Bạn đọc TRẦN VĂN TRÃI:
Lan tỏa thông điệp "Thành phố mở"
Sài Gòn - TP HCM có lịch sử hình thành, phát triển trải hơn 300 năm. Mảnh đất này có truyền thống cởi mở, ai cũng có thể đến lập nghiệp và làm giàu chính đáng, đã tạo nên dấu ấn đa văn hóa kể cả trong quá khứ lẫn hiện tại.
TP HCM có những công trình kiến trúc cổ điển - phục hưng, công trình kiến trúc pha trộn phong cách Đông - Tây, nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, cấp quốc gia. TP HCM có đại diện của gần 50 tộc người trên tổng số 54 tộc người trong nước, trong đó đông nhất là người Việt, kế đó là người Hoa, người Chăm, người Khmer. TP HCM có nhiều tôn giáo và các tín đồ hòa nhập, không hề xung đột.
Đặc biệt, phẩm chất nghĩa tình đã trở thành đặc trưng trong văn hóa ứng xử, trong tư duy hành động của người dân TP HCM.Truyền thống văn hóa đó được hun đúc qua các thế hệ, để lại cho thành phố nhiều giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể.
Nói một cách ngắn gọn, TP HCM chung sống hài hòa trong đa dạng văn hóa và đó là biểu tượng, thương hiệu của TP HCM: "Thành phố mở".
Cần làm lan tỏa giá trị của TP HCM - một điểm đến thân thiện, hấp dẫn. Trong ảnh: Người dân dạo chơi phố lồng đèn ở quận 5 trước dịch Covid-19 (Ảnh: HOÀNG TRIỀU)
Cần làm lan tỏa giá trị của "Thành phố mở" bằng việc giữ gìn, bảo vệ những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.
Dùng công nghệ thông tin để quảng bá, giới thiệu ra thế giới về những giá trị văn hóa này của TP HCM. Tổ chức thường xuyên các diễn đàn hợp tác, sự kiện trong nước và quốc tế, giao lưu văn hóa thế giới; các lễ hội văn hóa gắn với truyền thống và hiện đại. Đầu tư và quảng bá các sản phẩm, dịch vụ mang đặc trưng riêng…
Khi thông điệp "Thành phố mở" được lan tỏa không chỉ giúp thu hút đầu tư, việc thực hiện xã hội hóa các lĩnh vực đang cần như giao thông, thoát nước, công nghệ kỹ thuật cao… có thể đem lại hiệu quả cao mà còn là cơ hội gây ấn tượng đẹp cho du khách và thu hút du lịch để phát triển kinh tế xanh.
Bạn đọc ĐINH THÀNH TRUNG:
Mở rộng quan hệ với các thành phố trên thế giới
Việc giao thương, kết nối giữa các thành phố với nhau là một quan hệ độc đáo đã hình thành từ lâu trên thế giới. TP HCM đã kết nghĩa với 40 thành phố nước ngoài có nền kinh tế mạnh, văn hóa nổi tiếng.
Việc dành cho các thành phố bạn những khu vực thể hiện bản sắc văn hóa, cuộc sống cũng như cho phép họ quảng bá sản phẩm cũng là một phần tạo động lực phát triển kinh tế.
Việc cần làm đầu tiên là quảng bá, tuyên truyền các mối quan hệ kết nghĩa với các thành phố lớn trên thế giới, lồng ghép vào đó tình đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua dịch bệnh.
Một trong những hành động đẹp là tổ chức tôn vinh văn hóa của các thành phố kết nghĩa; tạo các app giới thiệu trực tuyến vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, cuộc sống của các thành phố này; xây dựng bảo tàng, danh thắng tham quan trực tuyến để giới thiệu về văn hóa của cộng đồng người đến từ thành phố kết nghĩa đang sinh sống và làm việc tại TP HCM.
Bên cạnh đó, tổ chức các buổi triển lãm theo hình thức trực tuyến giới thiệu sản phẩm của các thành phố kết nghĩa; phối hợp với bạn để tổ chức giao thương, giới thiệu các mặt hàng nổi bật của TP HCM tại các thành phố kết nghĩa trên thế giới.
Với hình thức triển lãm trực tuyến và bán hàng trên mạng, mọi người trên thế giới đều có thể theo dõi, đặt hàng và tìm hiểu thêm về quan hệ giữa TP HCM với các thành phố nổi tiếng trên thế giới, qua đó nâng cao vị thế của TP HCM trong mắt bạn bè quốc tế.
Nghiên cứu đặt tên đường để thắt chặt quan hệ văn hóa là việc nên làm. Một tên đường của thành phố kết nghĩa ở TP HCM và tên đường TP HCM ở nước ngoài, tổ chức lễ hội văn hóa trên những con đường này là sự quảng bá không thể nào tốt hơn.
Đây sẽ là sức hút cho du lịch, thương mại…, vì khi có mối quan hệ thắt chặt hơn, các doanh nghiệp sẽ chú ý và có ý muốn đầu tư, đặt trụ sở ở nơi đã có mối quan hệ bền vững.
Đại dịch Covid-19 khốc liệt nhưng cũng mở ra các hướng đi mới sau khi được kiểm soát. Một trong những hướng đi đó là thắt chặt tình đoàn kết với các thành phố, địa phương trên thế giới. Các mối quan hệ đó phát huy tác dụng sẽ tạo sức bật cho việc vực dậy và phát triển nền kinh tế TP HCM.
Bạn đọc PHAN QUỐC ANH:
Điểm đến hấp dẫn
Sự phát triển năng động của TP HCM những năm gần đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của thế giới. Với lực lượng lao động trẻ, dồi dào, khả năng nắm bắt công nghệ tốt, TP HCM là một điểm đến đầu tư hấp dẫn về công nghệ cao. Chính công nghệ là chìa khóa để TP HCM phát triển mạnh mẽ, bền vững và toàn diện hơn.
Bên cạnh đó, TP HCM nên tổ chức một cách chuyên nghiệp những hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng đến khách du lịch quốc tế.
Ví dụ, tổ chức sự kiện hằng năm mang tên "Tuần lễ di sản", giới thiệu những công trình kiến trúc cổ có giá trị như Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, hệ thống viện bảo tàng, những ngôi nhà cổ… Cần ứng dụng công nghệ trong việc tôn tạo, bảo tồn, quảng bá một cách đa dạng, hấp dẫn.
Rừng ngập mặn Cần Giờ là một khu dự trữ sinh quyển độc đáo và rộng lớn đã được UNESCO công nhận.
Vấn đề biến đổi khí hậu đang được thế giới quan tâm, chúng ta cần đẩy mạnh và tổ chức nhiều hơn các hoạt động thu hút sự quan tâm của quốc tế, như những dự án trồng rừng ngập mặn, bảo vệ môi trường gắn liền với rừng ngập mặn…
Đó cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh TP HCM, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Mời tham dự cuộc thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề: 1. Các giải pháp nhằm duy trì; phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)