Mỗi lần hẹn Châu Thành Toàn, tôi đều nghe anh đang ở khu phố này, đang ở ngả đường kia, năm lần bảy lượt, thậm chí cả ngày cuối tuần hay lễ, Tết. Rồi mới đây, tôi cũng gặp Châu Thành Toàn vào những ngày xuân đang rộn rã trên Đường hoa Nguyễn Huệ với tấm bảng "Tết sạch không rác". Ấn tượng ban đầu hơi bất ngờ bởi những ngày đoàn tụ sum vầy này lại có một chàng trai chọn sống vì cộng đồng.
Hành trình 25 năm
Châu Thành Toàn thuộc thế hệ 8X, sinh ra và lớn lên tại TP HCM, hiện làm công việc điều dưỡng tại Trung tâm Y tế quận 1. Toàn bén duyên với công tác Đoàn năm 15 tuổi, tham gia trực chốt giao thông ở các ngã tư, trồng hoa mười giờ ở các bồn cây, thu gom ve chai bán lấy tiền cho học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa…
Ý niệm về những hoạt động tình nguyện thiết thực của tuổi trẻ càng dấy lên trong lòng cậu thiếu niên khi ấy bởi một câu chuyện mà cho đến giờ nhắc lại, Toàn vẫn nhớ như in. Khi đó, chị của Toàn tham gia chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè (tiền thân của chiến dịch Mùa hè xanh).
Kết thúc chiến dịch, những người nơi chị Toàn đóng quân lên thăm nhà. Họ say sưa kể về những hoạt động rồi quyến luyến chia tay. Chính cái ôm nhau lưu luyến hẹn những chiến dịch sau cùng hội ngộ như một mầm xanh được gieo vào lòng Toàn khi đó. Chàng trai trẻ kể khi ấy, bạn bè quyết tâm đậu đại học để hướng đến công việc ổn định, riêng Toàn thì nghĩ cố gắng hết sức vào đại học để được hoạt động tình nguyện như chị mình.
Châu Thành Toàn phát quà cho người nghèo
Khi vào học ở Trường Đại học Nông Lâm TP HCM, từ năm 2002 đến 2006, Toàn đăng ký tham gia không sót chương trình tình nguyện nào. Từ "Đất thép thành đồng" Củ Chi cho tới miền cao nguyên nắng gió Gia Lai, Kon Tum, mỗi vùng đất đi qua đã để lại trong lòng anh những bài học sâu sắc về cuộc đời, về tình người và hơn hết là lòng biết ơn.
Cũng chính từ khoảnh khắc chia tay trong đêm lửa khuya bập bùng, Toàn nghĩ về chữ thương trong cuộc đời này. "Con người ta suy cho cùng cứ thương nhau mà sống, thế thôi!". Toàn nói vậy với tôi vào một đêm mùa xuân nơi góc quán nhỏ của TP HCM đang tưng bừng lễ hội. Toàn vừa gom nhiều bịch rác tại khu phố đi bộ cho vào các thùng rác, xếp lại tấm bảng giấy xin rác, cùng tôi ngồi nghỉ mệt nơi một quán cóc mơn man gió. Nụ cười của anh nhẹ tênh và bình an.
20 năm đồng hành với thể thao của người khuyết tật
SEA Games 22 năm 2003 là kỳ đại hội thể thao lớn trong khu vực lần đầu tiên Việt Nam tổ chức. Toàn là tình nguyện viên, vô tình gặp mấy anh chị vận động viên (VĐV) khuyết tật chuẩn bị ra Hà Nội để tham gia Para Games tổ chức tại Việt Nam năm 2003.
Lúc ấy, đang đợi đón đoàn đến tham gia SEA Games, Toàn và nhóm bạn thấy các anh chị VĐV khuyết tật ở sân bay. Người khiếm thị cõng người liệt 2 chân, người cụt một chân thì đẩy xe lăn cho người thiếu 2 chân... Lúc ấy Toàn dặn lòng rằng mình cần đến với thể thao dành cho người khuyết tật.
Châu Thành Toàn hỗ trợ người khuyết tật lên sân khấu nhận hoa và quà tặng
Cũng từ đó, Châu Thành Toàn có thêm những người bạn mới là các anh chị VĐV khuyết tật. Anh quen VĐV Nguyễn Văn Chung của đội Hà Nội từ năm 2003 tới nay. Chung là một VĐV rất giỏi. Anh bị tai nạn năm học lớp 7 và mất đi đôi chân. Nhưng không vì thế mà Chung khép lại ước mơ được đi học. Anh tham gia thể thao và hằng ngày ngồi xe lăn đi 4-5 cây số đến trung tâm giáo dục thường xuyên vào các buổi tối để học từ lớp 7 cho tới tốt nghiệp lớp 12.
"Sự cố gắng và nỗ lực của Chung tiếp thêm cho Toàn động lực và nghị lực để giúp đỡ nhiều người có chung cảnh ngộ. Điều đặc biệt là Chung rất hiếu thảo. Khi tham gia Para Games, đoạt huy chương bạc, được thưởng khoảng 25 triệu đồng, Chung đã tặng mẹ để xây một ngôi nhà.
