Ngay từ rất sớm, Chính phủ đã chủ trương bảo đảm tiêm ngừa miễn phí vắc-xin cho người dân. Chính sách này thể hiện tính nhân văn và trách nhiệm của nhà nước trong việc chăm lo sức khỏe toàn dân. Sau đó, hoạt động gây Quỹ Vắc-xin phòng Covid-19 rất được hoan nghênh, thể hiện tinh thần cả nước chung tay phòng chống dịch, mà TP HCM là một trong những địa phương có mức ủng hộ cao nhất.
Huy động và phân phối vắc-xin
Trong tình hình hiện nay, đã đến lúc Chính phủ nên cân nhắc cho phép TP HCM và một số doanh nghiệp, tổ chức được giữ lại một phần quỹ đã huy động được để ưu tiên cho công tác tiêm ngừa của đơn vị mình, phần còn lại góp vào quỹ quốc gia. Các quỹ vắc-xin khi được đặt theo tên của một địa phương, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội cụ thể sẽ có sức lôi cuốn mạnh mẽ hơn cho người dân và hội viên. Từ đó, người dân TP HCM có nhiều động lực đóng góp quỹ hơn vì sự an toàn cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng nhỏ của mình.
Vắc-xin có tính chất như một loại hàng hóa công không thuần túy. Mỗi người tiêm vắc-xin không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn gián tiếp đem lại lợi ích cho những người xung quanh, vì khi vắc-xin phát huy hiệu quả tốt hơn thì đạt được tỉ lệ bao phủ cao trong cộng đồng.
Dịch bệnh Covid-19 ngày càng phức tạp, dễ phát sinh nhiều thông tin nhiễu. Chính quyền thành phố cần phổ biến kịp thời những thông tin về lợi ích của vắc-xin và biện pháp tiêm vắc-xin an toàn, chia sẻ thông điệp từ những người tiêm khỏe mạnh sẽ tạo niềm tin và sự ủng hộ cho những người tiêm sau. Ngoài ra, ngành văn hóa có thể tổ chức hoạt động văn nghệ trực tuyến để vừa tạo "món ăn tinh thần" cho người dân trong thời gian giãn cách xã hội vừa tiếp tục vận động ủng hộ cho quỹ vắc-xin.
Tiêm vắc-xin cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, TP HCM (ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: Hoàng Triều
Tiêm đúng, tiêm đủ và tiêm an toàn
Khoảng 1 tháng qua, do những yêu cầu cấp bách từ diễn biến dịch bệnh, một số nơi đề ra phương châm tiêm chủng là tiêm thần tốc. Theo tôi, phương châm này nên được mở rộng thành "tiêm đúng, tiêm đủ và tiêm an toàn".
Trong bối cảnh vắc-xin phòng Covid-19 về nước còn hạn hẹp, cần tiêm đúng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ngoài ra, do đặc thù TP HCM là một đô thị lớn với mật độ dân cư cao, nên ở cùng một mức ưu tiên nhưng cần linh hoạt tiêm có trọng tâm, trọng điểm theo từng địa bàn có nguy cơ khác nhau.Thành phố đã quy định người đứng đầu chịu trách nhiệm về danh sách đăng ký tiêm của đơn vị mình để tránh tiêu cực. Một lưu ý khác là cần bảo đảm quyền ưu tiên của người trên 65 tuổi, người có bệnh nền và những đối tượng dễ bị tổn thương của xã hội, điều này góp phần giảm áp lực cho hệ thống y tế. Vừa qua, một số địa phương hiểu sai hướng dẫn sàng lọc của Bộ Y tế, theo đó cách hiểu đúng là những đối tượng này thuộc nhóm thận trọng chứ không trì hoãn hay loại trừ tiêm chủng.
Tiếp đó là tiêm đủ. Với giả định Việt Nam sẽ nhận được vài chục triệu liều vắc-xin trong vài tháng tới và TP HCM đặt mục tiêu tiêm cho 70% dân số trong năm 2021, ngay bây giờ, thành phố phải có bước chuẩn bị để hoàn thiện hệ thống logistics vắc-xin và quản lý dữ liệu tiêm chủng toàn dân. Đây là 2 thách thức lớn để thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất và nhanh nhất trong lịch sử. Thành phố nên linh hoạt giữa các thứ tự ưu tiên theo từng thời điểm. Cụ thể là khi đã đạt được mức độ bao phủ khoảng 30% dân số, cần từng bước mở rộng phạm vi và đối tượng tiêm chủng, không nên cứng nhắc theo thứ tự ưu tiên nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Đối với những người từ chối hoặc không đủ điều kiện để tiêm vắc-xin, cần phải chấp hành nguyên tắc 5K kỹ hơn. Chính quyền các địa phương không nên cực đoan hạn chế quyền tự do đi lại của những người không có "hộ chiếu vắc-xin trong nước" mà cần linh hoạt với những bộ tiêu chí an toàn khác.
Với điều kiện tiên quyết là tiêm an toàn, dù trong trạng thái khẩn cấp vẫn cần bảo đảm tiêm đến đâu, an toàn đến đó. Sau khi rút kinh nghiệm từ các đợt tiêm trước, thành phố cần sắp xếp thời gian và số lượng người ở các buổi tiêm khoa học hơn để bảo đảm giãn cách, tiết kiệm thời gian và không làm quá tải lực lượng phục vụ tiêm chủng. Hơn nữa, các biện pháp an toàn tại điểm tiêm phải được thực hiện nghiêm ngặt để người đi tiêm chủng không có nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh. Một số chuyên gia gợi ý cách thiết kế các đội hình tiêm cộng đồng như các vệ tinh có bán kính về khoảng cách không quá xa bệnh viện, có lực lượng hồi sức cấp cứu sẵn sàng cơ động để hỗ trợ khẩn cấp. Giải pháp này là khả thi trong điều kiện TP HCM có hạ tầng về y tế mạnh và bao phủ hầu hết các khu vực.
Cuối cùng, cần truyền thông đúng về hiệu quả dự phòng của các loại vắc-xin vì vắc-xin không phải là hàng rào duy nhất để ngăn chặn virus SARS-CoV-2. Nói cách khác, trong điều kiện nào, các khuyến cáo 5K vẫn luôn phải được tuân thủ. Người được tiêm đủ 2 mũi vắc-xin không được chủ quan, lơ là. Thay vào đó, hãy nên chia sẻ kinh nghiệm tiêm chủng an toàn và biện pháp chăm sóc sức khỏe cho những người tiêm sau. Sự chia sẻ trách nhiệm là rất cần thiết để thành phố có chương trình tiêm chủng an toàn và cùng cả nước sớm quay lại trạng thái bình thường mới.
Ưu tiên phủ vắc-xin
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, trong ngành chăn nuôi, kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy ở khâu giết mổ cần tiêu chuẩn cao nhất về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh. Đây là ngành cung cấp thực phẩm thiết yếu, cần phải duy trì hoạt động trong mọi tình huống, do đó nhân lực cần phải tuân thủ các quy định trong phòng chống dịch.
"Để đạt được miễn dịch cộng đồng, cần đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng vắc-xin. Hiện chi phí xét nghiệm Covid-19 để có kết quả âm tính cho tài xế, phụ xe, người đi cùng xe vận chuyển hàng hóa quá lớn nếu so với chi phí mua vắc-xin. Do vậy, cần ưu tiên trước hết cho việc phủ vắc-xin nhằm giúp cuộc sống ổn định trở lại" - ông Công đề xuất.
N.Ánh ghi
Bình luận (0)