Mùa mưa vừa qua, nhiều tuyến đường khu vực sân bay Tân Sơn Nhất như Trường Sơn, Cửu Long, Đồng Nai, Hậu Giang, Đống Đa, Sông Đà… bị ngập dẫn đến kẹt xe kéo dài.
Cần 150 tỉ đồng để thực hiện
Theo khảo sát của Công ty Thoát nước đô thị TP HCM, nước mưa khu vực bên ngoài sân bay chảy theo đường Trường Sơn đổ ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trong khi đó, cống đường Trường Sơn lại nhỏ (từ 800-1.200 mm) nên thoát nước chậm.
Hồ cảnh quan trong Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình)
Công ty Thoát nước đô thị TP cho rằng có thể tận dụng hồ cảnh quan trong Công viên Hoàng Văn Thụ làm nơi lưu giữ nước mưa cho khu vực này. Theo ông Bùi Văn Trường, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước mưa, hồ cảnh quan này có thể chứa được lượng nước lên đến 35.000 m3.
Giải pháp đơn vị đưa ra sử dụng hồ này thành nơi điều tiết nước và phân vùng tách mạng để đưa nước về các hướng khác nhau. Cụ thể, xây dựng một đường cống thu nước mưa dọc đường Trường Sơn nối vào hồ cảnh quan trong Công viên Hoàng Văn Thụ. Khi trời hết mưa, sử dụng máy bơm hút nước từ hồ điều tiết ra hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Trỗi rồi đổ ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Chi phí để thực hiện ý tưởng này khoảng hơn 150 tỉ đồng.
Về lo ngại việc đào đường ảnh hưởng đến giao thông, ông Trường cho biết sẽ sử dụng phương pháp kích ngầm. Ngoài ra, ông Trường dẫn chứng trong giai đoạn 2008- 2012, dự án Vệ sinh môi trường TP HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè triển khai lắp đặt hệ thống thoát nước các tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi, Phan Đình Giót, Hoàng Văn Thụ, Phạm Văn Hai khiến khu vực sân bay bị ngập. Sau đó, công ty đề xuất chống ngập cấp bách cho khu vực này bằng việc sử dụng hồ cảnh quan ở công viên. Đến năm 2012, khu vực này hết ngập nên hồ điều tiết này trở về chức năng ban đầu là hồ cảnh quan do quận Tân Bình quản lý.
Chỉ là giải pháp tạm thời
TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (ĐHQG TP HCM), cho rằng ý tưởng dùng hồ cảnh quan làm hồ điều tiết không mới, trước đây đã thử làm ở Đầm Sen nhưng thất bại. Nguyên nhân là do nước thải và nước mưa cùng chung hệ thống, khi mưa thì hòa chung dẫn đến ô nhiễm hồ, mất cảnh quan nên đơn vị chủ quản phản đối.
Về hồ ở Công viên Hoàng Văn Thụ, TS Phi cho biết về nguyên tắc thì vẫn có thể sử dụng được nhưng hồ này tương đối nhỏ. Cái khó nhất đó là kiểm soát chất lượng nước đầu vào, nếu không sẽ gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, cũng phải làm hệ thống thu gom mới để thu nước mưa ở trên vỉa hè, mặt đường. Khi thực hiện, nên làm ở đầu nguồn để gom nước mưa chứ không thể để tình trạng nước trong cống thoát không nổi mới đưa vào hồ, như vậy sẽ thất bại.
Theo TS Phi, quy hoạch hồ điều tiết ở TP sẽ có 104 cái nhưng vẫn chưa thấy cái nào do vướng thủ tục phê duyệt. Trong khi đó, hồ cảnh quan lại quá nhỏ và quá ít nên ý nghĩa giảm ngập không có. Ý tưởng tận dụng hồ cảnh quan tạm thời có thể chấp nhận nhưng để áp dụng cho cả TP thì không ổn, cần phải làm đồng bộ. Về căn cơ phải sử dụng hồ điều tiết chủ động chứ không dừng lại ở hồ cảnh quan. Hiện TP tiếp cận cách thực hiện hồ điều tiết theo hướng cần chỗ nào thì làm chỗ đó như hồ điều tiết ngầm thí điểm ở Thủ Đức sẽ rất hứa hẹn.
Trong khi đó, nói về ý tưởng làm hồ điều tiết ở Công viên Hoàng Văn Thụ, ông Nguyễn Ngọc Công, Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP, đánh giá khả thi. Tuy nhiên, nếu thực hiện thì phải làm dạng hồ điều tiết ngầm do ở tuyến đường này, hệ thống cống thu nước thải và thu nước mưa dùng chung một cống, đưa thẳng ra hồ hở hiện hữu thì sẽ gây ô nhiễm môi trường, nhất là mùi hôi.
Vấn đề này, đại diện Công ty Thoát nước đô thị TP cho biết có thể dùng phay chặn nước thải đổ vào công viên khi trời không mưa. Đến khi trời mưa lớn, trong vòng 15 phút đầu sẽ đóng phay để nước thải chảy ra cống bao thu nước thải đổ ra kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, sau đó mới mở phay cho nước mưa vào hồ. Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng ô nhiễm hồ điều tiết và đây cũng là cách mà nhiều nước vận hành.
Thí điểm hồ điều tiết ngầm
Theo ông Nguyễn Ngọc Công, chọn đường Võ Văn Ngân để thí điểm xây dựng hồ điều tiết ngầm là do đường này có độ dốc lớn và chảy tràn liên tục. Tuyến đường này trước năm 1975 là cống hở rất lớn dạng hình thang, bề mặt 6 m, cao 2 m thu toàn bộ lượng mưa trên lưu vực. Sau đó, TP lấp lại và xây dựng cống ngầm. Do đường dốc nên nước chảy tràn trên bề mặt đường mà không thu vào các miệng hố ga.
"Chúng tôi chọn xây hồ điều tiết ở đây xem nước có chảy vào hay không. Việc thí điểm ở đây mới chỉ là xem việc thu nước như thế nào chứ chưa đặt vấn đề giảm ngập cho TP. Nếu muốn chống ngập thì phải dùng 3-4 hồ điều tiết có dung tích gấp 20-25 lần hồ hiện hữu" - ông Công nhận định.
Bình luận (0)