Gia đình tôi ở Hà Tĩnh. Gần 30 năm trước, nhà nghèo khó, thu nhập từ những gánh bánh đa của mẹ chỉ đủ trang trải kinh tế cho gia đình, nuôi ba chị em ăn học. Những dịp Tết đến, hàng xóm mổ lợn, làm gà, mâm cỗ đủ đầy, trong khi đó cỗ cúng của gia đình tôi rất đơn sơ gồm nải chuối, hai chiếc bánh chưng cùng vài gói kẹo.
Nhưng với chị em tôi, giao thừa hàng năm luôn là thời khắc được đón đợi nhất, bởi mâm cỗ cúng sang canh của mẹ có một món đặc biệt, đó là mứt lạc, hay còn gọi là kẹo thằn lằn, kẹo trứng chim.
Những viên kẹo trứng thằn lằn luôn được đám trẻ nâng niu.
Thành phần của kẹo chính là lạc (đậu phộng), những hạt lạc để nguyên vỏ, rang cho chín đều rồi bọc bột nếp với đường, tạo nên những viên nhỏ hình tròn màu trắng. Các viên kẹo nhỏ nhắn, xinh xắn này có hình thù như những chiếc trứng thằn lằn, trứng chim, nó mê mẩn nhiều đứa trẻ thế hệ 8x, 9x như chị em tôi. Trước đây, mỗi gói nhỏ giá 5.000 - 7.000 đồng, nay tăng lên 25.000 - 30.000 đồng.
Vì vậy, ngày xưa cho dù buồn ngủ đến ríu mắt, nhưng chị em tôi luôn cố gắng thức đến 0 giờ ngày mùng 1 Tết để chờ mẹ cúng sang canh xong lấy gói kẹo thằn lằn ra "mừng tuổi" cho ba đứa. Cầm gói kẹo to bằng lòng bàn tay, bên trong có khoảng 30 viên màu trắng, tôi chia đều cho mình và hai em, ai cũng cười đến tít mắt, háo hức khi cầm những viên kẹo nhỏ xíu, xinh xinh.
Tôi bỏ vào miệng, cắn một cái giòn tan, nhai cảm giác rôm rốp, sướng trong miệng. Hai em thì nâng niu, ăn khoảng 3 viên, sau đó lấy túi nylon bọc kẹo lại để dành sáng mai ăn tiếp. Cứ thế, từ lúc 3 tuổi cho đến năm lên 15 tuổi, tuổi thơ của ba chị em chính là những giây phút háo hức để chờ đến quá giao thừa ăn món kẹo thằn lằn "đặc sản" do mẹ mua về.
Gói kẹo trứng thằn lằn trên bàn thờ cúng Tết.
Qua thời gian, ba chị em trưởng thành, vào đại học, tốt nghiệp rồi có việc làm. Gia đình không còn cảnh "chạy ăn từng bữa" như xưa, kinh tế đã khởi sắc hơn. Dịp Tết về, mâm cỗ đã đủ đầy với xôi gà, chè kê, chân giò lợn, bánh kẹo đắt tiền. Tuy nhiên, tôi để ý thấy mẹ vẫn mua một gói kẹo trứng thằn lằn về để đặt vào mâm cúng sang canh. Bây giờ gói kẹo có kích thước lớn hơn xưa rất nhiều, có bao bằng hai bàn tay người lớn, bên trong đựng hàng trăm viên.
Và tất nhiên, với chị em tôi, mỗi khi về đón Tết với mẹ, ký ức tuổi thơ lại ùa về. Thấy gói kẹo đặt trên bàn thờ, ba đứa xin phép mẹ lấy xuống, sau đó xúm lại bóc ra chia nhau ăn như ngày còn nhỏ. Con của tôi, con của hai em từ 2 đến 4 tuổi, cũng xúm lại xin bố mẹ những viên kẹo, rồi mừng rỡ, cầm nhai ngấu nghiến. Chúng hỏi đó là kẹo gì, tôi nhanh nhảu, kẹo thằn lằn con ơi, rồi cả nhà cười lớn.
Kẹo trứng thằn lằn được dọn ra để tiếp khách.
Có lần, trong mâm cơm tất niên, mẹ tâm sự hàng năm luôn mua gói kẹo thằn lằn về là để gợi nhắc các con đừng bao giờ quên mình đã lớn lên trong hoàn cảnh như thế nào. Nhiều bài học giản dị mà sâu sắc được chúng tôi đúc rút qua viên kẹo.
Đầu tiên là bài học đừng quên quá khứ. Dù bây giờ đã lớn, có công việc ổn định, đôi khi thưởng thức những món ăn ngon, nhưng thông qua viên kẹo thằn lằn, mẹ vẫn muốn chúng tôi nhớ về ngày xưa gia đình khổ cực, thiếu thốn. Mong muốn của mẹ là các con dù ở lứa tuổi nào, hoàn cảnh nào, cũng phải biết cố gắng, không được tự mãn rằng mình đã thành công nên viên kẹo có ý nghĩa bảo ban chị em tôi không ngừng nỗ lực, đừng bao giờ để bị tụt lại phía sau.
Đó còn là bài học về sự sẻ chia. Ngày xưa, chị em chia nhau từng viên kẹo, thể hiện tình cảm ruột thịt. Khi trưởng thành mỗi đứa một nơi nhưng thông qua những viên kẹo thằn lằn, mẹ luôn dặn dò chị em chúng tôi phải luôn gắn bó, đùm bọc, thương yêu che chở lẫn nhau, cho dù ở bất cứ lứa tuổi, hoàn cảnh nào.
Nhân kẹo thằn lằn là viên lạc, chứa vị bùi.
Ngày nay rất nhiều bánh kẹo ngon được sản xuất, kẹo trứng thằn lằn hay kẹo trứng chim không còn là "đặc sản" của đám trẻ. Song với chị em tôi kẹo thằn lằn vẫn là thứ quà quý, có một không hai. Vị ngọt của vỏ kẹo, vị bùi của viên lạc chứa đựng sự yêu thương, tình cảm và những lời gửi gắm chân thành của mẹ.
Những bài học đúc rút từ những viên kẹo trứng thằn lằn như là những triết lý nhân sinh để chúng tôi vững bước trên đường đời.
Bình luận (0)