Trong cơn mưa tầm tã chiều 19-7, vừa kết thúc 3 chuyến xe đưa hàng hóa đến cho người dân, ông Lê Huỳnh Đức - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn - lại nhận điện thoại của Câu Lạc bộ (CLB) Ấm tình yêu thương hỗ trợ 1.000 hộp cơm cho người dân kịp bữa chiều. Ngay lập tức, nhóm hậu cần lên xe tải dẫn đoàn thiện nguyện đến trực tiếp các khu phong tỏa.
Đa dạng mô hình hỗ trợ
Từ ngày dịch bùng phát, trụ sở UBND xã Xuân Thới Thượng trở thành nơi tập kết hàng hóa để nhóm hậu cần của xã phân chia cho người dân trong vùng dịch. Nhóm do ông Lê Huỳnh Đức làm trưởng nhóm, cùng hơn 10 thành viên khác với nhiệm vụ kết nối các đầu mối thiện nguyện, tiếp nhận và phân chia hàng hóa cho người dân tại gần 30 điểm phong tỏa của xã.
Nói về "bí quyết" duy trì nguồn hàng hơn 1 tháng rưỡi nay, ông Lê Huỳnh Đức cho biết ngay từ khi có điểm phong tỏa đầu tiên, Ủy ban MTTQ xã đã đứng ra kết nối các đơn vị thiện nguyện xin hỗ trợ rau củ quả, gạo, mì... gửi cho bà con trong khu phong tỏa. Càng về sau, điểm phong tỏa càng nhiều, không chỉ người trong Ủy ban MTTQ kết nối các mối quan hệ, các nhà hảo tâm mà tất cả cán bộ, công nhân viên của UBND xã cũng vận động người thân và bạn bè quen biết... Nhờ vậy, nguồn hàng vẫn ổn định và duy trì đều đặn.
Nhà chị Nguyễn Tố Nguyệt (thành viên nhóm nấu Đông Cô, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn) là bếp nấu những bữa cơm nghĩa tình cho người dân vùng có dịch trong 1 tháng nay.
Anh Thái Quang Khoa, bếp trưởng của nhóm, cho biết nhóm nấu Đông Cô hoạt động nhiều năm nay, chủ yếu nấu và gửi cơm từ thiện cho những người cơ nhỡ, khó khăn vào dịp rằm lớn trong năm. "Chúng tôi có gì làm đó, người có tiền thì ủng hộ tiền, người ít hơn thì giúp sức. Giữa tháng 6, Ủy ban MTTQ xã liên hệ nhờ hỗ trợ nấu bữa cơm cho bà con trong vùng có dịch, vậy là mỗi ngày, các thành viên có mặt từ 7 giờ sáng sơ chế rau củ, ướp thịt cá, nấu cơm đến 11 giờ đem đến cho người dân" - anh Khoa nói.
Việc duy trì hộp cơm nghĩa tình hơn 1 tháng nay được bà Phan Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Xuân Thới Đông, đúc kết "nhờ huy động sức dân". Ngoài nhóm này, Ủy ban MTTQ xã còn liên hệ với nhóm Bếp ăn yêu thương mỗi ngày hỗ trợ 100 suất cơm chiều cho người dân khó khăn tại các khu phong tỏa.
Bà Trương Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Hóc Môn, thông tin tính đến nay, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện Hóc Môn phối hợp vận động các tổ chức, cá nhân hơn 125 tấn gạo, 4.800 mì gói, 18.000 quả trứng và nhiều nhu yếu phẩm..., ước tính hàng hóa trị giá khoảng 16,5 tỉ đồng. Ủy ban MTTQ huyện và các xã, thị trấn phối hợp tổ chức nhiều mô hình nhằm đa dạng hình thức hỗ trợ, chăm lo.
Nhóm hậu cần xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM tiếp nhận, phân chia hàng hóa cho bà conẢnh: Thu Hồng
Kết nối qua fanpage
Ở quận 5, xem thông tin trên trang fanpage "Bến Hàm Tử" (do Ủy ban MTTQ quận 5 quản lý) đã trở thành thói quen đối với nhiều người dân. Tất cả nguồn kinh phí, hàng hóa hỗ trợ bà con quận 5 thông qua hệ thống Ủy ban MTTQ cũng như đối tượng chăm lo, hướng dẫn thủ tục nhận tiền hỗ trợ người lao động mất việc vì dịch Covid-19… đều có trên fanpage. Nếu cần trợ giúp, người dân chỉ cần bình luận dưới bài đăng hoặc gửi tin nhắn, cán bộ sẽ gửi thông tin về phường xác minh và có phương án hỗ trợ phù hợp.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 5 Lê Tấn Tài cho biết không phân biệt đối tượng tạm trú hay thường trú, miễn sinh sống trên địa bàn quận thời điểm dịch bệnh xảy ra, người dân đều có thể tìm đến cán bộ mặt trận. Từ bảo vệ dân phố, người thu gom rác dân lập đến vận động viên, cán bộ Trung tâm Thể dục Thể thao quận, người neo đơn... Qua 6 đợt chăm lo, mỗi trường hợp nói trên nhận 20 kg gạo, 1 thùng mì gói, 1 hộp khẩu trang cùng các nhu yếu phẩm.
"Chúng tôi thống nhất chăm lo sâu sát cho bà con sinh sống trên địa bàn. Đơn vị biết rất rõ tình hình thực tế ở địa bàn nên chăm lo tận nơi, sát hoàn cảnh" - ông Lê Tấn Tài nhấn mạnh.
Về cách thức vận động tài trợ, ông Lê Tấn Tài khẳng định công khai, minh bạch mọi thông tin, nguồn kinh phí chính là "kim chỉ nam". Bên cạnh đó, lãnh đạo quận ủy, cơ quan mặt trận trực tiếp đứng ra vận động nhà hảo tâm. Đó là tiền đề quan trọng giúp công tác vận động nguồn hỗ trợ ở quận 5 chưa bao giờ chùng xuống.
Ông Lê Tấn Tài nhận xét mạng xã hội là "chất xúc tác" kết nối nhà hảo tâm - mặt trận - người dân nên quận 5 không ngừng đẩy mạnh hoạt động trên mạng xã hội. Những ngày này, fanpage của mặt trận các phường liên tục cập nhật thông tin, hình ảnh phân phối gạo, rau, củ ở khu cách ly, phong tỏa. Nhiều nhà tài trợ đã chủ động tìm đến phường, khu phố chung tay với mặt trận giúp đỡ bà con.
Đi chợ hộ
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh triển khai mô hình "đi chợ hộ", giúp người dân trong các khu vực bị phong tỏa. Người dân nhắn tin trực tiếp lên trang fanpace, group Zalo của hội. Ngoài ra, hội thực hiện "kết nối yêu thương" tại 16/16 xã, thị trấn bằng cách vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, thành viên CLB Nữ doanh nghiệp huyện chăm lo quà, nhu yếu phẩm cho người dân...; vận động các thành viên CLB nữ chủ nhà trọ thực hiện giảm giá phòng cho người ở trọ là công nhân, người dân buôn thúng bán bưng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.T.Hoàng
Bình luận (0)