Cha chờ một tiếng còi xe. Ấm trà cạnh bên đã nguội. Đám lục bình trổ bông tím ngắt vẫn hoài trôi trong lặng thinh. Trời lạnh se. Nhà ai đang bật tivi hát mấy bài nhạc xuân, tiếng trống nhạc thật tưng bừng, rộn rã.
Chị vẫn chưa về!
Chị lấy chồng không xa, ngày thường cách tháng vẫn về thăm nhà. Nhưng hơn chục năm gả con cũng là bấy thời gian mâm cơm tất niên nhà tôi thiếu chị. Mẹ biểu con gái vốn là con nhà khác. Cha lẳng lặng nhìn tôi không nói, nghe mẹ ngồi ước chừng các ngày chị dành cho nội ngoại hai bên. Thường phải sau Mùng 2, gia đình chị mới về nhà tôi chúc tết.
Đã gần như trở thành thông lệ là vậy nhưng mỗi khi nhìn chái bếp của mẹ khói bay bảng lảng, mùi bánh trái, món ăn đón tết thơm sực là không ngăn được lòng cha ngóng chờ. Hệt như cha vẫn luôn hoài ngóng mong tôi trong suốt những năm tháng mà tôi xa nhà.
Tôi nhớ nhất là những lần thu xếp để về quê ăn tết. Kể từ khoảnh khắc phát đi thông báo "con đã lên xe chuyến..." là cứ cách một khoảng giờ cố định là cha gọi hỏi: "Con tới cầu Mỹ Thuận..." và sau đó nữa là "...cầu Cần Thơ chưa?". Dường như cha không hề ngủ khi gần sáng vẫn là cuộc gọi thân thương: "Khi nào đến cổng chào thì gọi cha ra đón". Làm sao không thương cho được cái nỗi ngóng mong của người cha cả năm trời không gặp mặt con, không hình dung nỗi nó mập ốm ra sao, vui buồn thế nào khi không có gia đình bên cạnh.
Tấm lòng của cha mẹ muôn đời là thế. Ngày tết chẳng mong gì chỉ mong các con quây quần xôm tụ để tuổi già bớt cô đơn. Nhưng khi chúng tôi càng lớn, hành trình trở về với bữa cơm gia đình dường như ngày một khó khăn hơn. Tết thường là một dịp hoàn hảo để đoàn viên nhưng không phải tết nào những đứa con xa quê cũng được về nhà như ý nguyện.
Đại dịch tràn qua làm tan vỡ nhiều dự định và kế hoạch. Tết này có nhiều người trở về cùng nỗi lo kinh tế; bạn bè tôi, những ai quê nhà xa quá phần đông đều không thể về. Còn tôi về thăm nhà từ giữa năm rồi sau đó toàn vùng giãn cách; thình lình phải thay đổi mọi nếp sinh hoạt và phương thức làm việc: Tôi áp lực nặng suốt một khoảng thời gian. Những buổi sáng bên bếp lửa cha thường trìu mến ủi an: Xem như về nghỉ ngơi, nhà mình cũng đâu phải thiếu thốn gì để con phải bận lòng cơm áo.
Và "kỳ nghỉ" ấy đã kéo dài tận Tết. Mẹ cứ luôn miệng "dịch hãy còn phức tạp"; cha gần như làm quen hẳn với sự có mặt của tôi ở nhà mỗi ngày. Hai ông bà cười nói nhiều hơn, trò chuyện với tôi nhiều hơn, hệt như đã để dành bầu tâm sự từ lâu lắm. Thật là một dịp không thể nào tốt hơn nữa để tôi tạm gác lại bộn bề để cùng gia đình đón bầu không khí chộn rộn của mùa Xuân một cách trọn vẹn sau mười mấy năm thường xuyên trở về khi mọi khâu dọn dẹp và chuẩn bị cho tết đều đã rồi.
25 Tết, tôi ngồi ngắm cha đánh bóng bộ lư đồng
Gia đình chúc Tết ngày Mùng 1
25 Tết, tôi ngồi ngắm cha đánh bóng bộ lư đồng. Tuổi thơ như bừng sống dậy khi đó là công việc ngày nhỏ ông nội giao cho mấy chị em tôi. Chỉ bằng ít trấu và mớ tàn tro cùng cục bùi nhùi, qua bàn tay nhỏ nhắn của mấy chị em suốt nửa ngày trời, bộ lư đồng có tuổi đời còn lớn hơn cha đã trở nên sáng bóng.
Năm này cũng là năm đầu tiên tôi đưa cả nhà đi chợ hoa tết. Chẳng biết vì có tôi nên cha vui mà chiều lòng hay muốn gia đình tôi có thêm kỷ niệm trước thềm xuân về.
Trước đây, mỗi lần có được kỳ nghỉ dài đầu năm mới tôi luôn gợi ý tổ chức những chuyến du xuân để gia đình được thăm thú đây đó nhưng chưa bao giờ cha ưng. Cha như một cái cây trọn đời cắm rễ vào đất quê nhà. Tết nhứt cha chẳng thèm đi đâu, chỉ quanh quẫn sửa lại vài món đồ đạc hư hoặc chăm trồng mấy khóm vạn thọ.
Đối với cha Tết là dịp con cái trở về sum họp với gia đình để cùng tưởng nhớ tổ tiên, nguồn cội. Cha chẳng thèm tôi mua gì. "Tụi con về cha ăn kho quẹt cũng thấy ngon". Câu nói này của cha luôn ám ảnh tôi. Nó nhắc nhở tôi dù đang ở đâu, bận rộn đến như thế nào cũng phải dành thời gian để trở về ăn bữa cơm đoàn viên cuối năm, cùng cha mẹ đón giao thừa trong đêm trừ tịch. Trở về không đơn thuần là sự đi về nữa mà chính ta đang mang mùa xuân của những người thân yêu luôn mong ngóng mỗi ngày.
Và trong khoảnh khắc lòng còn mông lung suy tưởng thì tiếng còi xe như đánh thức tôi về. Dòng tin chị nhắn cách đây mươi phút nhảy múa trong mắt tôi, chỉ ba từ "chị đang về" ấy mà khiến tôi vô cùng xúc động. Cả nhà đã tập trung hết ngoài cổng, những cái ôm của mẹ siết chặt. Tôi nhìn sang chỉ thấy ánh mắt cha trìu mến: Tình thương của người đàn ông ấy luôn thầm lặng mà bao dung.
Chúng tôi có bữa cơm sum vầy trọn vẹn vào buổi chiều cuối năm. Cả nhà quây quần bên nhau tận giao thừa. Không có pháo hoa nhưng những tràng cười còn rộn ràng hơn tiếng pháo. Ở thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới chúng tôi lần lượt tiến tới bàn thờ thắp hương. Mùa trầm tỏa ra trong khoảnh khắc đất trời giao hòa ấy thật thiêng liêng. Nó khiến người ta muốn bỏ qua hết muộn phiền năm cũ.
Buổi sáng đầu năm ấy, chúng tôi thấy mình trở về là những đứa trẻ khi được đứng bên nhau chúc tết cha mẹ để nhận những phong lì xì đỏ tươi. Những nụ cười được lưu vào tâm trí tôi, những bức ảnh đầu năm được ghi lại dù có thể đó không phải là những bức ảnh hoàn hảo. Nhưng chắc chắn đó là những gì thật nhất, ấm áp nhất của gia đình ở thời khắc năm mới.
Sau cùng, chỉ có tình yêu thương mới giúp mỗi người có thêm nguồn động lực để tiến về phía trước. Về nhà, cùng ngồi xuống ăn với gia đình một bữa cơm để gắn kết tình thân, để nuôi dưỡng tâm hồn mình, để đó trở thành nguồn năng lượng giúp ta vượt lên khó khăn của cả năm kế tiếp. Những tấm ảnh rồi sẽ luôn đi theo tôi, nhắc nhở tôi trở về. Bởi với các bậc cha mẹ trên đời, mùa xuân chưa bao giờ là bầu không khí rộn rã hay đào mai, mà như cha tôi vẫn hằng nhắc đi nhắc lại trong những bữa cơm sum vầy: Hễ các con về là nhà có tết.
Bình luận (0)