiếng. Đọc sách nhiều hơn giúp tôi tăng vốn từ, cảm xúc và tĩnh tâm. Tôi có thời gian quan tâm, trò chuyện với người thân qua video call, tình cảm thêm gắn kết, yêu thương…
TP HCM những ngày giãn cách xã hội Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Mỗi ngày, tôi dõi theo những điều tích cực, những câu chuyện đẹp trong cuộc sống để giữ tinh thần lạc quan và thấu cảm. Từ câu chuyện bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy trong bộ đồ bảo hộ hằng ngày vắt sữa cho một bé gái 7 tháng tuổi đang điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Trưng Vương; những chiến sĩ áo xanh ôm nhau hơn một giờ dưới mưa đến em nhỏ được mọi người dành cho cái tên trìu mến "thiên thần mùa dịch", mạnh mẽ bước lên xe đi cách ly một mình, trong trang phục bảo hộ rộng thùng thình… Hay rất nhiều tấm lòng hướng đến người nghèo, từ gian hàng 0 đồng, siêu thị sẻ chia, ATM gạo, chuyến xe nhân ái…; nhiều bà con ở khắp mọi miền gửi tặng TP HCM những bó rau, con cá, thùng mì, bánh tét, trái cây,…
Xem và nghe để cảm nhận mình thật may mắn, hạnh phúc khi vẫn khỏe mạnh, được ở trong căn phòng của mình và được làm việc. Từ đó, thấu hiểu và ý thức hơn trách nhiệm với xã hội. Tôi chọn cách chia sẻ khó khăn với mọi người bằng đóng góp trong khả năng và sẽ tham gia tình nguyện khi có thể để giúp đỡ cộng đồng trong thời gian tới.
Bạn đọc LÊ PHƯƠNG TRÍ: Gia đình vui vẻ là kháng thể mạnh mẽ
Chưa bao giờ những người trong gia đình lại ở cạnh nhau 24/24 giờ suốt trong một thời gian dài như những ngày giãn cách xã hội này. Quanh quẩn mãi trong nhà, cảm giác tù túng, bức bối sẽ tăng khiến một chút bực mình cũng "chuyện bé xé thành to".
Gia đình tôi cũng không tránh khỏi. Rất may, chúng tôi đã cố gắng tìm cách vượt qua thử thách để không phải "gần mà xa".
Từ trước đến giờ, việc đi chợ do vợ tôi đảm nhiệm. Tôi và các con lại kén ăn. Những ngày giãn cách, vợ tôi bực dọc vì không mua hàng được như ý. Thấy vợ buồn bực, tôi mày mò tìm hiểu mua hàng online. Lần đầu nhận hàng từ shipper, tôi hồi hộp nhưng nhìn bà xã tươi rói vì có đủ rau củ cho mấy ngày, tôi thấy nhẹ lòng. Từ đó, vợ chồng cùng tham khảo, bàn luận đặt thực phẩm online. Hai con tôi lướt mạng xã hội thấy món gì lạ mà nguyên liệu nhà có thì cả nhà cùng "thí nghiệm" rồi cười vang khi "hư bột hư đường", phấn khởi vô cùng khi thành công. Vậy là tokbokki làm từ bánh tráng, bánh cuốn làm từ bánh tráng, mì gói xốt sữa tươi - hột gà… đã trở thành món ăn sáng quen thuộc trong những ngày giãn cách.
Để có một số rau thơm, gia vị cho các bữa ăn, tôi trồng gừng, rau quế, húng cây, diếp cá… trong mấy chậu đất trên sân thượng; vợ tôi trồng hành trong mấy chai nước như trên mạng hướng dẫn. Việc tưới nước là của các con. Chỉ vậy thôi mà lần "thu hoạch" nào cũng rất vui.
Việc nhà cũng không có gì nhiều, loáng một cái đã xong, các con lại dán mắt vào điện thoại. Nghĩ mãi, tôi chợt nhớ các con thích vẽ, hay làm thiệp tặng bạn. Tôi bèn "dụ dỗ" dạy con thư pháp. Trong lúc dạy thư pháp, tôi nhắc các con nhớ đến một số tác phẩm văn học để con cảm nhận khác hơn, thấy hay và hiểu rõ hơn khi đọc các tác phẩm văn học liên quan đến việc học, việc thi cử, việc viết chữ thời xưa... Mỗi lần tôi dạy, vợ tôi ngồi cạnh bên khen ngợi, động viên. Cả nhà lại có cái để chuyện trò gần gũi.
