Thấy xe chở gạo đỗ ngay đầu hẻm, người dân trong dãy trọ ở khu phố 1, phường 11, quận 6, TP HCM thấp thỏm ngó ra. Dưới sự điều phối của cảnh sát khu vực và cán bộ Ủy ban MTTQ phường 11, mọi người ở yên trong phòng. Cán bộ và nhà hảo tâm xách túi gạo vào, đặt trước cửa từng phòng trọ.
Nắm rõ khó khăn từng người, từng khu phố
Vừa nhận gạo, bà Lư Bội Linh vừa tranh thủ hỏi thủ tục nhận tiền trợ cấp mất việc làm. Có mặt kịp thời, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 11 Hồ Lê Ngọc Trâm tận tình giải đáp mọi thắc mắc.
Khu trọ xập xệ nêu trên vốn là nơi bao bọc hàng chục gia đình, nay thêm phần ngột ngạt vì mọi người đều ở nhà. Như rất nhiều hộ dân bị dịch bệnh đẩy vào cảnh khó, gia đình bà Linh đang phải đắp đổi qua ngày.
Bà Linh than thở: "Gia đình tôi nợ tiền thuê nhà trọ tận 4 tháng. Bây giờ, tiền ăn không có lấy đâu ra tiền trả nợ. Chủ nhà đòi rát lắm nhưng đành chịu thôi". Chồng bà bị tai biến nằm một chỗ, con đang đi học. Trong nhà, bà Linh là người duy nhất làm ra tiền. Trước kia, bà rửa chén, phụ việc ở quán ăn. Rất vất vả nhưng hằng tháng, bà có thể kiếm khoảng 5 triệu đồng. Số tiền ít ỏi đủ giúp bà nuôi chồng đau bệnh, giúp con trai duy trì giấc mơ theo đuổi tri thức.
Bà Lư Bội Linh (trái) cùng hàng xóm vui mừng nhận gạo hỗ trợ
Bà Linh kể mấy tuần rồi, gia đình bà trông chờ hàng cứu trợ, sự sẻ chia từ bạn bè, hàng xóm. May thay, Ủy ban MTTQ phường 11 cùng các nhà hảo tâm đã giúp gạo, nhu yếu phẩm, phiếu đi chợ 0 đồng trị giá 300.000 đồng. Nhờ thế, gia đình bà bớt nỗi lo không có gạo ăn. Giờ đây, sau khi nghe giải thích và biết sắp nhận được tiền hỗ trợ, bà Linh như trút được gánh nặng đeo đẳng suốt tuần qua.
Gặp lại cán bộ Ủy ban MTTQ phường 11, bà Phạm Thị Nhành nhắc lại chuyện gia đình bà nhận 30 kg gạo, thịt và 400.000 đồng cách đây vài ngày. "Nhìn mặt tui mới nhớ, bữa trước cô này (chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 11 - PV) đến đưa gạo" - bà lão hồ hởi khi nhận ra người quen. Khi chợ truyền thống ngừng hoạt động, 2 con trai bà (làm nghề bốc vác) thất nghiệp. Từ đó, gia đình bà ky cóp từng đồng, mong chờ sớm hết dịch.
Ở nhiều khu trọ tập hợp toàn lao động tự do, dịch bệnh không khác gì một món nợ ập xuống nhiều gia đình. Trong mỗi căn phòng trọ là một cảnh nghèo, nay lại càng thêm khổ. Vì lẽ đó, song song với nhiệm vụ dồn lực giúp hộ dân khu phong tỏa, cách ly hay hộ nghèo - cận nghèo, địa phương không bỏ rơi người ở nhà thuê, mất việc làm. Đó là quyết tâm của những cán bộ làm công tác chăm lo.
Bà Hồ Lê Ngọc Trâm cho hay người dân khu phố 1 chủ yếu làm nghề truyền thống, lao động tự do nên họ bấp bênh khi dịch bệnh. Vì thế, Ủy ban MTTQ phường 11 cùng các nhà hảo tâm nhanh chóng bố trí hàng hỗ trợ.
