Sáng 30 tết, trước khi xuất phát tại TP Cần Thơ, cả đoàn đã điểm tâm bằng món bánh canh bột xắt nấu với tôm đất và chan nước cốt dưa rất ngon miệng, giá chỉ 35.000 đồng/tô dù giá cả thị trường đang tăng vọt. Dừa ướp lạnh giá cũng chỉ 15.000 đồng/trái. Bạn tôi nói thức ăn, nước uống ở đây ngon và rẻ quá khiến tôi cảm thấy vui và tự hào.
Thế nhưng, sau đó, khi dừng chân tại một quán ven Quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), tôi hổ thẹn vô cùng khi bị tính tiền với giá 40.000 đồng/ trái dừa. Bạn tôi ngạc nhiên nhìn chủ quán, rồi quay sang nhìn tôi với vẻ ngạc nhiên về giá cả. Tôi im lặng. Người chủ quán kia cũng im lặng rồi nhanh chóng lãng đi.
Tôi đã định đến trình báo tại công an địa phương nhưng những người bạn đã ngăn lại. "Trình báo chỉ tốn thêm thời gian của đoàn thôi. Đây chỉ là những người mua bán kiểu "kiếm ăn" ngày Tết" - một người bạn nhận xét.
Tô bánh canh bột xắt nấu với tôm đất và nước cốt dừa, ở TP Cần Thơ giá chỉ 35.000 đồng/tô. Ảnh: Trương Thanh Liêm
Đến địa phận huyện Bến Lức, tỉnh Long An, cả đoàn dừng chân và ăn trưa. Rút kinh nghiệm việc bị "chặt chém" tại Tiền Giang, tôi đã đến quầy thu ngân hỏi giá bán. Tại đây, nhân viên đưa ra bảng thực đơn bán đồng giá cơm 40.000 đồng/dĩa. Sau khi chúng tôi ăn xong, chủ quán lại tính tiền 10 dĩa cơm là 700.000 đồng (bình quân mỗi dĩa 70.000 đồng).
Thấy chúng tôi tỏ vẻ thắc mắc, chủ quán nói tỉnh rụi: "Bảng giá lúc nãy là với dĩa cơm nhỏ, còn dĩa cơm lớn là 70.000 đồng". Một lần nữa chúng tôi đã bị "chặt chém" một cách công khai.
Tôi định liên hệ với các cơ quan chức năng thì những người bạn trong nhóm bảo: "Thôi, mình cứ trả tiền đi. Nếu không, họ sẽ gây khó dễ, thậm chí hành hung thì mất vui, có khi lại mang thương tích ngày Xuân thì khổ thân". Vậy là chúng tôi đành phải trả số tiền "cắt cổ" của kiểu làm ăn trắng trợn.
Nhiều người mua bán dọc Quốc lộ 1 cho biết tình trạng "chặt chém" này diễn ra đã lâu. Vì vậy, nhiều người đi đường đã cảnh giác, tự mang theo thức ăn, nước uống khi đi qua tuyến đường này. Những người bạn của tôi sau khi nghe như thế chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Mới đây, một người bạn sống ở Thái Lan về nước kể với tôi rằng bên đó, người ta mua bán rất đúng giá, chất lượng cũng đảm bảo, có treo biển báo giá hẳn hoi nên du khách rất an tâm. Tôi không khỏi băn khoăn, tại sao nước bạn làm tốt việc này, còn nhiều nơi ở ta thì lại không?
Người chân chính làm ăn luôn chờ đợi sự trở lại của khách hàng bằng sự ân cần, uy tín, thân thiện, ấn tượng. Còn những người làm ăn dối trá kia đã và đang làm gì? Có chăng là sự đánh mất niềm tin, sự bức xúc, phẫn nộ với những ai lỡ "sa chân" ghé quán. Thậm chí, tôi còn nghe rằng có người tuyên bố thẳng thừng: "Chỉ cần bán cho du khách một lần, không cần họ quay lại lần thứ 2"!
Trong khi cả nước nói chung, ĐBSCL nói riêng đang tập trung phát triển ngành du lịch đầy tiềm năng, thì những "con sâu" như vừa nêu trên đã thực sự làm sầu ngành du lịch. Họ đã làm ảnh hưởng đến sự thân thiện, trung thực của những người làm du lịch chân chính; làm mất đi nét đẹp văn hóa của người dân miền Tây trong những ngày Xuân về, Tết đến.
Bình luận (0)