Đó là câu chuyện mà Toàn thấy ngay cả chính mình cũng được truyền năng lượng sống tích cực từ những mảnh đời khiếm khuyết. Dù khiếm khuyết thân thể nhưng chính cách sống và thành công đã khiến họ đẹp một cách trọn vẹn trong cuộc đời này" - Toàn xúc động.
Hai mươi năm gắn bó với thể thao của người khuyết tật, Châu Thành Toàn vinh dự nhận được 2 bằng khen của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vì có những đóng góp cho nền thể thao của người khuyết tật Việt Nam giai đoạn 2006-2012 và 2013-2018; chứng nhận Tình nguyện viên cấp quốc gia năm 2017 do Chương trình Tình nguyện viên Liên Hiệp Quốc và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao. Mới đây, tháng 10-2022, Hiệp hội Paralympic Việt Nam đã thành lập "Đội tình nguyện SV 2022" và tín nhiệm giao Châu Thành Toàn làm đội trưởng.
Châu Thành Toàn nhận giấy khen của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Sóc Trăng
17 năm với "Tết sạch không rác"
Nhiều người hay gọi đùa Châu Thành Toàn là "chàng bao đồng" bởi ngoài công việc điều dưỡng, anh dành hầu hết các ngày cuối tuần hoặc dịp lễ, Tết để thực hiện các dự án thiện nguyện đến với cộng đồng.
Nhóm SV 07 của Toàn thành lập đến nay đã 15 năm với chục người gắn bó thân thiết cùng những hành trình nối dài yêu thương. Anh cùng bạn bè đã chung tay góp sức, vận động thêm từ các nhà hảo tâm để xây nhà tình thương, xây cầu, tặng học bổng cho học sinh nghèo, làm chân giả cho người bị mất chân do tai nạn, tặng quà cho nạn nhân chất độc da cam, tặng xe đạp cho học sinh đến trường…
Ngồi trò chuyện cùng Toàn, tôi thấy sổ sách ghi chép của anh lại lật sang trang mới với các hoạt động trong năm 2023 như: đưa người khuyết tật du lịch biển tháng 3, ngày Người khuyết tật Việt Nam 18-4, ngày Người khuyết tật thế giới 3-12, ngày Vu lan báo hiếu, ngày Nạn nhân chất độc da cam 10-8, Giáng sinh 2023, Tết dương lịch 2024… Mọi chương trình đều chú thích rất rõ ràng về kinh phí, thời gian, hoạt động… Cẩn trọng, tỉ mỉ và đầy nhân hậu trên hành trình lan tỏa giá trị nhân văn.
Đặc biệt, tôi chú ý đến chương trình "Tết sạch không rác" của Toàn - một dự án ra đời từ năm 2005. Khi ấy, Toàn thấy cứ sau những ngày Tết là khu trung tâm TP HCM lại ngập trong rác. Đêm hôm khuya khoắt, các công nhân vệ sinh vẫn lầm lũi quét dọn để sáng mai trả lại không gian sạch - đẹp cho mọi người du xuân. Toàn và một người bạn bắt đầu nảy ra ý tưởng thực hiện dự án để kêu gọi mọi người ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung cũng như góp một phần công sức chia sẻ cùng công nhân vệ sinh mùa Tết.
Khi Đường hoa Nguyễn Huệ được mở cửa hoặc các khu vực trung tâm thành phố ngày Tết hoạt động, Toàn và người bạn tên Phượng đứng cầm băng-rôn kêu gọi bỏ rác đúng nơi, giữ gìn vệ sinh chung. Dưới chân Toàn và Phượng cũng có những thùng rác nhỏ để mọi người tự bỏ vào. Có lúc Toàn cầm băng-rôn và thùng rác tiến tới người định vứt rác lung tung để họ bỏ vào thùng cùng câu nói: "Tết sạch không rác anh chị ơi!". Tính tới nay là 17 năm đều đặn, mỗi dịp Tết, Toàn vẫn cứ "bao đồng" lo chuyện phố phường sạch - đẹp.
Ngồi cùng tôi trong những ngày xuân này, Toàn chẳng nói đến những gì mình đã làm hay những bằng khen, các kỷ niệm chương mà chỉ nhắc về lòng biết ơn. Toàn bảo chính lòng biết ơn cuộc đời, biết ơn những người mình từng giúp và từ các nhà hảo tâm mới có một Châu Thành Toàn miệt mài lan tỏa yêu thương đến tận hôm nay. Hành trình của Toàn nếu không có lòng biết ơn thắp sáng sẽ không có yêu thương được chia sẻ. Khi con người còn biết ơn thì tự khắc hành trình sống sẽ tử tế!
Mải miết gieo mầm tử tế
Chia tay tôi, Toàn lại sắp xếp để mùng 6 Tết về Sóc Trăng trao 2 nhà tình thương cho hộ đặc biệt khó khăn người Khmer, tặng 400 phần quà cho người khuyết tật người Khmer là VĐV thể thao, tặng xe đạp cho học sinh nghèo... Hạt mầm yêu thương ngày nào Toàn được gieo vào lòng mình nay đã xanh cành tốt trái. Trên những góc phố Toàn đã qua, đang đi và sắp tới, tôi tin anh sẽ lại làm công việc gieo hạt mầm mới. Rồi một ngày, con phố nào đó sẽ ngập tràn yêu thương từ hạt mầm tử tế Toàn gieo.
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Bình luận (0)