Điển hình trên đường Điện Biên Phủ (đoạn từ cây xăng Comeco đến cầu Văn Thánh; phường 21, quận Bình Thạnh), từ ngày 12-11, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM bắt đầu cấm xe khách trên 16 chỗ dừng, đậu trong khung thời gian từ 6 giờ đến 20 giờ. Tuy nhiên, qua ghi nhận sau hơn 1 tháng triển khai, lệnh cấm dường như không có hiệu lực khi các xe khách lớn vẫn dừng, đậu để đón - trả khách.
Không bị xử lý
Sáng 13-12, có mặt tại đoạn đường nói trên, chúng tôi ghi nhận nhiều xe khách trên 16 chỗ dừng, đậu “nghênh ngang” ngay dưới bảng cấm (hướng từ quận Bình Thạnh qua quận 2). Có xe còn dừng giữa đường để đón, trả khách hoặc xếp, dỡ hàng hóa khiến khu vực này trở nên bát nháo, mất trật tự an toàn giao thông. Quan sát chỉ trong khoảng 30 phút, chúng tôi đã thấy có ít nhất 5 xe khách loại 50 chỗ (thuộc các hãng xe Cường Thủy, Võ Cúc Phương…) dừng, đậu gây ra cảnh ùn ứ cục bộ. Chưa kể, tại vị trí gần cầu Văn Thánh có một trạm dừng cho xe buýt nên mỗi khi các chuyến xe muốn tấp vào trạm đều phải lách qua các xe khách dừng, đậu hoặc buộc phải dừng ngoài trạm để đón khách.
Trước đó, ngày 11-12, chúng tôi cũng ghi nhận hàng chục xe khách lớn dừng, đậu ở ngay dưới bảng thông tin cấm xe đón - trả khách. Qua tìm hiểu, tại khu vực trên có văn phòng của một nhà xe, nhiều hành khách được tập kết đến đây để lên xe về tỉnh Đồng Nai. Thế nhưng, quan sát ở nhiều thời điểm, chúng tôi không thấy có lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý.
Tại 3 tuyến đường Lê Hồng Phong, Vĩnh Viễn và Trần Nhân Tôn (quận 10), Sở GTVT áp dụng lệnh cấm xe khách trên 25 chỗ từ 6 giờ đến 22 giờ. Khi lệnh cấm bắt đầu áp dụng, nhiều doanh nghiệp vận tải (DNVT) có lộ trình xe chạy qua những tuyến đường trên đều sử dụng các loại ô tô nhỏ hơn 25 chỗ trung chuyển hành khách hoặc điều chỉnh thời gian chạy từ sau 22 giờ đến trước 6 giờ hôm sau. Một số xe vẫn lén lút lưu thông vào đoạn đường cấm khi không có lực lượng chức năng chốt trực, trong đó có khá nhiều xe từ các địa phương khác ra, vào TP HCM.
Thừa nhận tình trạng xe khách lớn lưu thông hoặc dừng, đậu đón - trả khách gây lộn xộn ở khu vực trên đã giảm hẳn từ lúc có lệnh cấm nhưng theo bà Nguyễn Thị Thủy (ngụ phường 2, quận 10), buổi trưa và chiều tối, một số xe khách lớn vẫn lén lút hoạt động.
“Việc cấm xe khách lớn lưu thông vào những tuyến đường trên, tài xế sẽ cho xe dồn về các tuyến đường lân cận để đón, trả khách. Một số đoạn trên đường Nguyễn Chí Thanh, Tản Đà (quận 5)…, gần khu vực cấm xe, đang xuất hiện nhiều loại xe khách lớn dừng, đậu để đón - trả khách, thậm chí còn bốc dỡ hàng hóa giữa đường” - bà Thủy dẫn chứng.
Khu vực đường 19/5B (phường Tây Thạnh, quận Tân Phú), người dân cũng phản ánh nhiều điểm có xe khách thường xuyên ra vào đón - trả khách. “Các xe thường xuyên ra vào từ 1 giờ đến 6 giờ sáng, bóp còi inh ỏi khiến cả khu dân cư náo loạn, không ai ngủ được. Không chịu nổi tiếng ồn, có người đã phải bán nhà chuyển đến nơi khác sinh sống” - ông Đặng Hồng Trường (ngụ tại khu vực này) bức xúc.
Quy định chồng chéo
Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT, quy định quản lý vận tải hành khách đường bộ đối với xe hợp đồng và xe du lịch đơn giản hơn tuyến cố định nên hiện trên địa bàn TP, số phương tiện tham gia loại hình kinh doanh này lên tới hơn 21.000 chiếc. Xe hợp đồng, du lịch được đón khách tại địa điểm ghi trong hợp đồng, không chịu sự kiểm tra, kiểm soát về giá, điều kiện kỹ thuật và cũng không phải hoạt động tài chuyến theo sự phân công, chi phí giá dịch vụ tại các bến xe như tuyến cố định nên nhiều DNVT thành lập các văn phòng, chi nhánh, địa điểm kinh doanh và sử dụng xe hợp đồng, xe du lịch để đón khách ở những điểm này.
Trường hợp hoạt động theo tuyến cố định, nhiều DN lại sử dụng xe 16 chỗ trung chuyển hành khách từ các văn phòng, chi nhánh đến bến xe và ngược lại. Trong khi đó, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký DN, hộ kinh doanh lại khá dễ dàng, dẫn đến nhiều điểm sau khi được cấp phép lập tức trở thành “bến cóc”.
Ông Minh cho biết hiện trên địa bàn TP còn 85 điểm có hoạt động đón - trả khách đã được cấp phép, trong đó có một số điểm không bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhưng Thanh tra Sở GTVT không đủ thẩm quyền xử lý, cần sự phối hợp của chính quyền địa phương và công an.
Trước mắt, thành lập tổ liên ngành, có sự tham gia của các đơn vị như Sở GTVT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND các quận, huyện trên địa bàn TP siết chặt quản lý hoạt động đón - trả khách. Đồng thời, Sở GTVT đang xem xét lắp đặt các biển cấm dừng, đỗ đối với xe khách trên 9 chỗ ngồi tại các khu vực, tuyến đường có tình trạng “xe dù, bến cóc” hoạt động.
Trong dịp Tết sắp tới, Thanh tra Sở GTVT sẽ phối hợp với lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra các hoạt động vận tải hành khách, tập trung vào các tuyến xe cố định chạy sai hành trình. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và các khu quản lý giao thông đô thị cập nhật những điểm đón - trả khách sai quy định nhằm phối hợp kiểm tra, xử lý.
Xây dựng 9 điểm đón - trả khách
Ông Lê Hoàng Minh cho biết hiện Sở GTVT đang xây dựng 9 điểm đón - trả khách tuyến cố định từ TP HCM đi các tỉnh miền Đông. Các điểm này nằm trên xa lộ Hà Nội (gồm cả 2 hướng, kéo dài từ khu vực gần cầu Đen, quận 2 đến Nghĩa trang Liệt sĩ, quận 9); Quốc lộ 1 và Quốc lộ 13 (quận Thủ Đức). Việc đầu tư xây dựng 9 điểm đón, trả khách trên sẽ được hoàn thành trước ngày 1-1-2017.
Bình luận (0)