Mấy ngày qua, báo chí nhắc nhiều đến vụ phở Hòa Pasteur (phường 8, quận 3, TP HCM) bị một số đối tượng ném mắm tôm, tạt sơn… để gây sức ép với chủ quán nhằm mục đích đòi nợ.
Thờ ơ, thiếu quyết liệt
Sự việc xảy ra 8 lần chỉ trong 1 tháng ngay trên địa bàn quận 3 - một trong những quận trung tâm của TP. Nạn nhân trình báo đến cơ quan công an sở tại nhưng sự việc vẫn không bị ngăn chặn kịp thời. Sau khi báo chí lên tiếng, Công an TP đã truy tìm được băng nhóm thực hiện hành vi "khủng bố" chủ quán phở.
Tương tự, những tụ điểm ăn chơi thác loạn mà Báo Người Lao Động vừa có loạt bài điều tra "điểm mặt chỉ tên", diễn ra gần như công khai nhưng vẫn tồn tại hết ngày này qua tháng nọ. Hay vụ việc gần 400 đối tượng người Trung Quốc đánh bạc ngay trên địa bàn TP Hải Phòng nhưng chính quyền sở tại không nắm được cho đến khi Bộ Công an phá án…
Một điểm chung của những sự việc này là hầu hết người có trách nhiệm đều cho rằng do quy định pháp luật còn kẽ hở nên khó xử lý. Thật ra, đó chỉ là sự biện minh cho trách nhiệm quản lý địa bàn, không phải là nguyên nhân chính để những hoạt động phạm pháp xảy ra. Bởi lẽ, kể cả khi pháp luật có thiếu sót, sơ hở mà người có trách nhiệm, nhất là phụ trách, quản lý địa bàn, thực thi công vụ bằng thái độ tích cực, hết mình, kiên quyết ngăn chặn và kịp thời xử lý những biểu hiện phạm pháp thì tội phạm có "gan bằng trời" cũng không dám vi phạm công khai, thách thức dư luận.
Hơn nữa, pháp luật là từ thực tiễn cuộc sống. Pháp luật chưa hoàn thiện thì cơ quan và người thực thi pháp luật cần có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung; không thể lấy lý do pháp luật bất cập để rồi ngó lơ hoặc làm qua loa, xuê xoa cho các hành vi vi phạm. Do vậy, dù có biện minh thế nào thì sự tắc trách công vụ là điều không thể chối bỏ. Và nếu còn tình trạng cán bộ có thẩm quyền thờ ơ, lơ là với chức trách được giao thì những chuyện tương tự như trên sẽ còn xảy ra, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Nhiều tụ điểm ăn chơi thác loạn đã tồn tại hết ngày này qua tháng nọ nhưng bị xử lý như “bắt cóc bỏ dĩa” Ảnh: Khôi Nguyên
Phải chủ động phòng ngừa, ngăn chặn
Tra cứu các văn bản pháp luật liên quan đến đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực trật tự xã hội, tội phạm có tổ chức hay hoạt động có dấu hiệu mại dâm, ma túy có thể thấy không phải pháp luật sơ hở hay không đủ chế tài xử lý. Ngược lại, có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực này, từ quy định về xử phạt hành chính đến xử lý hình sự; quy trình tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm…
Không chỉ văn bản quy phạm pháp luật mà có cả chỉ thị của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong mấy năm gần đây đều tập trung vào việc tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Chính phủ có Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban 138/CP), Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 12 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", Bộ Công an có Đề án 02 về phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm mua bán người. Điều này cho thấy Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an rất quan tâm đến công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm trên nhiều lĩnh vực. Luật Công an Nhân dân sửa đổi, bổ sung năm 2018 đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Lực lượng Công an Nhân dân.
Với một hệ thống các văn bản pháp luật như vậy, không thể nói rằng thiếu pháp luật nên không xử lý tội phạm kịp thời, triệt để. Vấn đề là việc triển khai và thực hiện của chính quyền cấp cơ sở, có chịu làm và làm quyết liệt, đến nơi đến chốn hay không.
Cán bộ tốt, người dân được phục vụ tốt
Thời gian qua, nhiều vi phạm, vụ việc kéo dài không được địa phương giải quyết kịp thời hoặc chỉ làm qua loa, chiếu lệ khiến người dân bức xúc. Nguyên nhân có thể kể ra do nhiều địa phương "ỷ lại", trông chờ sự chỉ đạo của cấp trên; một bộ phận cán bộ, công chức (CB-CC) vô cảm, lơ là, thiếu trách nhiệm; thậm chí có trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tham nhũng, lợi ích nhóm... Những nguyên nhân đó đã làm giảm hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, hiệu lực của bộ máy, nền công vụ.
Theo nội dung của Luật CB-CC, trách nhiệm công vụ được hiểu như là nghĩa vụ phải thực hiện nhiệm vụ được giao đến cùng, không thể thoái thác hoặc trao lại cho ai khác. Nó là nguyên tắc của công vụ, buộc người CB-CC phải thực hiện công vụ cho đến khi có kết quả và phải chịu trách nhiệm, trong đó có hình thức kỷ luật. Một nền công vụ hiệu lực, hiệu quả đều dựa trên cơ sở đề cao tính trách nhiệm với tinh thần tận tụy, mẫn cán và làm tròn bổn phận của CB-CC.
Vì vậy, vấn đề cốt lõi vẫn là nâng cao phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và tận tụy phục vụ nhân dân của CB-CC thông qua việc giám sát, quản lý bởi cấp trên cũng như cơ chế giám sát của người dân; công khai, minh bạch, nghiêm minh trong hoạt động cũng như xử lý vi phạm của CB-CC. Đặc biệt, như Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138, đã nhiều lần khẳng định: Nơi nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, phải kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu.
Chỉ khi cán bộ tốt mới có bộ máy hiệu quả, người dân mới được phục vụ tốt hơn.
Phạm Nguyễn Quỳnh Thư
Bình luận (0)