Tôi là con út ráng trong nhà, ngày sinh ra đời thì chị hai vừa tròn mười tám. Má gần năm chục tuổi, vẫn miệt mài mưu sinh với quang gánh kĩu kịt nơi thành thị, oằn vai nuôi mấy anh chị kế. Thành thử từ lúc tôi nằm nôi tới mãi sau này đều một tay chị hai chăm bẵm dạy dỗ.
Đợt đó, vì nhà nghèo nên chị nghỉ học, ở nhà may sửa quần áo thuê cho người ta. Chị chưa chồng không dưng lại có con, bồng tôi cặp nách, làm luôn tay không nghỉ. Người biết chuyện khen chị giỏi, kẻ mơ hồ cứ ngỡ chị mới là má ruột của tôi. Trong câu hát đưa võng bận ấy còn vọng lại da diết những nỗi niềm riêng mình chị nặng mang.
Bây chừ, có vài khoảng thời gian trong năm, tôi nghĩ hoài nghĩ mãi tới chị. Như bữa cơm sáng nay, khi chồng hỏi, tôi đã ăn bao nhiêu cái Tết xa. Mơ hồ từ đâu cảm xúc cứ dâng tràn đỏ mắt.
Hồi xưa, đều đặn mịt tối hăm chín tháng chạp, đôi quang gánh lầm lụi của má mới quảy về tới đầu ngõ. Còn Tết của chị hai thì bắt đầu từ ngày cúng ổ bánh tổ đưa ông Táo về trời. Thời đó, hầu như xóm nào ở quê tôi cũng đều xúm lại cùng nhau làm bánh. "Tét, nổ, tổ, in" – cứ bốn loại bánh truyền thống đó mỗi nhà làm một loại, xong xuôi chia nhau một ít cho mâm cơm ngày Tết đầy đủ hương vị.
Trẻ con thường khoái đồ ngọt, nên tôi đã từng mê tít suốt tuổi thơ những ổ bánh tổ do chị hai làm. Cũng vì thế, ký ức về món bánh tổ khắc sâu trong tim tôi, không gì xoá nhoà được dù có qua bao lâu.
Hàng xóm chẻ tre đan rổ, chị cũng miệt mài ngồi vót trẩy, đan thành cái rế có miệng rộng hơn đáy. Rồi chị ra sau hè cắt lá chuối vào lau khô, xếp mấy lớp làm những chiếc đài hình tổ chim, cố định đài bằng nan tre cho thật chặt rồi đặt trên rế.
Chị hai giã mịn những hạt nếp to mẩy trong cối đá. Tiếp đến, chị tán nhuyễn đường bát (đường đen) rồi bắt nồi lên bếp, thắng đường thành nước, lọc tạp chất. Tôi vẫn nhớ rành rọt, ổ đường bát của chị luôn bị mất tai và nham nhở dấu răng tôi rón rén cắn trộm. Đáp lại câu cằn nhằn của chị là cái le lưỡi tí tởn của tôi.
Sau đó, chị hai cho bột nếp vào trộn, khuấy đều tay để bột và nước đường hoà vào nhau. Phải cho thêm vào một chút nước gừng tươi giúp dậy mùi thơm. Bột trộn xong sền sệt, dẻo, không đặc quánh hay vón cục, cũng không qúa nhão. Chị đổ bột vào chiếc đài đã đan sẵn, cho vào tấm vỉ trong nồi để hấp cách thuỷ. Mặt nước phải cách vỉ hấp chừng ba lóng tay, bánh sẽ chín sau khoảng năm, sáu tiếng nhờ sức nóng của hơi nước.
Ngồi canh nồi bánh những đêm cạn chạp dường như là ký ức chung của mỗi đứa trẻ miền quê xưa. Bếp lửa ấm nóng sẽ xua tan đi cơn gió cuống quýt lạnh sắt người. Tôi cũng đã từng ở đó, ngồi chồm hổm hoặc lót dép nhìn bếp củi đỏ rực, giơ hai bàn tay bé xíu hong lửa, háo hức khịt mũi hít chờ bánh chín ngào ngạt hương gừng thơm khắp không gian.
