Ông Phạm Văn Chung, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum: Đưa ra khỏi bộ máy cán bộ xem thường dân
Cán bộ (CB) là gốc của mọi công việc. Công tác CB có ý nghĩa quan trọng, quyết định đối với sự phát triển, đi lên của bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Đặc biệt, trong công tác CB, việc bồi dưỡng nâng cao đạo đức công vụ (ĐĐCV) là khâu quan trọng nhất, quyết định những nội dung, vấn đề khác.
Muốn xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, phải bắt đầu từ CB, công chức (CC) - những người được giao chức trách quản lý, điều hành xã hội. Muốn chống tham nhũng, tiêu cực thành công, quan trọng nhất vẫn là nâng cao phẩm chất, đạo đức, lối sống của CB, CC.
Tuy nhiên, thời gian qua, ĐĐCV của một bộ phận CB, CC xuống cấp nghiêm trọng. Trong khi đó, biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ĐĐCV, lối sống cho đối tượng này chưa hiệu quả, thậm chí không thể phát huy hiệu quả do không có chế tài đủ mạnh. Thực tế, nhiều vụ việc CB, CC vi phạm về đạo đức, lối sống nhưng bị xử lý quá nhẹ, đối phó hoặc hình thức. CB, CC chỉ bị xử lý kỷ luật khi vi phạm có dấu hiệu hình sự; ít khi bị xử lý vì thái độ, cách hành xử chưa đúng mực với người dân.
Vì vậy, biện pháp quan trọng, hữu hiệu nhất để chấn chỉnh, nâng cao ĐĐCV là phải có chế tài đủ mạnh, biện pháp xử lý nghiêm khắc. Cần quy định cụ thể những trường hợp phải xử lý kỷ luật khi CB, CC có hành vi không đúng mực, cậy thế, cậy quyền nhũng nhiễu nhân dân; cư xử thô lỗ, vô văn hóa, phản cảm với người dân khi thi hành công vụ.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý CB, CC cần cương quyết đưa ra khỏi bộ máy công quyền những người suy thoái đạo đức, lối sống, hành xử không đúng mực với người dân. Tuyệt đối không thể chấp nhận tình trạng CB, CC hành xử với người dân như côn đồ, chợ búa trong bất kỳ tình huống nào.
Cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ phải cư xử đúng mực, đúng quy định pháp luật. Trong ảnh: Nhân viên BHXH TP HCM hướng dẫn người dân làm thủ tục Ảnh: Hoàng Triều
Ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP HCM:
Xây dựng đề án văn hóa giao tiếp, ứng xử
CB, CC khi thực thi nhiệm vụ phải cư xử đúng mực, đúng quy định pháp luật; cứng rắn, kiên quyết trong xử lý nhưng thái độ phải thuyết phục, chân thành, tận tụy; không áp dụng những thái độ, cử chỉ thô bạo với người dân. Những điều này, CB, CC nào cũng biết nhưng vẫn có người vi phạm.
Thời gian qua tại TP HCM, về cơ bản, CB, CC, viên chức (VC) chưa có những biểu hiện vi phạm pháp luật trong quá trình thực thi công vụ. Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND TP ban hành quy định những điều CB, CC phải làm và không được làm; đóng thành tập nhỏ, dễ dàng bỏ túi để họ mang theo bên mình, nhắc nhở họ phải luôn tận tụy, tận tâm phục vụ người dân.
Sở Nội vụ cũng đã trình UBND TP đề án văn hóa giao tiếp, ứng xử của CB, CC, VC TP. Trong đó quy định rõ cách ăn mặc, đi đứng, phát ngôn, cử chỉ, thái độ khi làm việc, tiếp dân, xử lý hồ sơ, thủ tục của dân. Điều này sẽ tiếp sức thêm cho quá trình rèn luyện một đội ngũ CB, CC, VC tận tụy phục vụ nhân dân; xây dựng một nền công vụ kỷ luật, kỷ cương hành chính, có hiệu lực, hiệu quả. Khi kiểm tra, CB, CC, VC nào vi phạm, nhẹ nhất là kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiệm; nghiêm trọng thì phải xử lý kỷ luật để răn đe.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 5-10
Gần dân, hiểu dân
Theo ông Đinh Văn Huệ - đại tá quân đội về hưu; Trưởng Ban Công tác mặt trận KP7, phường 15, quận 10, TP HCM - chính quyền là từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. CB, CC phải hiểu rõ điều đó để gần dân, hiểu dân, vận động nhân dân. Nếu người dân chưa hiểu pháp luật thì CB, CC tuyên truyền, giải thích đến khi họ hiểu mới thôi. Một khi người dân đã hiểu thì họ sẽ tự giác chấp hành.
"Hằng ngày, tôi cũng đi vận động người dân trong khu vực không lấn chiếm lòng lề đường. Có những lúc người dân không đồng tình, thậm chí phản ứng, tôi kiên trì giải thích, thuyết phục; đồng thời, tìm hiểu hoàn cảnh của họ để có giải pháp giúp đỡ, làm sao để họ vừa được mưu sinh vừa đồng thuận chủ trương của nhà nước" - ông Huệ dẫn chứng.
Bình luận (0)