Khi nghiên cứu tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" (tháng 10-1947) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy xuyên suốt và cốt lõi của tác phẩm này là những vấn đề xoay quanh đạo đức công vụ (ĐĐCV), là việc phải giáo dục, rèn luyện và xây dựng đội ngũ cán bộ, Đảng viên thế nào để có năng lực làm việc và tư cách đạo đức, thực sự là công bộc của nhân dân.
Ảnh hưởng niềm tin người dân
Trong "Sửa đổi lối làm việc", Bác đã vạch ra những sai lầm, khuyết điểm, lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng; trong phẩm chất đạo đức, lối sống và năng lực công tác của cán bộ, Đảng viên.
Soi vào thực tiễn, chúng ta thấy ĐĐCV đang có dấu hiệu xuống cấp. Điều này được chỉ rõ tại hội nghị trực tuyến toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, tổ chức ngày 27-6, do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì.
Một trong những nội dung được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nêu rõ trong hội nghị này là tham nhũng vặt - biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công; lót tay, chạy chọt để được việc khi giao dịch với cơ quan công quyền.
Trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, ở nhiều cấp, người dân dễ dàng chứng kiến công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, kẽ hở của pháp luật, lòng tin, sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc. Những hành vi như thế đã gây bức xúc, làm xói mòn lòng tin của nhân dân và doanh nghiệp, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Vụ việc Thanh tra Bộ Xây dựng bị bắt quả tang có hành vi vòi vĩnh xảy ra gần đây là một ví dụ khiến dư luận không khỏi bức xúc.
Các vụ tiêu cực liên quan đến sự suy thoái ĐĐCV ở nước ta những năm qua làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của dân chúng, đưa đến cái nhìn không mấy thiện cảm của xã hội về đội ngũ cán bộ, công chức. Thực tiễn đó đặt ra câu hỏi làm sao ngăn chặn được mặt trái kinh tế thị trường tác động, để giữ vững những giá trị ĐĐCV?
Lãnh đạo TP HCM trao bằng khen cho các cá nhân điển hình học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí MinhẢnh: HOÀNG TRIỀU
Yếu tố cốt lõi
Nhìn thẳng vào thực trạng như thế để thấy khái niệm ĐĐCV đối với nền hành chính của chúng ta vẫn mơ hồ, chưa được quy định cụ thể. Chính sự mơ hồ đó nên trong đánh giá cán bộ, công chức hằng năm, nhiều trường hợp ghi "hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao" nhưng ngay sau đó đã bị khởi tố tội tham nhũng.
Cán bộ, công chức thi hành công vụ dựa trên cơ sở các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi công vụ, thái độ, tinh thần, trách nhiệm, ý thức của cán bộ, công chức trong mối quan hệ với công dân phụ thuộc rất nhiều vào ĐĐCV. Pháp luật có được thực thi hay không cũng phụ thuộc rất nhiều vào ĐĐCV. Cho nên, ĐĐCV là yếu tố cốt lõi bảo đảm cho hoạt động và quản lý nhà nước hiệu quả.
Trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi có những cơ chế, quy định pháp luật tốt hơn, phù hợp hơn để duy trì và phát huy cao nhất các giá trị cơ bản của nền công vụ vì dân. Bởi vậy, việc hình thành các chuẩn mực về ĐĐCV của cán bộ, công chức là rất quan trọng, không thể nói chung chung. Muốn nâng cao ĐĐCV thì phải tăng cường công tác giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, công chức.
Xây dựng bộ máy hành chính năng động, hiệu quả và trong sạch đang là mục tiêu chính của công cuộc cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết phải có đội ngũ cán bộ, công chức giỏi nghiệp vụ và đáp ứng những chuẩn mực của ĐĐCV.
Thực tế, Luật Cán bộ, công chức rất ít đề cập nội dung hoạt động công vụ - hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cán bộ, công chức trong các công sở nhằm giải quyết quan hệ giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, công dân và người nước ngoài. Trong lúc đó, hoạt động công vụ phải thực hiện theo nguyên tắc thống nhất, công khai, tuân thủ pháp luật, đúng thẩm quyền và chịu trách nhiệm cá nhân. Chính vì thiếu những quy định có tính pháp lý cao về hoạt động công vụ mà dẫn đến những hệ lụy, bất cập không thể tránh khỏi. Đó là mảnh đất màu mỡ tạo điều kiện cho những hành xử công vụ một cách tùy tiện, tự tung tự tác, tiêu cực, nhũng nhiễu.
Thiết nghĩ, những nguyên tắc đạo đức trong nền công vụ là cơ sở cần được nghiên cứu để luật hóa, khi chuẩn mực đạo đức trong nền công vụ đã trở thành vấn đề thiết yếu đối với bộ máy hành chính.
"Các đồng chí từ trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"
Hồ ChÍ MINH
Khó bị phát hiện
Cán bộ của ta, như Bác Hồ nói, là công bộc của dân, là đầy tớ của dân. Đó là những ngôn từ tốt đẹp dành cho cán bộ, công chức, cho những người thừa hành công vụ. Tuy nhiên, khi các tiêu chuẩn đạo đức không được phản ánh một cách cụ thể trong khuôn khổ pháp lý thì thật khó xác định đâu là nguyên tắc bắt buộc để điều chỉnh hành vi của tất cả cán bộ, công chức.
Khi sự "mơ hồ" trong việc xác định đạo đức của cán bộ, công chức được kết hợp với chuyện không minh bạch trong các quy trình giải quyết công vụ thì sẽ là môi trường thuận lợi cho việc vận dụng tùy tiện rất khó bị phát hiện. Cứ thế, cùng một sự việc, cán bộ, công chức có thể xử lý theo hướng bất lợi hay có lợi cho người dân tùy theo mối quan hệ, sự thân tình và cả những khoản thù lao, quà cáp không nằm ở bất cứ quy định nào.
Bình luận (0)