Đô thị TP HCM ngày càng được mở rộng, đặc biệt sau khi TP Thủ Đức được thành lập vào cuối năm 2020. Quá trình này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn TP HCM, cũng như đặt ra nhiều yêu cầu, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền đô thị các cấp.
Chính quyền đô thị với chính sách linh hoạt
Với đặc thù "Hội đồng vùng kinh tế", tổ chức chính quyền đô thị ở TP HCM cần có tính tập trung cao, ít khâu trung gian và bảo đảm tính thông suốt, liên tục. Hoạt động của chính quyền đô thị phải có hiệu lực, nhanh chóng, kịp thời để xử lý những tình huống phát sinh, đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư.
Với đặc thù kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như điều kiện tự nhiên của TP HCM, có thể không hình thành mô hình mẫu về chính quyền đô thị áp dụng chung cho tất cả quận, huyện cũng như TP Thủ Đức.
Chính quyền đô thị cần phải phân cấp, ủy quyền trên nguyên tắc: Với mỗi ngành, mỗi nội dung chỉ có một cấp quyết định nhằm tăng quyền tự chủ, tự quyết, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, vai trò quản lý hành chính nhà nước và vận hành đô thị để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN) một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Những phần việc từ các quận, huyện cũng như TP Thủ Đức liên quan nhu cầu của người dân và DN được trình lên cơ quan chủ quản cần phải ấn định thời gian cụ thể để phản hồi.
Sự quản lý của TP HCM cần những chính sách linh hoạt hơn nữa bởi nhiều mục tiêu đã đề ra. TP HCM cần lắng nghe những đề xuất mang tính đặc thù từ các quận, huyện và TP Thủ Đức; cùng các địa phương tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo ra cơ chế thông thoáng, môi trường đầu tư hấp dẫn hơn nữa cho các DN vừa và nhỏ, DN mới thành lập, cũng như các cơ sở sản xuất - kinh doanh, hợp tác xã...
TP HCM không chỉ "trải thảm đỏ" đối với DN trong nước mà với DN nước ngoài cũng không ngoại lệ. Tất cả ứng xử đối với DN nói chung phải công bằng nhưng tùy mức độ và định hướng phát triển chung của thành phố theo quy định của luật pháp.
TP HCM đã có những chương trình, đề án, giải pháp để trở thành đô thị thông minh, hướng đến kiến trúc chính quyền điện tử.
Từ những chương trình, đề án, giải pháp đã đề ra, TP HCM cần nỗ lực nhiều hơn, xem đây là một trong những mục tiêu quan trọng trong việc thực hiện những mục tiêu kép của thành phố. Trong quá trình xúc tiến thực hiện chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thành phố cần có những giải pháp căn cơ, đồng bộ, từng bước tháo gỡ.
Với nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 của Đảng bộ và chính quyền TP HCM, các doanh nghiệp trên địa bàn đã giữ ổn định tình hình sản xuất - kinh doanh, phục hồi nhanhẢnh: Hoàng Triều
Đồng hành cùng DN bằng "hộ chiếu chính sách"
Với nỗ lực kiểm soát dịch Covid-19 của Đảng bộ và chính quyền TP HCM, có thể khẳng định các DN trên địa bàn giữ ổn định tình hình kinh doanh - sản xuất, phục hồi nhanh trong những tháng cuối năm 2021; củng cố hơn nữa niềm tin với nhà đầu tư nước ngoài về sự ổn định của môi trường đầu tư kinh doanh; lạc quan vào tăng trưởng kinh tế của TP HCM trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tuy nhiên, TP HCM cần có những cuộc gặp gỡ, đối thoại với các DN hoạt động trên địa bàn nhằm tạo nên sự đồng hành, đồng cảm, đồng cam cộng khổ trong quá trình vực dậy nền kinh tế thành phố từ tăng trưởng âm 6,78% năm 2021 đạt được mức tăng trưởng 6%-6,5% năm 2022 như kế hoạch đề ra và mục tiêu những năm tiếp theo.
TP HCM nên thành lập những tổ công tác chuyên biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN do dịch Covid-19 gây ra; hỗ trợ các DN tạm ngưng hoạt động phục hồi sản xuất - kinh doanh…; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng vốn ngoài ngân sách.
Ngoài ra, cần hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho DN vừa và nhỏ; đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tạo thuận lợi cho việc khai thác thị trường, nhằm tạo thêm năng lực cạnh tranh cho DN trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng.
Bên cạnh đó, TP HCM cần tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn thông qua các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý; cơ cấu lại thời gian trả nợ, giãn nợ, miễn, giảm lãi, phí... Lưu ý tính kế thừa, xuyên suốt đối với các chính sách về kinh tế, tránh việc nửa vời, thay đổi theo các nhiệm kỳ.
Bình luận (0)