Ngày Tết, mẹ tôi đã chuẩn bị những món ăn truyền thống như thịt vịt kho tàu, canh khổ qua dồn thịt, chả giò chiên, củ kiệu dưa hành, bánh chưng...
Thường thì một tuần trước Tết, bố tôi chở xe, xách giỏ để phụ giúp mẹ tôi ra chợ, lựa chọn nguyên liệu cho nấu ăn. Tôi thì phụ trách rửa thịt, xắt lát, dồi thịt. Mẹ tôi là đầu bếp chính, nêm nếm, nấu nướng trên bếp nhà. Việc nấu nướng chuẩn bị trong một tuần trước Tết. Những món ăn được ninh, nấu sẵn cho vừa miệng, để nguội, chia đều cho vào nhiều hộp nhựa, thủy tinh để trong tủ lạnh để cả nhà dùng cả tuần Tết, chỉ cần múc ra dĩa, tô và làm nóng chỉ vài phút là dùng ngay. Chuẩn bị tất bật trong một tuần trước Tết nên tuần trong Tết ai cũng sẽ thảnh thơi, nhàn nhã, thưởng thức mâm cơm Tết ấm cúng gia đình.
Ngoài món bánh tráng cuốn, bữa ăn có thể ăn thêm món canh măng, bánh cuốn, bún tươi...
Tuy nhiên, ăn Tết với nhiều món ăn truyền thống như cơm thịt đến ngày thứ 3, thứ 4 là thấy ngán. Thường thì mẹ tôi sẽ đổi món cho dễ ăn như món lẩu hay món cuộn bánh tráng. Vì vậy, mẹ tôi thường chuẩn bị nguyên liệu và sơ chế trước để khi cần là là chế biến ăn ngay. Bên cạnh các mâm cơm Tết thông thường, gia đình tôi còn có món cuộn bánh tráng để đổi vị.
Mẹ tôi đặc biệt thường trữ sẵn chả lụa, chả quế, nem nướng, nem chua... Những thứ ấy đã chế biến sẵn, chỉ cắt ra để cuốn bánh tráng, vừa nhanh lại vừa ngon. Khế, thơm, rau sống, rau rừng được giữ trong tủ lạnh, có thể đem ra để ăn kèm cho đỡ ngán thịt. Rau rừng được mua ở quán nhỏ gần nhà. Họ luôn có rau rừng để bán cho những ai khoái khẩu. Rau rừng có hương vị rất riêng, sẽ phá tan cảm giác cũ nếu chỉ ăn với rau sống. Rau rừng lại còn cứng cáp, khó dập nát, dễ rửa sạch hơn rau sống.
Từ khi có dịch COVID-19, gia đình tôi đã sắm thêm tủ lạnh to để lưu trữ thức ăn từ rau sống, rau rừng, thịt, trứng... Tai heo chua được ăn với mắm nêm cũng là từ chế biến trước đó nên vừa được ăn ngon, vừa tốn ít thời gian thực hiện. Ngoài món bánh tráng cuốn, bữa ăn có thể ăn thêm món canh măng, bánh cuốn, bún tươi và không nhất thiết phải có cơm trắng... Đặc biệt, bánh tráng dung để cuốn phải lựa loại đủ dày, đủ dai, không quá mặn để dễ cuốn. Nước mắm chấm pha chế với tỏi, chanh cho vừa ăn trong một chén, tô. Mỗi người khi ăn múc nước chấm ra từng chén nhỏ để dùng riêng.
Ngày năm mới, gia đình tôi ngồi dùng bữa chung. Mỗi người nhàn nhã lấy chiếc bánh tráng mỏng, làm ướt, rồi lựa chọn các thức ăn đặt vào, thêm rau bún, cuốn lại cho gọn rồi chấm nước nắm hay mắm nêm. Nhiều lựa chọn nhân thức ăn, lại đủ vị thịt, rau, bún, rồi thêm vị nem chua, tai heo ngâm giấm... làm cho cuộn bánh tráng hấp dẫn, không nhàm chán. Ăn món bánh tráng cuốn tạo không khí vui nhộn khi mỗi người tự tay chuẩn bị cuộn bánh tráng cho mình, nhiều lần gắp lựa nhân thức ăn và phải khéo léo cuốn sao cuốn bánh không để bị vỡ và phải đẹp, không quá to hay quá nhỏ. Bữa ăn ngày Tết nhờ thế mà thay đổi cho vị giác.
Tết nào, gia đình chúng tôi cũng dành vài bữa để đổi món với việc ăn cuốn bánh tráng. Bữa ăn với cuốn bánh tráng kết hợp nhiều vị nhân thức ăn, chỉ tốn ít thời gian chuẩn bị. Cả gia đình quây quần vừa cuốn bánh tráng và vừa trò chuyện rôm rả.
Bình luận (0)