Theo chính lời cô giáo Thủy, Trường THCS Duy Ninh có quy định HS nói tục thì lớp sẽ bị trừ điểm thi đua rất nặng. Để khắc phục tình trạng này, cô Thủy đặt ra quy định HS nào vi phạm sẽ bị mỗi bạn trong lớp tát vào má 10 cái. Thực tế, trong lớp học này đã có 9-10 HS bị các bạn trong lớp tát vì nói tục và một HS đã nhập viện vì nhận hàng trăm cái tát.
Những HS buộc phải tát bạn như một hình thức tra tấn thô bạo như vậy được đưa hẳn hoi vào quy định để cả lớp học áp dụng trong cả một thời gian dài mà hội đồng giáo dục của trường, ban giám hiệu, ban đại diện hội phụ huynh của lớp… đều không hay biết? Hay biết nhưng vì áp lực thành tích mà im lặng để bạo lực tồn tại trong môi trường giáo dục? Cho nên, HS tát HS, cô giáo tát HS nhưng những cái tát ấy suy cho cùng chẳng khác nào ngành giáo dục đang "tát" vào kỳ vọng của phụ huynh về sự nghiệp giáo dục.
Công an đã khởi tố vụ án để điều tra, cô giáo Thủy đã bị tạm đình chỉ công việc để kiểm điểm. Thế nhưng, điều dư luận mong muốn chính là ngành giáo dục Quảng Bình nói riêng và ngành giáo dục nói chung phải có giải pháp để xử lý triệt để những mầm mống bạo lực trong trường học, trong đó có cả việc xử lý nghiêm lãnh đạo bất kỳ trường học nào vì "bệnh thành tích" mà dung dưỡng cho hành vi bạo lực trong nhà trường.
Bạo lực không chỉ xảy ra ở những lớp mầm non tư thục ở các khu công nhân lao động nghèo mà còn ở các cấp học cao hơn, ngay các đô thị văn minh, hiện đại. Hành vi bạo lực không chỉ là chuyện HS xử nhau như xã hội đen mà cả chuyện HS bạo lực với thầy cô giáo, thầy cô giáo bạo lực lại với những HS của mình. Đi kèm với bạo lực là bệnh thành tích như một dịch bệnh trị mãi vẫn không được, kéo theo đó là muôn vàn hệ lụy.
Xin hãy để trường học mãi là nơi ươm mầm nhân cách, trí tuệ cho trẻ, cũng là nơi chốn an toàn cho từng HS mỗi khi đến trường.
Bình luận (0)