Bạn đọc Vũ Thị Ngọc Thu:
Tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng
Chuyển đổi số là xu hướng mà Việt Nam đang triển khai thực hiện, định hướng đến năm 2030 thì hoàn thành. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần chú ý khi chuyển đổi số để phát huy tính ưu việt của nó.
Do hệ thống máy tính kết nối luôn phụ thuộc nguồn điện nên tình huống bị mất điện đột xuất cần được đưa ra bàn bạc, có những giải pháp để đối phó, dự phòng. Có những thời điểm ngành điện lực nên chủ động tạm ngưng cấp điện để bảo trì, sửa chữa theo định kỳ, có thông báo rộng rãi cho người dân biết.
Chuyển đổi số hiện nay nếu diễn ra tràn lan, mất kiểm soát sẽ gây hậu quả không tốt cho xã hội. Thế nên, cần có luật quy định rõ ràng khi áp dụng chuyển đổi số như việc bảo mật thông tin cá nhân, an ninh mạng, kiểm duyệt chuyển đổi số...
Việc chuyển đổi số làm nảy sinh văn minh số - ứng xử mẫu mực, phù hợp của người dân khi sử dụng công nghệ số. Có những lĩnh vực, công việc nên chuyển đổi số hoàn toàn, cũng có trường hợp nên chuyển đổi số một phần và cả trường hợp không cần thiết chuyển đổi số. Việc chọn mức độ chuyển đổi số nên xem xét từ mọi góc nhìn - văn hóa, kinh tế, xã hội, con người, môi trường... Việc tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng về chuyển đổi số là cần thiết để họ tự giác, tích cực phối hợp cùng chính quyền, xã hội để chuyển đổi số thành công.
Ngoài ra, khi triển khai chuyển đổi số, chúng ta phải đối mặt với những mặt trái của nó.
Thứ nhất, khi chuyển đổi số thì nhân viên làm việc sẽ được tinh gọn. Việc này sẽ giúp công ty tiết kiệm được tiền lương, diện tích thuê mướn mặt bằng để mở văn phòng và nhiều thứ khác. Nhân viên dư thừa cần được đào tạo, bồi dưỡng để trở thành nhân viên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy móc, thiết bị văn phòng, tư vấn khách hàng online. Công ty cũng có thể mở thêm dịch vụ cho nhân viên đến phục vụ tận nhà đối với trường hợp đặc biệt… Điều đó cho thấy khi chuyển đổi số diễn ra không có nghĩa một số ngành nghề cũ bị xóa bỏ mà còn mở ra những ngành nghề mới.
Thứ hai, chuyển đổi số dễ dàng triển khai ở những trung tâm thành phố, đô thị lớn do ở đó có cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh tế - xã hội phát triển. Nếu chỉ chú trọng chuyển đổi số ở thành phố lớn thì khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng chênh lệch, gây mất cân đối cho xã hội. Do đó, cần tích cực chuyển đổi số cho những vùng nông thôn, hướng tới hội nhập quốc tế.
Thứ ba, chuyển đổi số sẽ đem lại tiện lợi cho người tiêu dùng trong giao dịch mua bán hay xử lý công việc. Tuy nhiên, sự lạm dụng công nghệ số vào cuộc sống, việc làm sẽ gây ra nhiều hệ lụy như suy giảm sức khỏe, khả năng giao tiếp kém, tình cảm lạnh nhạt. Do đó, bên cạnh triển khai chuyển đổi số, nên mở thêm các trung tâm chăm sóc sức khỏe, phòng tập thể thao, trung tâm vui chơi - giải trí, khu nghỉ dưỡng, nghiên cứu tăng thêm các ngày nghỉ lễ trong năm…
Các doanh nghiệp tìm hiểu về chuyển đổi số tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM năm 2022 (Ảnh: Hoàng Triều)
Bạn đọc Đinh Thành Trung:
Xây dựng ứng dụng chính thống về TP HCM
Trong thời đại công nghệ, mạng xã hội tràn lan, nhiều thông tin chưa được kiểm chứng sẽ gây không ít khó khăn cho du khách đến TP HCM khi muốn tìm hiểu dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, làm đẹp… Đặc biệt, với một số du khách nước ngoài, họ gặp khó khăn với việc tìm kiếm thông tin bằng tiếng Anh.
Trong thời buổi hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, lại đang là thời kỳ khoa học - công nghệ phát triển mạnh, đã đến lúc TP HCM xây dựng ứng dụng chính thống về thành phố trên các thiết bị thông minh để phục vụ nhu cầu của người dân, du khách và những người muốn tìm hiểu về thành phố; đồng thời quảng bá cho TP HCM. Đây phải là một ứng dụng thân thiện và cho phép kết nối từ mọi nơi trên thế giới, cho phép những thông tin chính thức được tiếp cận người quan tâm.
Việc xây dựng ứng dụng tổng hợp và thân thiện như vậy đòi hỏi lượng thông tin khổng lồ. Muốn thực hiện được, cần kết hợp nhiều công nghệ như big data, AI cộng với hệ thống máy chủ đủ mạnh để xử lý, phân loại thông tin. Điều quan trọng khi chúng ta làm hệ thống này là phải có đội ngũ kiểm duyệt thông tin một cách sát sao và có chọn lọc kỹ càng, bởi không thể để những thông tin sai lệch đến với bạn bè quốc tế.
Để xây dựng được một ứng dụng thông tin lớn này, chúng ta cần cơ sở hạ tầng đáp ứng được chất lượng, cũng cần có nguồn lực để triển khai xây dựng ứng dụng chất lượng nhất có thể. Cùng với đó, xây dựng một kho dữ liệu thông tin về TP HCM được lấy từ nhiều nguồn, kết nối với các kênh thông tin chính thống.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách, quản lý liên quan và đặt ra lộ trình cụ thể để triển khai. Cần sự chung tay của các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức; sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân để ứng dụng này có thể đi vào hoạt động.
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Nhận bài dự thi đến ngày 28-7-2022.
Bình luận (0)