Sau nhiều phiên tranh luận, cuối cùng, Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2015 để trình Chính phủ. Theo đó, LLT vùng 1 là 3,1 triệu đồng, vùng 2: 2,75 triệu đồng, vùng 3: 2,42 triệu đồng và vùng 4: 2,2 triệu đồng. Nhiều bạn đọc ngao ngán: “Đâu cần đến các chuyên gia, ai cũng có thể thấy rành rành mức lương như trên không thể nào sống nổi trong điều kiện vật giá leo thang như hiện nay. Câu chuyện này đã kéo dài bao nhiêu năm qua nhưng đến nay vẫn chưa thấy lối ra”.
Nhiều người khi hết tuổi lao động thì chỉ sống dựa vào lương hưu. Lương hưu lại phụ thuộc vào mức đóng BHXH, trong khi hầu hết doanh nghiệp hiện nay đóng BHXH cho người lao động đều dựa trên LTT. Với mức LTT như hiện nay thì một lao động bình thường chỉ đóng được BHXH trên mức thu nhập chưa đến 4 triệu đồng. Khi nghỉ việc, dù được hưởng mức lương hưu cao nhất là 75% trên mức đóng, họ cũng sẽ chỉ nhận được chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này, họ làm thế nào để có thể sống trong tương lai?
Bạn đọc Thanh Hoàng nói thẳng: “Để lĩnh được mức lương hưu như trên thì người lao động chúng tôi phải làm việc và tham gia BHXH đầy đủ 30 năm. Với người lao động trực tiếp thì mong gì làm việc nổi 30 năm? Vì vậy, mức hưu được hưởng sẽ còn rất thấp”.
Bạn đọc Quang Lâm phân tích: “Một khi người lao động không tự lo cho bản thân được thì nhà nước cần phải lo thông qua các nguồn an sinh xã hội: nhà dưỡng lão, chi phí y tế và các chi phí liên quan... Nói cách khác, bây giờ cuộc sống của người lao động còn quá phụ thuộc vào mức LTT thì trong tương lai, họ sẽ càng khốn khó hơn và gánh nặng tất cả sẽ đổ dồn lên Chính phủ”.
Cơ quan BHXH cũng đã cảnh báo về việc lạm chi BHXH và mức lạm chi này ngày càng lớn. Trong khi đó, mức đóng BHXH cứ tính trên LTT thì rất thấp và mỗi lần tăng LTT thì quá khó khăn. Thậm chí, đã có lúc cơ quan này cảnh báo về khả năng vỡ quỹ xảy ra và hệ lụy của nó sẽ là bi kịch của bao người.
Doanh nghiệp có thể luôn kêu than vể việc tăng LTT bởi vì họ không muốn tăng chi phí đóng BHXH, BHYT cho người lao động. Cái lợi trước mắt là doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất, đồng nghĩa với việc lợi nhuận của họ tăng. Thế nhưng, mặt trái của việc này là người lao động sẽ sống rất khổ sở và càng khổ sở hơn khi hết tuổi làm việc. Những gánh nặng chăm lo cho người lao động trong tương lai sẽ đổ dồn về Chính phủ và càng kéo dài sẽ càng trầm trọng.
Bình luận (0)