Cầu nối thiện nguyện
Tuy bộc phát một vài biến tướng nhưng phong trào làm từ thiện theo nhóm, qua mạng xã hội chưa bao giờ chấm dứt, chưa từng đánh mất ý nghĩa tích cực. So với trước kia, các nhà hảo tâm đã xoay chuyển cách làm. Họ chủ động liên hệ phường, khu phố. Sau đó, họ tham gia giao hàng tận nơi, tận nhà, tận tay người dân.
Tại phường 11, nhóm nhà hảo tâm (gồm nhiều phi công, thành viên "Group đấu giá 5 phút") cùng cán bộ MTTQ phường đến các khu trọ, mang gạo đến trước cửa từng phòng. Anh Đặng Trần Vĩnh Thắng (phi công) - một trong những người khởi xướng thành lập nhóm - cho biết công việc thiện nguyện đến với anh cũng như đồng nghiệp, bạn bè hết sức đột ngột. Phải tạm gác công việc vì dịch bệnh, anh đăng bài kêu gọi mọi người quyên góp giúp người nghèo trên Facebook cá nhân. Không ngờ, rất nhiều người gửi tiền ủng hộ.
Chỉ 2 ngày ngắn ngủi, nhóm từ thiện nhận số tiền đủ mua gần 8 tấn gạo. Rất nhanh, các anh xin giấy phép vận chuyển, đi lại và làm việc với địa phương về phương án phân bổ gạo. Thông qua mối quan hệ quen biết, nhóm tìm đến phường 10, phường 11 (quận 6). Chia sẻ về cách làm, anh Thắng nói: "Tránh những tình huống không đáng có, chúng tôi chọn cách làm việc với cơ quan chịu trách nhiệm ở cơ sở. Bốn người trong nhóm vận chuyển gạo, rồi cùng cán bộ mang đến từng nhà".
Đúc kết từ quá trình thực hiện công tác chăm lo ngay thời điểm dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 11 nhận xét bây giờ, nhà tài trợ thường tìm đến phường, xã. "Chúng tôi dẫn nhà hảo tâm đến tận nơi để đánh giá đối tượng, tình hình thực tế. Từ đó, cán bộ mặt trận và nhà hảo tâm bàn bạc triển khai phương pháp hữu hiệu nhất. Ngoài ra, cán bộ khéo léo huy động nguồn lực từ những mối quan hệ cá nhân, doanh nghiệp có cơ sở kinh doanh - sản xuất ngay trên địa bàn. Chúng tôi có bạn ở tận TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai), ngày nào chị ấy cũng vận chuyển rau, củ, quả về khu cách ly, phong tỏa ở phường. Đây là thành công từ việc cán bộ lan tỏa tinh thần "chia lửa" giữa mùa dịch thông qua mối quan hệ cá nhân" - bà Trâm dẫn chứng.
Hằng ngày, Ủy ban MTTQ phường 11 tiếp nhận từ 500 kg đến 1 tấn rau, củ. Dù vậy, nguồn thực phẩm vẫn chưa thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu ở khu dân cư. Cán bộ luôn cố gắng hết sức nhằm đưa gạo, hàng thiết yếu đến từng nhà. Trong những ngày này, ban công tác mặt trận tại các khu phố trở thành lực lượng nòng cốt.
"Phường chỉ có 2 cán bộ thường trực (chủ tịch, phó chủ tịch MTTQ). Vì vậy, ban công tác mặt trận khu phố có trách nhiệm rất "nặng", nào là rà soát, lập danh sách trường hợp cần hỗ trợ, phân phối hàng hóa... Thế nhưng, mọi thứ luôn được mọi người cố gắng sắp xếp một cách chu toàn và hiệu quả nhất" - bà Trâm cho biết.
Thời điểm này, mọi người thường nói vui rằng cán bộ mặt trận kiêm nhiều công việc, từ điều phối đến bốc vác. Cực nhưng thấy vô cùng ý nghĩa".
Bà HỒ LÊ NGỌC TRÂM, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 11, quận 6, TP HCM
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-7
Bình luận (0)