Luôn trong trạng thái lo lắng, không thể tập trung vào việc học, cộng thêm tâm lý xa gia đình làm tôi cảm thấy mình bất lực, đôi khi tuyệt vọng. Tôi phải làm sao để có thể lấy lại tinh thần, giảm bớt lo âu?
- TS Lê Minh Công (Chương trình Vắc-xin tinh thần thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP HCM):
Những trải nghiệm cảm xúc và hành vi tiêu cực của bạn, theo tôi, bắt đầu từ 2 yếu tố kích hoạt. Thứ nhất, bạn phải trải qua môi trường mới với nhiều thách thức và khác lạ, khi chưa chuẩn bị đủ các kỹ năng thích ứng cũng có thể làm gia tăng khủng hoảng. Thứ hai, việc lo lắng cho gia đình ở nhà và thiếu kết nối xã hội cũng có thể làm bạn có những cảm xúc âm tính.
Nếu đúng là vậy, chúng ta cần phải "ngay tức thời" có các chiến lược và hành động thích ứng, thay đổi. Đầu tiên, bạn cần tập trung và an trú vào cuộc sống hiện thời để cho bản thân tích cực nhất. Ví dụ, tìm hiểu và thích nghi với văn hóa địa phương, nơi bạn chuyển đến sống và học tập; kết nối bạn bè mới và xây dựng các mối quan hệ tích cực; chú tâm hơn vào các hoạt động tại trường để cảm nhận yêu thích và thuộc về; duy trì các thói quen sinh hoạt tích cực như vận động thể chất, chế độ ăn uống, giấc ngủ…
Thứ hai, bạn cần nhận thức đầy đủ hơn về giá trị sống của bản thân, các mục tiêu (ngắn hạn, trung hạn và dài hạn), các hành động có thể đạt được mục tiêu đó, các rào cản và cách thức để vượt qua rào cản. Có các kế hoạch hành động và giá trị tích cực làm bạn tin vào bản thân và năng lực của mình, trên con đường đó bạn sẽ thấy hài lòng với bản thân cũng như con đường đang đi.
Thứ ba, bạn và gia đình nên thường trao đổi qua mạng xã hội có cả hình ảnh và sự quây quần của gia đình, điều này làm bạn vơi bớt lo âu và không cảm thấy cô đơn.
Ai xa gia đình đến một nơi ở mới, môi trường sống và học tập, làm việc mới cũng sẽ có những căng thẳng, áp lực ban đầu. Nếu chúng ta có các chiến lược và duy trì các chiến lược ấy thì sẽ dần thích ứng và tích cực hóa cuộc sống của mình.
Bình luận (0)