Thông tin Trạm thu phí đường bộ hầm Đèo Ngang (giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình) thu quá thời gian cho phép đến 2 năm khiến dư luận bức xúc, muốn làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan. Không những vụ việc này, nhiều trường hợp sai phạm tương tự cũng đã xảy ra với một số trạm BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao) khác.
Có thể nói đây là minh chứng rõ nhất cho tình trạng buông lỏng quản lý, coi thường pháp luật, tham nhũng, tiêu cực đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. Việc trạm thu phí hoạt động sai quy định, kéo dài trong 2 năm đưa lại nguồn thu cực lớn cho doanh nghiệp (DN). Vấn đề đặt ra là phải làm rõ số tiền thu được đã sử dụng như thế nào, vào túi ai? Tại sao chỉ khi thanh tra đường bộ phát hiện thì mới yêu cầu dừng? Ai đứng đằng sau, tiếp tay cho những sai phạm nghiêm trọng này?
Trả lời của đại diện ngành giao thông vận tải chưa thỏa đáng, ngụy biện. Không thể nói trạm chưa khởi công, thậm chí chưa có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền mà DN đã ngang nhiên thu phí của người dân. Bởi vì, phí đường bộ là phí dịch vụ, chỉ khi nào người dân sử dụng dịch vụ, nghĩa là đi qua hầm mới đã xây xong thì mới được phép thu phí. Từ vụ việc này đã bộc lộ rất nhiều vấn đề hết sức nghiêm trọng trong việc quản lý, đấu thầu, xây dựng, đặc biệt là thu phí đường bộ hiện nay:
Thứ nhất, đó là sự quản lý lõng lẽo, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan chức năng liên quan trong việc thu phí đường bộ của các DN đầu tư theo hình thức BOT. Hai năm không kiểm tra, không phát hiện và xử lý, trách nhiệm này thuộc về ngành giao thông vận tải.
Thứ hai, có hay không việc cố tình làm ngơ, tiếp tay cho hành vi sai phạm của DN, để DN ngang nhiên, công khai “móc túi” người dân, bất chấp quy định pháp luật? Cơ quan chức năng cần điều tra, làm rõ, vì ở mức độ nào đó việc làm này đã có dấu hiệu khá rõ việc tiếp tay, bao che cho DN vi phạm, cho dù là cố ý hay vô ý.
Thứ ba, có hay không hành vi tham nhũng, chạy chính sách, nhất là tình trạng DN “sân sau”, DN bắt tay, cấu kết với cơ quan quản lý nhà nước để tham nhũng, tiêu cực, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước, “móc túi” người dân? Điều này rất có thể xảy ra, minh chứng là rất nhiều dự án BOT sau khi rà soát các cơ quan chức năng đều yêu cầu cắt giảm thời gian thu phí, vì bất hợp lý, gây thiệt hại cho người dân.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xử lý triệt để, đến nơi đến chốn vụ việc này để trả lại công bằng cho người dân và các DN làm ăn chân chính; đồng thời, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Bình luận (0)