TP HCM - thành phố năng động, đầu tàu kinh tế của cả nước - có ảnh hưởng sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực, kể cả sự quản lý hành chính nhà nước.
Tập trung vào yếu tố con người
Với đặc thù của TP HCM, chuyển đổi số giúp người dân biết được nhiều thông tin hơn từ chính quyền.
Với doanh nghiệp, khi mức độ dữ liệu tăng lên, họ sẽ có những thông tin hữu ích về kinh tế, xu hướng phát triển tiêu dùng của xã hội, cũng như giúp họ tiếp cận khách hàng nhanh hơn, từ đó chất lượng sản phẩm sẽ được bảo đảm, uy tín doanh nghiệp cũng tăng. Ngoài ra, chi phí sản phẩm bởi sự vận hành, thuế, bảo dưỡng, bảo trì, dịch vụ sẽ giảm đáng kể.
Việc chuyển đổi số sẽ giúp tiết kiệm thời gian đối với người dân sử dụng dịch vụ công. Khi hệ thống dữ liệu được cập nhật nhiều hơn, cơ quan quản lý nhà nước hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra trong nền kinh tế địa phương, vì thế sẽ khắc phục cũng như phát huy hết thế mạnh mà địa phương vốn có. Khi chuyển đổi số thành công, tất nhiên việc "toàn cầu sẽ đến địa phương", sự hội nhập với quốc tế của TP HCM càng sâu rộng hơn.
Việc quan tâm tuyển chọn cán bộ, công chức trẻ giỏi ứng dụng kỹ năng số cũng rất quan trọng. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khi ứng dụng nền tảng số vào sản xuất - kinh doanh, việc làm cho người lao động hẳn nhiên có thể giảm đi nhưng việc làm mới sẽ tăng lên trong lĩnh vực các ngành dịch vụ hiện đại. Việc làm mới được tạo ra chủ yếu do kỹ năng của lực lượng lao động phù hợp, đáp ứng được những yêu cầu mà nền tảng số đang có.
Từ những phân tích trên, có thể thấy nếu TP HCM muốn chuyển đổi số thành công, cần tập trung vào yếu tố con người, nếu không thì sẽ không đạt kết quả như mong đợi.
Chú trọng nguồn lao động trẻ
TP HCM nâng cao kỹ năng số cho người lao động là việc trong tầm tay. Thế nhưng, lực lượng nào cần được quan tâm đầu tiên khi nói nhân tố con người quyết định sự thành công của chuyển đổi số?
Hiện nay, TP HCM là nơi tập trung số lượng lớn các trường đại học, cao đẳng so với cả nước. Cho nên, nguồn lao động trẻ hằng năm được đào tạo từ các cơ sở giáo dục này đã và đang đáp ứng nhu cầu việc làm của xã hội rất lớn.
Theo các nhà chuyên môn, việc thích ứng nền tảng số có độ trẻ nhất định. Vì vậy, việc nâng cao kỹ năng số phải được đưa vào chương trình đào tạo trong các trường đại học, cao đẳng. Đồng thời, các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề của TP HCM cần nâng cao chất lượng hơn theo hướng "Việt hóa các nguồn tài nguyên giáo dục mở quốc tế".
TP HCM cần hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận về giáo dục cho sinh viên. Với du học sinh nước ngoài đang học tập tại TP HCM, nên tối ưu hóa thời gian giảng dạy, chi phí học tập tương đương sinh viên trong nước. Nếu tạo môi trường giáo dục thuận lợi thì khi ra trường, những du học sinh này cũng là nguồn nhân lực đáng kể cho việc chuyển đổi số ở TP HCM.
Giữa cơ sở giáo dục và người sử dụng lao động tưởng chừng không liên quan nhưng xét trên bình diện xã hội, có sự tương hỗ lẫn nhau, bởi TP HCM tập trung nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài đến đầu tư. Khi số lượng lao động trẻ đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, niềm tin về "vùng đất lành" sẽ được nâng cao hơn. Các nhà đầu tư tin tưởng nguồn lao động có tay nghề ở địa phương, họ sẽ không sợ gãy đổ nguồn cung ứng lao động, thậm chí sẵn sàng đầu tư sản xuất vì nguồn lao động dồi dào, tay nghề cao, giá cả phải chăng.
TP HCM cũng cần nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị. Ngoài những tiêu chí tuyển dụng theo quy định hiện hành thì việc quan tâm tuyển chọn cán bộ, công chức trẻ giỏi ứng dụng kỹ năng số cũng rất quan trọng.
Song song đó, việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, ứng dụng nền tảng số vào việc quản lý hành chính nhà nước cũng cần tiến hành liên tục, hiệu quả. Khi hoạt động của chính quyền đô thị có hiệu lực, nhanh chóng, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng đời sống của người dân; góp phần cải thiện môi trường đầu tư… thì TP HCM càng trở nên hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong nước nói chung, nhà đầu tư nước ngoài nói riêng.
TP HCM cũng cần phải chú trọng hơn nữa việc xây dựng, phát triển bộ máy cán bộ quản lý có kỹ năng quản trị doanh nghiệp chuyên nghiệp, giàu bản lĩnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và thế giới trong tình hình hiện nay.
Với doanh nghiệp, điều quan trọng trong chuyển đổi số chính là thay đổi văn hóa doanh nghiệp. Người lao động trong mỗi doanh nghiệp ở TP HCM cần được kết nối với sự thay đổi, làm việc trong môi trường năng động và khoa học. Doanh nghiệp cần hoàn thiện thêm hệ thống đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ nâng cao tay nghề cho người lao động. Việc hỗ trợ từ chính quyền thành phố cho doanh nghiệp trong đào tạo đội ngũ người lao động là cần thiết.
Ứng dụng, phát triển nền tảng số thành công, TP HCM sẽ trở thành nơi có nền kinh tế số hấp dẫn đối với khu vực và cả thế giới.
Mời gửi bài dự thi
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 3 tập trung vào 3 chủ đề:
1. Các giải pháp nhằm duy trì, phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước sau đại dịch Covid-19; 2. Hiến kế để TP HCM giữ vững là đầu tàu kinh tế của cả nước; 3. Làm gì để chuyển đổi số thành công?
Tác phẩm tham dự cuộc thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn; chưa từng gửi đăng bất kỳ trên báo, tạp chí nào; không được gửi cho nơi khác, cuộc thi khác. Cuối tác phẩm ghi rõ tên tác giả, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hàng.
Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích: 10 triệu đồng/giải.
Bình luận (0)