Phóng viên: Ông nhận định thế nào về mức tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2015 từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng mà Hội đồng Tiền lương quốc gia (HĐTLQG)vừa đề xuất?
- Ông Phillip Hazelton: Mức lương nào phù hợp với Việt Nam là câu hỏi cần phải được trả lời bởi chính các bên liên quan ở Việt Nam. HĐTLQG đã phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn: Không chỉ cân nhắc nhu cầu của người lao động (NLĐ) và gia đình mà còn phải tính đến yếu tố tác động đến nền kinh tế, bao gồm tác động đến năng suất lao động, sức cạnh tranh, đầu tư và việc làm.
Sau các cuộc họp, HĐTLQG đã đồng ý đưa ra lộ trình tăng LTT bằng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ. Lộ trình này sẽ dần nâng những mức lương thấp nhất lên ngang bằng với mức sống tối thiểu và cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) đủ thời gian điều chỉnh với mức tăng từ từ của LTT.
Đại diện NLĐ là Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng mức tăng lương như đề xuất vẫn còn thấp theo lộ trình tăng LTT để bảo đảm mức sống tối thiểu...
- Tổng LĐLĐ Việt Nam có lý khi nhìn vào thực tiễn đời sống và việc làm của NLĐ. Tôi phải nhấn mạnh rằng một trong những kết quả của các phiên thảo luận là cả 3 bên, trong đó có đại diện NSDLĐ là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đều đồng ý tiền lương phải bảo đảm cho NLĐ có mức sống cơ bản, kể cả những người hưởng lương thấp nhất. Thế nhưng, khó khăn là từ góc độ của NSDLĐ, điều kiện kinh tế ở Việt Nam hiện không cho phép tăng LTT đáp ứng 100% nhu cầu sống tối thiểu ngay lập tức. Vì vậy, hội đồng đã đưa ra một lộ trình để NSDLĐ có thời gian thích nghi với việc tăng LTT và NLĐ cũng hiểu rằng trong tương lai gần, LTT sẽ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Điều quan trọng là không chỉ bàn chuyện tăng lương bao nhiêu mà nên tạo ra những điều kiện để tăng trưởng tiền lương bền vững, bao gồm tăng năng suất lao động.
Với 64,3% phiếu thuận, rõ ràng có khoảng cách về đề xuất tăng LTT vùng giữa các bên. Sự bất đồng trong quá trình thương lượng là đương nhiên bởi VCCI và Tổng LĐLĐ Việt Nam đại diện cho 2 bên khác nhau của quan hệ lao động. Điều quan trọng là các bên đã ngồi lại với nhau, xem xét các số liệu kinh tế và xã hội, lắng nghe nhu cầu của NLĐ, mối lo ngại của doanh nghiệp (DN) và triển vọng chung của nền kinh tế.
Việc tăng LTT thường sẽ tạo áp lực cho DN và họ sẽ tìm cách đối phó. Theo ông, cần có những biện pháp kỹ thuật hay giải pháp nào để vừa giúp DN ổn định sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm các quyền và lợi ích cho NLĐ, tránh xung đột, tranh chấp?
- Các DN sẽ đối phó với việc tăng LTT như thế nào, bản thân họ biết rõ nhất. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã thực hiện một nghiên cứu về nội dung này để phục vụ cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Kết quả thú vị là đa phần lãnh đạo các DN đều cho rằng cải thiện kỹ năng cho NLĐ, tăng cường hiệu quả của dây chuyền sản xuất và cải thiện năng suất là những giải pháp ưu tiên khi đối diện với tình huống tăng LTT giả định. Rất ít DN không có điều chỉnh gì, đóng cửa hoặc chuyển địa bàn sang nước khác hay khu vực khác.
Dù vậy, trách nhiệm không chỉ thuộc về DN. Chính phủ phải tạo ra những điều kiện để hỗ trợ tăng trưởng năng suất, như cải thiện hệ thống giáo dục, đào tạo nghề, cơ sở hạ tầng, hỗ trợ dịch chuyển ngành, các giải pháp sản xuất hiệu quả và cải thiện quan hệ lao động. Về dài hạn, tăng trưởng năng suất tạo nền tảng cho tăng trưởng tiền lương bền vững trong khi vẫn duy trì được năng lực cạnh tranh của DN.
ILO đang hỗ trợ về mặt kỹ thuật giúp HĐTLQG điều chỉnh LTT dựa trên các căn cứ khoa học, đồng thời sử dụng những phương pháp luận phù hợp để đo lường và theo dõi mức sống tối thiểu của NLĐ cũng như đánh giá tốt hơn tác động của việc điều chỉnh LTT đến nền kinh tế và việc làm.
Bình luận (0)