Bố mẹ tôi là dân miền biển chính hiệu nhưng do yêu cầu của công việc mà gắn bó với miền rừng núi này lâu đến nỗi tôi cứ ngỡ mình cũng là dân sinh ra từ bóng núi. Thế nên hiển nhiên nếp sống của gia đình tôi ít nhiều cũng có sự hài hòa giữa biển và rừng, nhất là mâm cơm ngày Tết của mẹ.
Ngoài các món truyền thống như bánh chưng xanh, giò chả, thịt đông để thắp hương cho ông bà thì bao giờ mẹ cũng làm thêm vài món đặc trưng của người miền núi như thịt trâu gác bếp, da trâu nấu lá giang và canh gà nấu dưa lá sắn muối chua. Những món ăn nhiều đạm của ngày Tết sẽ được cân bằng bởi cái vị chua chua thanh đạm của các loại rau, lá từ rừng. Chỉ cần nghe nhắc tới thôi thì nước miếng đã tứa ra đầy khoang miệng để mà xuýt xoa khen ngon.
Độ khoảng tháng 9, trên những nương sắn lá đương độ mơn mởn tươi ngon, mẹ chọn hái từ nương sắn nếp ( loại sắn trắng lá xanh chuyên trồng lấy búp) những búp sắn non mập mạp còn nguyên lớp phấn mịn mang về. Sau khi rửa sạch, vò kĩ rửa bằng nước mưa rồi để ráo, mẹ cho lá sắn vào chiếc vại sành muối nén như muối dưa cải của người miền xuôi. Chỉ khoảng 5 ngày là đã có vại dưa lá sắn ngon. Nghe cách làm có vẻ đơn giản nhưng chỉ người khéo tay thì vại dưa mới có thể để lâu mà không bị nổi váng và hỏng. Nhà tôi luôn có một vại dưa sắn để ăn quanh năm cũng là nhờ đôi bàn tay khéo léo của mẹ.
Tôi cũng chẳng biết người Thái, người Mường nơi đây biết muối lá sắn từ bao giờ hay từ thuở khai hoang họ đã được thần rừng chỉ cách sống hòa hợp với cỏ cây quanh mình để vượt qua cái đói khi chưa tới vụ lúa nương? Gần như cả làng, nhà nào cũng có một hũ lá sắn muối chua như thế. Đi làm về, có khi chỉ cần nắm dưa lá sắn xào lên với tỏi là xong bữa. Sang hơn thì có thể nấu dưa lá sắn với cá tươi hoặc sườn non, móng giò...
Tết đến, gia đình tôi luôn đón những vị khách phương xa đến thăm hỏi và chúc Tết. Mẹ chọn nấu món canh gà nấu dưa lá sắn muối chua để bố đãi bạn. Lá sắn muối chua lấy từ trong vại ra chỉ rửa sơ qua một lần để lúc nấu lên có vị chua thanh. Con gà đồi khoảng hơn 1kg được sơ chế rồi chặt miếng vừa ăn. Gia vị ướp thịt gồm có hạt nêm, mì chính, nước mắm.
Sơ chế thịt gà và dưa lá sắn muối chua
Xào thịt gà trên bếp
Thịt ướp khoảng 15 phút cho ngấm đều gia vị, mẹ liền phi thơm hành mỡ xào săn thịt gà, rồi đổ nước ngập thịt rồi nấu với lửa vừa phải. Trong khi chờ nồi gà sôi thì bếp bên kia cũng được bật lên để xào dưa lá sắn cho ngấm. Khi nồi thịt gà sôi đều, mẹ cho chỗ dưa sắn đã xào vào nấu cùng. Bếp lửa cháy liu riu, khoảng 20 phút sau vị chua của dưa sắn nhanh chóng hòa quyện vào vị ngọt của thịt gà khiến cả gian bếp ngạt ngào mùi thơm quyến rũ. Mẹ luôn có bí quyết riêng cho tất cả món ăn của mình. Với canh gà nấu dưa sắn, bao giờ mẹ tôi cũng dùng chút hạt dổi rừng đã rang thơm giã nhỏ thay vì hạt tiêu xay hoặc lá rau thơm như những người hàng xóm thường nấu. Có lẽ vì vậy mà bát canh của mẹ luôn có hương vị đặc biệt khiến người ăn nhớ mãi. Ai đã từng nếm qua đều tấm tắc khen ngon và lạ.
Thành phẩm là bát canh gà nấu dưa lá sắn thơm ngon
Tôi trưởng thành đi xa, cứ ngỡ rằng mình sống nơi phồn hoa là đã thoát ra khỏi bóng mặt trời trên núi nhưng chỉ cần chạp đến, thấy hoa mơ, hoa mận nở trắng núi rừng thì tôi hiểu rằng mình vẫn chưa bao giờ thôi nhớ nhung mâm cơm tết hài hòa vị biển và rừng của mẹ.
Bình luận (0)