Ngày hai mươi bảy Tết, các bác ở quê gửi ra Hà Nội cho gia đình tôi nào thịt lợn, nào giò, cả mấy con gà đã được mổ và làm lông sạch sẽ. Cậu con trai nhỏ của tôi mặt buồn hiu: "Vậy là Tết năm nay không được về quê thật hả mẹ?" Tôi trả lời khẽ khàng: "Không phải là "không được" mà là tự nhà mình quyết định không về bởi vì gần chỗ mẹ làm mới phát hiện có ca mắc Covid-19. Ông nội, bà ngoại của con đều già rồi, lại có bệnh nền nữa, lỡ gia đình mình về đem virus theo thì làm thế nào?" . Anh chàng nghe có vẻ đã hiểu nhưng vẫn chưa hết thèm thuồng khi nghe mấy đứa em con nhà cậu đang nhí nhéo mời gọi trong điện thoại.
Thấy thèm một chút không khí Tết quê, chúng tôi quyết định tự gói lấy bánh chưng mà không đi mua nữa (ảnh minh họa)
Tuy quyết định ở lại ngay từ đầu như vậy nhưng lòng tôi cũng không khỏi cảm thấy chơi vơi khi những ngày Tết đang đến gần. Tết Hà Nội năm nay cũng khá là trầm lắng khi đây đó trong các con ngõ vẫn còn những cánh cửa đóng im lìm và được treo bên ngoài tấm biển cách ly y tế. Những hàng đào quất và hoa cảnh cũng không quá rộn ràng kẻ bán người mua như mọi năm.
Thấy thèm một chút không khí Tết quê, chúng tôi quyết định tự gói lấy bánh chưng mà không đi mua nữa. Chồng tôi cùng mấy đứa trẻ đi nhặt củi khô ở con đường mà dạo trước người ta vừa đốn cành cây còn bỏ đó chưa thu dọn. Tôi thì đi chợ chuẩn bị gạo, đỗ lá dong cùng tất cả những nguyên liệu khác. Tìm mãi mới mua được bó lá riềng, tôi đã phải bật cười khi nghe một chị đứng gần đó kể chuyện bữa trước chị đã ném cả bó lá vào luộc cùng bánh chưng và chả thấy nó có tác dụng gì. Chị cũng chỉ nghe người ta nói lá riềng giúp bánh ngon hơn mà không rõ cách làm. Tôi đứng lại giải thích cặn kẽ với chị rằng lá sau khi rửa sạch, giã nhỏ chắt lấy nước màu xanh trộn vào gạo đảo đều cho ngấm rồi mới đem gói bánh. Làm như vậy bánh sẽ xanh tận vào trong ruột, ăn có mùi thơm và lâu bị thiu hỏng.
Có lẽ không có nhiều nơi có thói quen gói bánh chưng trộn nước lá riềng như ở quê tôi. Bỗng dưng như thấy cả một trời ký ức tuổi thơ đột ngột ùa về khiến lòng tôi nghẹn lại. Ngày đó, khi cha tôi còn sống, ông là người đảm đương việc gói bánh và giao cho tôi nhiệm vụ giã lá riềng. Tôi thì chỉ thích những bông hoa riềng trắng trắng, xinh xinh mà ghét cay, ghét đắng việc phải giã những chiếc lá vừa dai vừa cứng đầu như thế, giã hoài không chịu dập nát khiến tay tôi mỏi nhừ. Tôi đã phụng phịu, vùng vằng cho đến khi bị cha cho "ăn" một cái bợp tai. Lúc đó tôi đã khóc và thấy giận cha, giận luôn cả mấy khóm riềng. Bây giờ khi cha đã đi quá xa khỏi thế giới này từ rất lâu, tôi lại thấy thèm được trở về ngày đó, thèm nghe tiếng chày giã lộc cộc vào cối đá, thèm cả những đòn roi miễn là còn có cha ở trên đời...
