Với mục tiêu phát triển bền vững, ổn định, lâu dài, ngành du lịch TP HCM đã có nhiều thay đổi để thích ứng và phát triển trong tình hình mới. Tuy nhiên, vẫn có nhiều việc cần làm để vươn xa hơn, trở thành điểm đến hấp dẫn với thương hiệu quốc tế.
Nâng tầm ẩm thực
Du khách thường dành hơn 20% chi phí trong tổng số tiền suốt chuyến đi để chi tiêu cho ẩm thực (cao hơn các khoản khác), họ muốn thưởng thức những món ăn đặc sản địa phương. Vì vậy, nên sớm quy hoạch và tổ chức các phố ẩm thực tạo sự đa dạng về món ăn, hương vị lẫn cách chế biến, có liên kết với nhà hàng, quán ăn nổi tiếng nhiều người biết.
Sắp xếp lại, tổ chức bài bản và nhân rộng các khu vực ẩm thực đường phố sẵn có như phố ẩm thực Hồ Thị Kỷ, Nguyễn Thượng Hiền, Cô Giang, Nguyễn Cảnh Chân, Phan Xích Long cùng khu ăn vặt Hồ Con Rùa, An Dương Vương…, với những món ăn đặc trưng, màu sắc, hợp vệ sinh và trật tự mà ai đến thành phố cũng muốn ghé qua thưởng thức. Đa dạng hóa trong ẩm thực để du khách có nhiều sự lựa chọn các món ăn từ sang trọng đến bình dân.
Các doanh nghiệp tham gia khảo sát sản phẩm tour du lịch ngắm thành phố từ trên cao, dự kiến đưa vào khai thác dịp 30-4. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá các cơ sở, nhà hàng, quán ăn và phân loại đạt chuẩn chất lượng, mỹ quan. Trên cơ sở đó, tổ chức kiểm tra định kỳ, dán kết quả công khai tại địa điểm kinh doanh. Tổ chức các cuộc thi món ngon, khám phá ẩm thực đường phố để vừa góp phần quảng bá vừa tạo cơ hội cho du khách lựa chọn, trải nghiệm.
Cần có một ứng dụng chuyên giới thiệu về ẩm thực, món ăn được cho là ngon và đặc sản của thành phố cũng như vùng miền, kể cả các món ăn mang đặc trưng nước ngoài như Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Trung Quốc..., kèm theo đó là bản đồ dẫn đường, địa chỉ cụ thể, truy cập vào là biết rõ thông tin.
Đẩy mạnh quảng bá
Ứng dụng công nghệ quản lý dữ liệu và quản trị kinh doanh, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch càng sớm càng thuận lợi. Bởi hiện nay du khách thường chọn đặt tour qua hệ thống trực tuyến. Khai thác tối đa ưu điểm mạng xã hội như lập các kênh thật ấn tượng, sử dụng nhiều ngôn ngữ, giới thiệu các điểm đến, mời những người nổi tiếng và doanh nhân quốc tế nói về lý do chọn đến TP HCM, xem đây là một trong các kênh tin cậy cho ai muốn tìm hiểu trước khi đi du lịch.
TP HCM cần thành lập cơ quan đại diện có đại diện doanh nghiệp lữ hành ở các thành phố lớn trên thế giới để quảng bá du lịch, giới thiệu điểm đến, những sự kiện quan trọng được tổ chức tại thành phố. Lồng ghép phát triển du lịch và chương trình hợp tác, giao lưu văn hóa, đối thoại giữa chính quyền thành phố với cơ quan chức năng địa phương và thành phố trên thế giới...
Đặt quầy thông tin tại các điểm đến, khách sạn, nơi công cộng để hỗ trợ du khách, qua đó giới thiệu sản phẩm thương hiệu Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng. Đây còn là món quà du khách có thể mua đem về.
Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho du khách chủ động tìm hiểu qua hướng dẫn hoặc thuyết minh với hệ thống tự động tại các điểm đến chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh... Du khách chỉ cần cầm trên tay thiết bị điện tử có cài sẵn nội dung thuyết minh bằng nhiều thứ tiếng, bấm nút thì máy sẽ tự phát thông tin. Điểm đến cũng nên có sẵn bảng tóm tắt các câu chuyện giúp khách tham quan dễ hình dung, tiếp cận thông tin.
Sáng tạo, đa dạng sản phẩm
Song song đó, sáng tạo nhiều chương trình, điểm đến tham quan, tạo thêm những sản phẩm du lịch mới mẻ, phù hợp nhiều nhu cầu. Hiện có xu hướng doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án theo mô hình phức hợp đa chức năng nhằm đáp ứng nhu cầu một điểm đến cho tất cả dịch vụ trải nghiệm, nghỉ dưỡng, lưu trú, mua sắm, thể thao, giải trí... Hay du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh là một lợi thế với TP HCM khi có hệ thống y tế chất lượng cao, nhiều bệnh viện lớn có uy tín.
Kinh tế ban đêm là một phần không thể thiếu để du khách tăng khả năng lưu trú và chi tiêu nhiều hơn. Có thể quy hoạch và cho phép một số điểm kinh doanh vui chơi, karaoke, vũ trường hoạt động suốt đêm, dĩ nhiên phải bảo đảm không ảnh hưởng an ninh trật tự.
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng, 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Nhận bài dự thi đến ngày 28-7-2022.
Bình luận (0)