xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Dạy trẻ tạ mộ, tuốt lá mai để giữ hồn Tết Việt

Phan Loan

(NLĐO) - Tết Nguyên đán, nét truyền thống tinh thần của trẻ nhỏ nhà tôi không chỉ gắn với những lời chúc Tết và bao lì xì đỏ… mà trước đó, giáp Tết còn có phong tục tạ mộ cuối năm và tuốt lá mai

Bao năm qua, tôi luôn giữ nếp nhà là đưa các con về quê để cùng gia đình đi tạ mộ. Theo tục xưa truyền lại và cũng là truyền thống của dòng họ, cứ đến rằm tháng Chạp, gia đình tôi lại làm lễ tạ mộ.

Dạy trẻ tạ mộ, tuốt lá mai để giữ hồn Tết Việt - Ảnh 1.

Đầu năm đến nhà họ hàng chúc Tết, cây mai vàng rực trước sân làm người lớn và trẻ con trầm trồ

Quét mộ dạy trẻ lòng biết ơn, hiếu kính

Ở quê tôi, việc chuẩn bị đón Tết, đầu tiên phải kể đến là hoạt động đi tạ mộ cuối năm để sửa sang phần mộ của người thân, dòng họ cho gọn gàng, sạch đẹp như là dọn dẹp nhà cửa chào năm mới. Thời còn mộ đất, dụng cụ đi tạ mộ là dao, cuốc, xẻng, thùng nước… Người thì nhổ cỏ, người cuốc đất đắp cho mồ cao mả đẹp, người tưới nước cho đất nén lại. Trẻ con như tôi thời học sinh thì phụ gom cỏ, lá khô lại thành từng cụm để đốt cho sạch. Và vì vậy nên gia đình theo tục gọi đây là ngày "quét mộ" hoặc "dẫy mả".

Giờ kinh tế đầy đủ hơn, con cháu đã dành dụm xây được mộ gạch, mộ đá kiên cố. Tạ mộ ngày nay là lau, rửa hoặc sơn mới lại ngôi mộ, dẫu vậy vẫn có cắt, dẫy cỏ, làm sạch đất xung quanh phần mộ. Ngày lễ tạ mộ, đàn ông thì lo việc sửa sang mộ phần cho sạch đẹp, đàn bà thì nấu nướng một số món đặc trưng để cúng lễ.

Tạ mộ cuối năm còn là truyền thống chứa đựng những tình cảm gắn bó giữa những người có chung huyết thống; thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết trong dòng họ; giữ lòng hiếu lễ với tổ tiên và nét đẹp văn hóa truyền thống "uống nước nhớ nguồn" đáng quý của dân tộc Việt. Dịp này cũng là để mời ông bà tổ tiên, mời người thân về nhà cùng ăn Tết vào trưa ngày 30, khi gia đình cúng Tất niên.

Những đứa trẻ nhà tôi lớn lên ở thành phố, khi về quê cũng hồ hởi đi "quét mộ". Dù bọn trẻ chưa giúp được gì nhiều nhưng đó là dịp để người lớn trò chuyện, giải thích cho trẻ con về phong tục ngày Tết, với ý nghĩa để con cháu thể hiện lòng kính trọng, tưởng nhớ về những người đã khuất; bên cạnh đó là để tạ ơn thần linh, thổ địa, gia tiên đã bảo vệ đã phò hộ cho gia đình được bình an suốt năm.

Những cái chắp tay vái xá của các con còn vụng về, cây nhang do các con cắm cũng chưa thẳng thóm nhưng lòng các con đã có một cái Tết trọn vẹn.

Dạy trẻ tạ mộ, tuốt lá mai để giữ hồn Tết Việt - Ảnh 2.

Hoa đơm từng chùm, hương mai - hương Tết ngào ngạt trước sân nhà

Dạy trẻ tạ mộ, tuốt lá mai để giữ hồn Tết Việt - Ảnh 3.

Bọn trẻ tíu tít lặt lá mai trong niềm vui sướng

Hương mai, hương Tết

Sau lễ tạ mộ, tuốt lá mai là việc làm hằng năm của gia đình chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Để mai trổ vàng rực trong sân nhà ngay những ngày Tết thì những ngày giữa tháng Chạp, dù công việc cuối năm bận bịu, gia đình cũng phải quan sát nụ mai để tuốt lá đúng thời điểm.

Giữa vườn mai vàng và mai tứ quý um tùm lá, bọn trẻ vừa tuốt lá vừa tíu tít những chuyện như: Cây mai này ông trồng hả mẹ? Gốc cây mai to quá, nó được mấy tuổi rồi? Tại sao phải tuốt lá thì mai mới ra hoa? Cho mai trổ hoa vào dịp đầu năm mới để làm gì?...

Bọn trẻ sinh ra và lớn lên nơi đô thị nên có nhiều thắc mắc. Còn tôi, tôi và cây mai đã gắn bó nhau suốt thời đi học. Những ngày này, một buổi đi học, một buổi phải ở nhà tuốt lá mai. Tết quê tôi bên cạnh việc trưng chậu mai trong nhà thì phần lớn vẫn là cắt nhánh mai cắm vào bình trưng trên bàn thờ tổ tiên và đặt bình ở bàn giữa đón khách đến thắp hương cho ông bà và chúc Xuân.

Chiều ngày 29 và sáng 30 Tết, mẹ chặt từng nhánh mai, cẩn thận bó lại cho tôi mang ra chợ bán. Tiền bán mai là tiền để sắm sửa quần áo mới cho tôi và mua bánh mứt Tết cho gia đình. Trước khi cúng Tất niên 30 Tết, ba tôi cắt cho tôi một ít cành, mang biếu cho một số gia đình không có trồng mai để chưng Tết cho vui và thắt chặt tình nghĩa xóm giềng.

Dẫu bao năm đi nữa, tôi vẫn không quên buổi sáng mát dịu của Mùng 1 Tết, vừa mở cửa chào năm mới, hương hoa mai thơm nồng như ùa vào mặt và sân nhà vàng rực cánh hoa. Rồi mỗi sáng sớm đầu xuân bên tách trà nóng, ba và các bác hay ngồi trước thềm nhà ngắm nghía từng nhánh mai, gốc mai và tấm tắc trước những đóa mai đầu tiên vừa trổ. Từ đó tôi hiểu hoa mai đã gắn liền tính cách vừa mộc mạc, giản dị vừa coi trọng nhân nghĩa, đạo lý ở đời của con người Nam bộ.

Thời gian tiếp nối, Xuân có đổi mới, Tết có hiện đại, tôi vẫn không quên giữ cho các con của mình những hình ảnh, hoạt động quê hương mang biểu tượng độc đáo cho văn hóa Tết Việt.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo