“Cơn bão” nữ nhân viên mặc bikini bán điều hòa tại siêu thị Trần Anh (Hà Nội) chưa kịp lắng xuống thì ngày 29-4, siêu thị này tiếp tục gây “sốc” khi bố trí cặp nam nữ trong bộ quân phục “bồng súng”... đón khách.
Tạo ấn tượng xấu
Những “chiêu” kinh doanh lạ lẫm này đã gặp khá nhiều phản ứng từ người tiêu dùng. Phần đông cộng đồng mạng khi xem xong hình ảnh đều cho rằng việc dùng chiêu trò này có thể không mang lại hiệu quả như mong muốn, thậm chí còn tạo ấn tượng xấu với khách hàng. “Cho dù siêu thị Trần Anh có tạo được sự tò mò đối với một số người nhưng chắc chắn với nhiều người khác, đây là sự nhố nhăng, phản cảm, làm xấu hình ảnh của chính siêu thị này” - nhiều cư dân mạng nhận xét.
Bạn đọc Nguyễn Minh Nam cho rằng siêu thị điện máy là một địa điểm lớn, có nhiều khách hàng đến hằng ngày. Đối tượng khách hàng cũng rất đa dạng, từ thanh thiếu niên đến người già đều có. Đôi lúc, có cả trẻ em đi cùng người lớn vào mua sắm tại siêu thị điện máy. Bikini hay đồ lót ở Việt Nam theo góc nhìn của số đông thì chỉ nên được mặc ở những nơi như hồ bơi, bãi biển hay trong phòng ngủ. Việc siêu thị cho nhân viên nữ mặc bikini có thể sẽ gây tò mò, thích thú với một số người nhưng sẽ làm những người khác cảm thấy khó chịu, bị ức chế tâm lý.
Liên quan đến vụ việc để nhân viên nữ mặc bikini để tiếp thị, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Hà Nội đã cử đoàn thanh tra làm rõ các vấn đề liên quan. Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội cũng nhận định đây là hoạt động phản cảm về văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và sẽ xử phạt nghiêm. Theo nhiều bạn đọc, với việc làm kể trên, doanh nghiệp (DN) này có dấu hiệu vi phạm Luật Quảng cáo và Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH-TT-DL và quảng cáo.
Xử phạt được không?
Theo luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM), hành vi của DN này chưa đến mức vi phạm Luật Quảng cáo và Nghị định 158 vì không nằm trong nhóm hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo quy định tại điều 8 Luật Quảng cáo.
“Hành vi này có liên quan đến lĩnh vực trật tự an toàn xã hội và bị điều chỉnh bởi quy định của pháp luật. Trước đây, khoản 1, điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12-7-2010 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội có quy định hành vi: “Không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người; các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội” là hành vi bị cấm, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, Nghị định 167/2013/NĐ-CP lại không thấy đề cập việc xử phạt đối với hành vi này. Do đó, không có cơ sở để xử phạt” - luật sư Đức phân tích.
Cũng theo luật sư Đức, ở góc độ văn hóa DN, việc sử dụng nhân viên nữ mặc bikini để mời gọi khách mua sản phẩm thể hiện tầm “văn hóa bikini” của DN, chỉ thu hút sự hiếu kỳ của khách hàng chứ không thể giữ khách đến với DN một cách bền vững. DN muốn bán được hàng, xây dựng thương hiệu tốt, lâu dài thì cần có tiêu chí về chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi, cung cách phục vụ… Điểm lại các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới và trong nước thì thấy không DN nào thu hút khách hàng bằng “văn hóa bikini”. Vậy nên, dùng chiêu trò rẻ tiền để lôi kéo khách hàng tò mò sản phẩm của mình không phải là hành động khôn ngoan của người biết xây dựng thương hiệu.
Trong khi đó, theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), hành vi nêu trên được xác định là vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo; cụ thể là quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam được quy định tại điểm d, khoản 4 điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH-TT-DL và quảng cáo với mức xử phạt từ 30 đến 40 triệu đồng.
“Tuy nhiên, để “áp” quy định này là “trái thuần phong mỹ tục” thì cũng không dễ dàng vì hiện tại chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào giải thích nên căn cứ và cơ sở để xử lý gần như là không thể” - luật sư Công nêu.
Có thể bị khởi kiện
Về việc cho nhân viên đứng bồng súng ở cửa chào khách hàng, luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng chiếu theo các quy định của pháp luật, đây không phải là hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo. Có thể ý muốn của trung tâm điện máy Trần Anh là hưởng ứng tinh thần ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng cách thể hiện của họ chưa đạt.
“Việc bồng súng như vậy có thể gây hoảng sợ hoặc ảnh hưởng đến tâm lý của khách đến và đi. Đối với một số người có thần kinh yếu sẽ bị hoảng sợ, có thể ngất đột ngột, ảnh hưởng đến sức khỏe hay có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác. Lúc đó, đây sẽ là sự kiện pháp lý và siêu thị có thể bị khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ Luật Dân sự” - luật sư Công nhận định.
Bình luận (0)