Có lẽ những nhà làm luật nên ngồi lại, như đã từng ngồi lại với vấn nạn đinh tặc. Chúng ta không thể cứng nhắc mãi, để rồi những sự việc đau lòng như thế này xảy ra ngày càng nhiều.
Lâu nay, chúng ta hay gọi là "trộm chó" và ngay cả khi bị bắt cũng chỉ có mức xử phạt vi phạm hành chính là hết. Thế nhưng trên thực tế, nhiều vụ phải nói là "cướp chó" mới đúng, cướp ngay trên tay chủ nhân, cướp công khai trước mặt chủ nhân.
Thêm điều nữa, công an khi bắt được đối tượng trộm cắp thường định giá tài sản, tang vật vụ trộm, đưa ra các mức phạt hành chính với lý do giá trị tài sản dưới mức 2 triệu đồng chưa đủ để khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự mà chưa hiểu là tài sản, tang vật vụ trộm được định giá như thế nào? Theo giá thịt hơi trên thị trường? Định giá vật chất hay tinh thần? Giá chó thịt hay chó cảnh? Giá của một vụ hay nhiều vụ? Trong khi Bộ Luật Hình sự đã có quy định cụ thể đối với đối tượng trộm cắp, mà chiếu theo những vụ trộm chó có thể nằm ở mức khung hình phạt từ 2-7 năm tù. Có lẽ vì vậy mà các đối tượng này lờn luật, không sợ bị pháp luật trừng trị; còn người dân thì không có niềm tin vào pháp luật nên tình trạng này cứ ngày càng phát triển theo diễn biến phức tạp.
Có lẽ, chúng ta phải thay đổi luật, không thể cứ cứng nhắc với quy định khung giá trị tài sản là căn cứ để xử lý vi phạm. Như vậy, tội phạm trộm cắp ngày càng lờn với pháp luật do không đủ tính răn đe; người dân thì bắt được trộm lại xử theo cảm tính với suy nghĩ có báo công an cũng chỉ bị phạt vài trăm ngàn đồng, sau đó thả ra; rồi lại tiếp tục xuất hiện câu chuyện mạng chó đổi mạng người, rồi lại tranh cãi giữa 2 luồng quan điểm, rồi chó cứ bị bắt và người lại cứ bị đánh chết, dù cả chó (tài sản) hay người đều được pháp luật bảo vệ.
Bình luận (0)