Chồng tôi thắp một nén nhang lấy ra từ bó hương bài mới được các bác gửi lên. Ngày trước, nhà chồng tôi có nghề làm hương để bán vào mỗi dịp Tết. Trước đó cả tháng, mấy anh em thường kéo nhau vào núi để tìm rễ cây bài về băm nhỏ phơi khô rồi trộn cùng bã mía và một số loại thảo mộc khác để làm hương. Rừng núi Côn Sơn thuở ấy còn khá hoang vu với thông reo ngút ngàn và con suối chảy róc rách ngày đêm. Cây bài hương mọc hoang, và con người kiếm tìm nó như kiếm tìm một món quà của tự nhiên ban tặng... Chính từ những que hương đơn sơ đó mà gia đình anh có một cái Tết đủ đầy, ấm cúng hơn.
Bây giờ ở quê cũng còn ít người giữ nghề làm hương bài bởi có rất nhiều loại hương ướp hóa chất với giá cả cạnh tranh đã lấn át thị trường. Các anh chị em nhà chồng tôi đều lập nghiệp bằng nghề khác nhưng vẫn giữ thói quen đi tìm mua những thẻ hương bài làm theo cách truyền thống để về thắp dâng lên tổ tiên vào mỗi dịp Tết đến xuân về. Chồng tôi cũng vậy, biết Tết phải ở lại nên cứ nhắn nhủ các bác gửi hương lên.
Mùi nhang thơm vấn vít cùng mùi khói bếp tạo nên một thứ hương kỳ lạ tỏa bay đầy tâm tưởng. Chúng tôi đã cố gắng đem hết vị Tết quê về với phố nhưng hình như những mùi hương thân quen đó bảng lảng ở nơi này nó càng làm cho con người ta bâng khuâng và day dứt nhớ thương hơn về những gì xưa cũ.
Chiều ba mươi Tết, khi những chiếc bánh chưng sắp được vớt, khi hương nước mùi già thơm ngát khắp cả không gian, nước mắt tôi lại chực ứa ra vì nhớ nhà. Hóa ra sau bấy nhiêu năm rời xa gia đình nhưng việc không trở về vào dịp Tết nó lại có một cảm xúc hoàn toàn khác.
Cậu con trai nhỏ của tôi và mấy đứa trẻ hàng xóm thì có vẻ rất vui. Chúng không có những ký ức xa xưa để mà bâng khuâng nên việc được chạy lăng xăng quanh bếp lửa là một niềm háo hức thực sự. Các con thi nhau quạt khói bay mù trời và vùi những củ khoai tây vào đám tro hồng để nướng. Khác với chúng tôi ngày xưa, chúng nướng không phải để ăn, để có trò nghịch cho vui vậy thôi.
Rời khỏi vùng tâm sự của riêng mình, tôi nhìn lũ trẻ mỉm cười và thấy lòng ngập tràn một niềm hạnh phúc vừa nhen nhóm. Tại sao tôi phải buồn khi gia đình nhỏ của mình vẫn được ở bên nhau. Rất có thể những điều chúng tôi làm hôm nay chính là đã tạo nên một ký ức đẹp lung linh để mai này con tôi sẽ có cái để mà nhắc lại.
Rồi Tết cũng đến, dịu dàng như mùa xuân vốn vậy. Dẫu đâu đó vẫn còn những thông tin về dịch bệnh nhưng Tết thì dứt khoát phải vui. Than thở chẳng ích gì, tốt nhất là ta chấp nhận khi hoàn cảnh không thể khác. Đêm giao thừa, đại gia đình tôi gặp nhau trong một cuộc gọi video. Khoảng cách địa lý được rút gần lại trong từng lời chúc tốt lành. Tết này tôi không được về bên mẹ và các anh chị em của mình nhưng họ vẫn ở đó, bình an và khỏe mạnh đợi chờ một ngày sum họp. Tôi chưa về nhưng sẽ về ngay vào một ngày gần nhất có thể, lúc đó sẽ lại là Tết.
Bình luận (0)