Bánh tổ vớt ra có màu vàng đồng của đường bát, vị ngọt thanh, dẻo mềm. Chị hai rắc lên trên mặt bánh lớp mè rang và đem phơi ráo cho khô cứng. Bánh tổ được đặt lên bàn thờ gia tiên ba ngày Tết, tới Nguyên tiêu nhà tôi cũng cúng bánh tổ. Trong cơn mưa xuân lâm râm, bọn trẻ con tụi tôi tụm năm tụm ba chơi trò chơi trên đường quê, ca bài đồng dao từ bao đời: "Trời mưa lâm râm/ Cây trâm có trái/ Con gái có duyên/ Đồng tiền có lỗ/ Bánh tổ thiệt ngon/ Bánh bèo thiệt béo…"
Ra Giêng, ổ bánh tổ cứng có mặt ngoài bị mốc, chỉ cần dùng dao gọt lớp mốc đi, cắt lát mỏng, đem chiên hoặc nướng ăn cực đã. Bánh tổ chiên phồng rộm lên, bên ngoài giòn bên trong mềm, vừa ngọt vừa béo. Bánh tổ nướng sắc nước đường ngọt đứ đừ nơi đầu lưỡi. Thêm miếng bánh tráng nướng kẹp bên ngoài là ngon xiểng niểng.
Những mùa Xuân thuở nhỏ, tôi lấn quấn bên chân chị hai như một chú cún con, nhìn chị nhen lửa nhóm bếp, nấu nồi cơm, kho xoong cá, muối thẩu thịt, chiên ổ bánh. Rồi mấy ngày Xuân đôi mươi, trong hành trang gói ghém xuôi Nam học tập, luôn có chỗ cho ổ bánh tổ của chị hai. Gian bếp qua chừng ấy năm, từ mái lá dừa sang mái tôn, rồi thành mái ngói, dù có má hay không thì vẫn có chị luôn ở đó. Nồi bánh tổ thơm hương nếp hương gừng, xen lẫn mùi khói củi dung dị, quyện vào lòng những thương yêu. Để bản thân tôi luôn tâm niệm rằng, dù mai này có đi bao xa, vẫn giữ vẹn nguyên nỗi niềm thương nhớ quê cha đất tổ.
Chị rời đi theo má về miền xa vắng vào một ngày ở nước Đức âm hai độ C. Cái lạnh ngoài trời không sao bằng được sự hoang hoải trong lòng đứa con làm dâu xứ người như tôi. Cách một phần tư vòng Trái Đất, ngay cả lời tiễn biệt cuối, tôi còn không kịp nói với chị. Người má thứ hai đã dành nửa cuộc đời để chăm lo cho tôi, vẫn nhắc mấy anh chị kế phải để dành vài ổ bánh tổ đợi ra Giêng bé út về ăn.
Có lẽ bất kỳ người con xa nhà nào ở một khoảng trời khác, cũng chỉ quay quắt nhớ tha thiết thèm một mâm cơm nhà có hương vị nguyên sơ quê kiểng. Ở trời Tây, tôi vẫn có thể ngâm thẩu thịt heo nước mắm, muối con cá làm ra chén mắm cái mặn mòi, nhưng chẳng thể nào tìm được một dĩa bánh tổ chiên béo ngọt như ngày xưa chị hai làm.
Nghĩ hoài miếng bánh ngọt ngào lại cay tràn khoé mắt, trong giấc mơ còn chép miệng với tay tìm. Ổ bánh tổ quê nhà bỗng trở thành nỗi khắc khoải khôn nguôi, khiến tôi phải bằng mọi cách trở lại nơi chốn xưa.
"Như vị cố hương thấm vào máu thịt
Để tàn niên ta ngoảnh cổ quay về…"
(thơ Dương Quang Anh).
Bình luận (0)