Qua chuyện nhà mình, tôi thấy để không phải "gần mà xa", mỗi người trong gia đình phải cố gắng hơn để tìm cách dung hòa, giúp nhau xóa tan phiền muộn. Gia đình vui vẻ, hạnh phúc chính là "kháng thể" mạnh mẽ cho mỗi người trong những tháng ngày phải đối phó với dịch bệnh.
Bạn đọc HOÀNG VĂN ĐÌNH (Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV): Niềm tin là sức mạnh vượt qua khó khăn
Dịch bệnh khiến nhiều lĩnh vực điêu đứng. Không chỉ riêng ngành du lịch mà đa phần các ngành nghề khác cũng đều chịu sức nén khủng khiếp về kinh tế. Dẫu vậy, Saigontourist Group vẫn dành các cơ sở khách sạn, khu triển lãm để làm khu cách ly tập trung, phục vụ bệnh nhân Covid-19; địa điểm tiêm vắc-xin phòng ngừa Covid-19; nơi lưu trú sau một ngày dài làm việc cho đội ngũ y - bác sĩ. Tôi và đồng nghiệp, vì thế, vẫn được đi làm, đóng góp những việc làm thiết thực để đội ngũ y - bác sĩ tuyến đầu phần nào yên tâm phục vụ nhân dân cùng chung tay vượt qua đại dịch.
Với tôi, giai đoạn này thật nhiều cảm xúc. Chúng tôi gác lại việc riêng, chấp nhận ở lại đơn vị vài tháng, thường xuyên phải làm việc liên tục hơn 14 giờ/ngày vì số lượng khách cách ly quá tải. Cứ đến tối, chúng tôi tranh thủ gọi nhanh về nhà, chỉ để kịp hỏi: "Con ăn gì chưa?", "Hôm nay mẹ thế nào, có khỏe không?"… Đôi khi, trải qua những đớn đau, bất lực trước tin người thân của đồng nghiệp vừa mất mà họ không thể về nhà. Đau nỗi đau của đồng nghiệp, lo cho người thân ở nhà nhưng chúng tôi vẫn phải nén lại, kiên cường vượt qua để tiếp tục chăm sóc cho những người đang cần đến mình. Trong chúng tôi luôn có niềm tin rằng hy sinh của mỗi người dân lúc này; cùng nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền TP, rồi TP HCM sẽ sớm phục hồi và phát triển.
Cho nhau thêm niềm vui
Vài tháng trước, có lẽ chúng ta chưa từng nghĩ sẽ sống trong những ngày như thế này, giữa sự im ắng đến lạ lùng của một thành phố lớn luôn sôi động đêm ngày.
Vì đặc thù công việc, tôi vẫn có thể ra đường hít khí trời, không bị "bó chân" liên tục trong bốn bức tường. Có những khi tôi trực liên tục 1 tuần tại cơ quan, khối lượng công việc nhiều hơn vì cập nhật liên tục các vấn đề thời sự, dân sinh… hoặc ra hiện trường ghi hình cho chương trình.
Vốn tính lạc quan, tôi thích tìm kiếm, ghi chép những điểm tươi sáng. Tôi nhận thấy người dân rất biết thích nghi với bối cảnh mới, biết cách tìm những niềm vui nho nhỏ dù cuộc sống có nhiều xáo trộn. Tôi thích nhìn cảnh sáng sáng có xe đi bỏ rau củ trước cửa những nhà hàng xóm; hay có người viết tấm bảng với nội dung hài hước: "Dịch quá dừng giao lưu, khi nào còn sống sau dịch chơi tiếp" đặt trước cửa để tự "răn đe" gia đình mình và hàng xóm không tụ tập... Tôi cũng hay đăng tải những khoảnh khắc vui vui, dễ thương sưu tầm đâu đó trên mạng lên tài khoản cá nhân... Lòng người đầy bão giông bởi lo lắng cơm áo, sức khỏe, tình hình người thân khu phong tỏa. Vậy nên, tôi nghĩ điều quan trọng để đánh bại con virus quái ác này, vững vàng đi qua giai đoạn khó khăn chính là giữ được tinh thần lạc quan, làm vơi bớt buồn phiền cho những ai quanh mình.
Võ Quang Huy ( Biên tập viên Truyền hình Công an Nhân dân ANTV)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-7
Bình luận (0)