Những thông tin liên tiếp về thực phẩm mất an toàn từ hoa quả đến thịt gà, thịt heo… khiến người dân rất hoang mang. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng bị phát hiện và thu giữ, tiêu hủy không đáng kể so với số lượng đã tiêu thụ trót lọt.
Nhiều quy định, nhiều bộ quản lý vẫn không xong
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát cho rằng các đơn vị, địa phương luôn báo cáo đã ban hành được nhiều quy định về quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nhưng người tiêu dùng lại không cần những thứ đó. Cái người dân cần là miếng thịt, mớ rau an toàn, những thứ liên quan đến bữa cơm của họ.
“Mấy năm nay, tháng nào tôi cũng trực tiếp họp với các đơn vị để chỉ đạo công tác quản lý chất lượng ATTP nhưng quả thật chống một trận bão hay thiên tai có khó khăn thì vẫn còn dễ làm hơn vấn đề kiểm soát, quản lý chất lượng ATTP nông - lâm - thủy sản” - Bộ trưởng Phát nói.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cũng khẳng định mặc dù đã tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra đột xuất song trong 10 tháng đầu năm 2015, tình trạng sử dụng chất cấm, rau có thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng vẫn chưa chuyển biến.
Người tiêu dùng lo ngại kháng sinh tồn dư trong thịt heo do sử dụng thuốc kháng sinh có thể gây nguy hại đến sức khỏeẢnh: Ngọc Dung
Còn theo một cán bộ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM, khó khăn nhất hiện nay là lượng hóa chất, phụ gia quá nhiều, các cơ quan nhà nước không biết hết cơ sở sản xuất đã sử dụng chất gì nên chỉ tầm soát những chất do Bộ Y tế quy định hoặc dựa thêm vào một số cảnh báo của nước ngoài. Chỉ khi phát hiện chất lạ trong thực phẩm, cơ quan nhà nước mới ban hành quy chuẩn kỹ thuật xem có được dùng hay không... Vì vậy, rất khó xử lý các đơn vị vi phạm vì không có quy định cấm từ trước.
Băn khoăn về vấn đề ATTP, đã từng có đại biểu Quốc hội bức xúc: “Một đĩa cá, 1 đĩa thịt có đến 4-5 bộ quản lý mà cũng không làm được”. Thực tế cho thấy chúng ta có nhiều đầu mối quản lý, từ Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT, UBND các cấp… nhưng sự phân chia trách nhiệm không rạch ròi, kiểu “cha chung không ai khóc” nên cuối cùng thực phẩm bẩn vẫn ngang nhiên ngự trị trên mâm cơm của người dân.
Cần cách làm đột phá
Bàn về giải pháp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền để cả xã hội nhận thức và cùng tham gia đấu tranh, bài trừ. Phải hướng dẫn cho người dân thực sự làm ăn chân chính; thiết lập được kênh phân phối nông sản an toàn, chỉ rõ địa chỉ an toàn để người dân được biết; đẩy mạnh thanh, kiểm tra, xử lý gắt gao các vi phạm; đấu tranh với các hành vi nghiêm trọng như sử dụng chất cấm, thuốc độc hại.
Theo ông Vũ Văn Tám, Bộ trưởng Cao Đức Phát vừa phát động đợt cao điểm hành động về ATTP nhưng nếu vẫn cách làm cũ, không có đột phá, quyết liệt, quyết tâm thì cũng sẽ không có kết quả khả quan.
“Chúng ta phải vừa xây, vừa chống mới có hiệu quả. Ngoài việc tuyên truyền cho người dân hiểu; bêu tên các tổ chức, cá nhân vi phạm; các ban, ngành, địa phương cần vào cuộc để truy xuất nguồn gốc, tập trung đánh trúng các đường dây buôn bán chất cấm, thực phẩm bẩn. Cần có đường dây nóng, treo thưởng cho người tố giác, phát hiện các cơ sở sử dụng chất cấm” - ông Tám đề xuất.
Ông Tám cũng đề nghị các địa phương, đô thị lớn (nhất là Hà Nội và TP HCM) phải làm sao để từ nay đến Tết, chỉ ra được địa chỉ mua thực phẩm an toàn cho người dân, sản phẩm ấy phải thật sự an toàn và có tem chứng nhận.
Tập huấn thanh tra thí điểm ATTP
Từ ngày 10 đến 14-11, Bộ Y tế tổ chức khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ về thanh tra chuyên ngành cho người được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành ATTP của TP Hà Nội. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thực hiện thí điểm thanh tra ATTP cấp cơ sở tại 10 quận/huyện và 20 xã/phường ở Hà Nội và TP HCM.
Đây là lần đầu tiên triển khai công tác ATTP đến tận quận/huyện, xã/phường. Sắp tới, một người thanh tra, một tổ hay một đoàn được kiểm tra tất cả, từ sản phẩm y tế, nông nghiệp đến công thương thay vì như trước đây là người thuộc ngành nào kiểm tra lĩnh vực quản lý của ngành đó.
Ông Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương vệ sinh thực phẩm - cho rằng việc triển khai quy định này trước mắt sẽ gặp nhiều khó khăn do cán bộ làm công tác thanh tra chuyên ngành tại cơ sở còn rất thiếu. Tuy nhiên, quyết định thành lập lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP cấp cơ sở là giải pháp kịp thời.
Bình luận (0)