Chuyên gia kinh tế cao cấp - TS LÊ ĐĂNG DOANH:
Chuyển đổi số là áp lực, cũng là cơ hội vàng
Theo dõi nhiều bài viết ở cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" trên Báo Người Lao Động, tôi thấy có rất nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, hữu ích, sát với tình hình thực tế của TP HCM.
Chẳng hạn, những ý kiến cho rằng TP HCM cần đào tạo nguồn cán bộ trẻ căn cứ vào yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố và số hóa thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Số hóa nền kinh tế cũng như mọi mặt trong đời sống xã hội cần thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ. TP HCM cần thiết lập những quy chế cần thiết để yêu cầu, ràng buộc các đơn vị hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp (DN)... thực hiện chuyển đổi số, áp dụng Chính phủ điện tử để công khai, minh bạch mọi hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận, làm việc.
Nếu chưa thực hiện được đồng bộ trên diện rộng, có thể triển khai thí điểm ở một số quận, huyện, DN..., rút ra bài học kinh nghiệm cho việc thực hiện lộ trình lâu dài, toàn diện.
TP HCM cần giải quyết rất nhiều vấn đề, đặc biệt là số hóa, nhằm phục vụ phát triển mạnh kinh tế - xã hội Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Với công tác đào tạo cán bộ, cần dựa trên 3 nguyên tắc chung: Có đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin, cán bộ chuyên trách về chuyển đổi số, kinh tế số; gấp rút đào tạo, bồi dưỡng lại đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các địa phương, DN trong việc vận dụng công nghệ thông tin, kỹ năng số và có chế tài bắt buộc, giám sát tốt để việc này đạt hiệu quả thực tế; có đề án tổng thể với những nội dung bao trùm, đầy đủ về cách vận hành bộ máy, vận hành nền kinh tế cũng như thay đổi về tư duy số, kỹ năng số trên nền tảng dữ liệu chung.
Chuyển đổi số là áp lực, cũng là cơ hội vàng cho TP HCM và cả nước. Xây dựng một phương án đồng bộ, phù hợp với thực tiễn là việc đầu tiên cần làm.
Ông VÕ KHÁNH DƯƠNG (Trung tâm Đào tạo quản trị và An ninh mạng ATHENA):
Bảo vệ dữ liệu là tối cần thiết
Nhiều hiến kế nhấn mạnh số hóa mọi lĩnh vực trong nền kinh tế đi đôi với phát triển dữ liệu số thay thế cho cách lưu trữ dữ liệu truyền thống.
Đây là những ý kiến xác đáng, phù hợp với xu thế của công nghệ 4.0. Số hóa còn cần được triển khai đến từng cấp địa phương như phường/xã, quận/huyện và liên thông với nhau để bảo đảm quản lý dữ liệu số đồng bộ.
Đặc biệt, các DN là hạt nhân của nền kinh tế cần đi đầu trong ứng dụng số hóa vào mọi khâu trong hoạt động sản - xuất kinh doanh, cùng với đó là chủ động quản trị thông tin số một cách nghiêm ngặt để phòng tránh rủi ro, thất thoát.
Hiện có rất nhiều nguy cơ đến từ việc DN thiếu giải pháp, kỹ năng bảo mật thông tin dẫn đến những thiệt hại là không tính toán được.
Việc bảo vệ dữ liệu là tối cần thiết trong bối cảnh ngày càng có nhiều DN cạnh tranh không lành mạnh. Chủ động chuẩn bị về mặt công nghệ, con người để chống lại việc ăn cắp dữ liệu cũng là một cách giúp kinh tế số phát triển, đóng góp vào tăng trưởng của TP HCM cũng như cả nước.
PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH (Học viện Tài chính):
Mạnh tay đầu tư số hóa
Để phát triển kinh tế - xã hội TP HCM, cần giải quyết rất nhiều vấn đề, trong đó quan trọng hàng đầu là đầu tư cho hệ thống y tế số, như ý kiến của một số tác giả. TP HCM xác định sống chung với dịch Covid-19 nên rất cần một hệ thống y tế đủ mạnh, linh hoạt với mọi tình huống.
Muốn vậy, phải đưa số hóa vào phát triển hệ thống y tế thông qua mô hình bệnh viện thông minh. Quan trọng là xác định được mô hình nào cho hợp lý để xây dựng bệnh viện thông minh với tính tiện ích, khả thi cao, dễ ứng dụng, mọi người dân đều tiếp cận được.
Để chuyển đổi số thành công với tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có những lĩnh vực cực kỳ quan trọng và sát sườn với người dân như y tế, giáo dục, cần nguồn lực không hề nhỏ.
TP HCM dù chịu không ít thiệt hại sau đợt dịch vừa qua song vẫn hoàn toàn đủ năng lực để đầu tư cho chuyển đổi số. Nếu thành phố thực sự quyết tâm, mạnh tay đầu tư số hóa cho các lĩnh vực cần thiết, chắc chắn sẽ thành công và trở thành mô hình cho các địa phương khác học tập.
Đề xuất hợp lý về quy hoạch
Theo TS-KTS Hoàng Ngọc Lan (Khoa Quy hoạch Trường ĐH Kiến trúc TP HCM), đọc những bài hiến kế cho cuộc thi, không khó nhận ra rất nhiều tâm huyết, trí tuệ và tình cảm của tác giả đối với TP HCM.
Điển hình bài viết "Quy hoạch ven sông để nâng tầm thành phố" là đề xuất hợp lý đối với một đô thị như TP HCM, khi quá trình đô thị hóa đang chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, chú trọng vào chất lượng sống của người dân đô thị để hướng đến một đô thị đáng sống (livable city).
Hiến kế "Quy hoạch, khai thác hiệu quả không gian ngầm" trong bối cảnh quỹ đất phát triển đô thị đã cạn kiệt, đặc biệt tại khu vực trung tâm TP HCM, cũng là đề xuất cần xem xét.
Cần lập bản đồ hiện trạng sử dụng không gian ngầm hiện nay tại khu vực lõi trung tâm TP HCM, trong đó xác định hiện trạng các chức năng không gian ngầm; lập đồ án quy hoạch không gian ngầm đô thị; hướng đến xây dựng đô thị theo mô hình "đô thị nén" (compact city), trong đó không gian đô thị vẫn phát triển nhưng không theo chiều rộng mà theo chiều đứng, cả về tầng cao và không gian ngầm.
Điều này liên quan đến phát triển hệ thống giao thông công cộng, hình thành các không gian đi bộ - xe đạp xung quanh các nút giao thông công cộng theo mô hình TOD.
Q.Anh ghi
Bình luận (0)