Báo Người Lao Động vừa tổ chức lễ trao giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 dưới hình thức trực tuyến vào ngày 14-8, để lại cho người tham dự ấn tượng rất tích cực.
Thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia
Đây là lần thứ hai Báo Người Lao Động tổ chức cuộc thi này cũng là lần thứ hai tôi tham gia với vai trò thành viên Hội đồng Chấm giải chung khảo. Hai lần tổ chức với hơn 100 bài viết và ý tưởng "hiến kế" tham gia đóng góp cho sự quản lý đô thị và phát triển bền vững TP HCM, có thể thấy cuộc thi đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân thành phố, trong đó có nhiều chuyên gia có chuyên môn cao trong các lĩnh vực mà họ hiến kế. Có nhiều ý tưởng sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực xây dựng đô thị xanh, đô thị thông minh, hành chính công, phúc lợi công..., thể hiện tâm huyết của người tham gia và mang tính sáng tạo, phần nào là tính đột phá.
Riêng về việc thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý; sự trăn trở của những người hiến kế về hiện thực và tương lai của thành phố thân yêu đã là sự thành công bước đầu về chủ trương của Báo Người Lao Động.
Nội dung các bài viết, các ý tưởng đề xuất rất cụ thể, thiết thực, không triết lý cao xa; rất gần gũi với cuộc sống; nhiều ý tưởng có tính sáng tạo, đột phá và ít nhiều có tính phản biện với hiện thực quản lý và phát triển đô thị. Tuy nhiên, các bài viết dù được giải hay không được giải đã được đăng trên Báo Người Lao Động vừa qua cũng mới chỉ dừng lại ở dạng ý tưởng của những người hiến kế.
Do đó, muốn hiện thực hóa để ý tưởng đi vào cuộc sống cần phải được đầu tư ở "công đoạn" tiếp theo, nghiên cứu ở dạng đề án hoặc giải pháp thực thi của chính quyền thành phố. Tôi cho rằng cuộc thi không kết thúc sau khi chấm giải, mà Báo Người Lao Động cần tiếp tục đóng vai trò cầu nối giữa người hiến kế với các cơ quan hữu quan chính quyền thành phố thúc đẩy quá trình tiếp thu nhằm đưa những ý tưởng tốt đi vào cuộc sống (thông qua các đề án, giải pháp thực thi).
Tôi nghĩ rằng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" nên được tiếp tục duy trì từng đợt hằng năm và tôi tin rằng sẽ thu hút được sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân - những người đang trăn trở và tâm huyết với sự phát triển TP HCM. Tôi cũng tin tưởng rằng không chỉ công dân thành phố mà cuộc thi sẽ còn thu hút được sự đóng góp của nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài.
TP HCM cần những hiến kế để trở thành thành phố toàn cầu, đời sống kinh tế thành phố gắn chặt với đời sống kinh tế thế giớiẢnh: Hoàng Triều
Để TP HCM trở thành thành phố toàn cầu
Hai lần tổ chức cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" với chủ đề cuộc thi giới hạn ở một số lĩnh vực để những người tham gia tập trung hiến kế. Tuy nhiên, tất cả bài viết và ý tưởng đóng góp tựu trung lại xoay quanh nội hàm của 2 vấn đề lớn: quản lý đô thị (trọng tâm là phúc lợi và văn hóa đô thị) và phát triển bền vững (tăng trưởng kinh tế; tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường).
Với định hướng quy hoạch và tầm nhìn phát triển TP HCM đến năm 2030 và năm 2045; gắn sự phát triển thành phố với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; với sự phát triển của gần 20 đô thị có quy mô khác nhau trong Vùng đô thị TP HCM, theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ năm 2013 và nhất là giữ vững vai trò động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước.
Do đó, vấn đề đang đặt ra là làm thế nào để TP HCM vượt qua tâm thế về tư duy và thể chế để hướng tới mục tiêu: TP HCM sẽ là một trong những thành phố hiện đại, phát triển nhanh và năng động nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương... TP HCM sẽ trở thành thành phố toàn cầu, với đời sống kinh tế thành phố gắn chặt với đời sống kinh tế thế giới, là cửa ngõ giao lưu quan trọng nhất của Việt Nam với bên ngoài.
Con đường để đi đến mục tiêu mong ước như trên chắc chắn không phải bằng phẳng và dễ dàng đạt được, nên cần có sự nỗ lực trong từng bước đi cụ thể cho mỗi kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố. Hiện nay, TP HCM đề ra 7 Chương trình mục tiêu cho giai đoạn 5 năm 2021-2025 và kéo dài thêm một số năm tiếp theo nhằm từng bước hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược phát triển thành phố. Tôi nghĩ rằng để những chương trình mục tiêu nêu trên đi vào cuộc sống, cần có sự đóng góp trí tuệ của các tầng lớp nhân dân, mà cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" của Báo Người Lao Động là một trong những kênh rất có ý nghĩa thiết thực, cần được khuyến khích để tiếp tục thực hiện.
Từ cách nhìn nhận vấn đề như trên, tôi đề nghị nên tiếp tục cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" với chủ đề mở cho tất cả những ý tưởng liên quan đến "Quản lý đô thị và phát triển bền vững TP HCM".
3 chủ đề mở
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề mở: Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; Hiến kế để TP HCM giữ vững đầu tàu kinh tế của cả nước; Nên làm gì để chuyển đổi số thành công?
Cuộc thi nhận tác phẩm tham dự từ ngày 14-8-2021 đến ngày 28-7-2022 (ngày kỷ niệm 47 năm thành lập Báo Người Lao Động). Tác phẩm hiến kế gửi về Báo Người Lao Động là những tác phẩm chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào. Ngoài các bài viết để đăng báo, tác giả có thể gửi kèm đề án, phương án triển khai, giải pháp thực hiện. Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn.
Bình luận (0)