Vậy nên mỗi lần ba mẹ đi làm về đều tránh tiếp xúc với con, anh chị con cũng hạn chế chơi với con vì ai cũng lo sẽ lây nhiễm cho con. Con thấy buồn lắm, ai ai cũng muốn bảo vệ sức khỏe cho con nhưng điều đó làm con cảm thấy mình bị xa lánh. Con phải làm gì để chấp nhận việc này ạ?
-TS Lê Minh Công (Chương trình Vắc-xin tinh thần thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM): Những trải nghiệm cảm xúc của con là chính đáng, nhất là cảm nhận về sự cô lập, bị xa lánh và thiếu kết nối xã hội với gia đình của mình. Chú rất thấu hiểu và rất đồng cảm với cảm nhận ấy của con.
Chú cho rằng việc đầu tiên con hãy gọi tên đúng cảm xúc của mình, đó có thể là sự lo lắng, buồn chán, hay tức giận vì những trải nghiệm mà con đang trải qua.
Thứ nữa, con cần nói rõ ràng và chia sẻ cảm xúc của mình với cha mẹ, anh chị em trong gia đình. Khi nói được cảm xúc của mình, con sẽ cảm thấy thoải mái hơn, đồng thời có thể nhận được những phản hồi tích cực như công nhận, chia sẻ, thấu hiểu và yêu thương con hơn từ các thành viên trong gia đình.
Thứ ba, con cần ứng phó với các cảm xúc tiêu cực đó của mình thông qua nhiều chiến lược khác nhau như tập trung vào bản thân, cơ thể của mình xem có đau đớn hay khó chịu gì không? Tập trung vào suy nghĩ của mình xem mình có suy nghĩ tiêu cực gì không? Tập trung vào cảm xúc của mình xem thực sự có quá tiêu cực không? Khi con đánh giá được các khó khăn đó của mình rồi thì mới có các chiến lược hành động tích cực như hằng ngày viết và nghĩ về những gì mình mang ơn cha mẹ, anh chị; điều gì làm mình thấy có ý nghĩa và tích cực; mình ước muốn điều gì và mình làm gì để những điều ước muốn đó tốt hơn. Hoặc con có thể làm những điều con yêu thích trong lúc này ngoài thời gian học hành như học vẽ, học chơi nhạc, hay nghe nhạc… Những điều này làm cho con cảm nhận thấy sự tích cực hóa trong suy nghĩ và nhận thức với điều con đang trải qua.
Con cũng nên duy trì các thói quen sinh hoạt tích cực như tập thể dục, chế độ ăn uống và ngủ đúng giờ. Đồng thời dành thời gian kết nối với bạn bè và thầy cô qua mạng xã hội, hoặc tham gia các chương trình đào tạo trực tuyến về kỹ năng sống, điều này giúp con có một đời sống tinh thần khỏe mạnh.
Chú biết, ở tuổi của con, gắn bó, kết nối với gia đình của mình rất quan trọng nhưng hãy bắt đầu chú ý đến sự trưởng thành và độc lập của bản thân con nhé.
Bình luận (0)