Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) sẽ có công suất thiết kế mở rộng nhà ga T1 và T2 hiện hữu đạt khoảng 30 triệu lượt khách/năm, đặc biệt là phê duyệt bổ sung nhà ga hành khách T3 công suất 20 triệu lượt khách/năm, nâng công suất của toàn sân bay đạt 50 - 55 triệu lượt khách/năm, để đáp ứng nhu cầu thực thế đi lại và vận chuyển của khu vực.
Rà soát, triển khai thực hiện theo quy hoạch
Trước cơ hội và thách thức nêu trên, quy hoạch phát triển TP HCM cần chủ động tận dụng, khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng - thế mạnh sẵn có trong mối quan hệ phát triển tương hỗ, cộng sinh cùng với sân bay TSN. Đồng thời, cần có các giải pháp kịp thời để giảm nhẹ các tác động không mong muốn đến sự phát triển chung của thành phố.
Cụ thể, TP HCM nên tập trung vào 2 việc: Rà soát, điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị để bổ sung hoặc tăng quy mô các chức năng đô thị, đáp ứng nhu cầu phát triển của sân bay TSN về hạ tầng kỹ thuật (đặc biệt hạ tầng giao thông kết nối sân bay này với các khu vực trong TP HCM và các tỉnh, thành lân cận) và hạ tầng xã hội (công viên cây xanh, thương mại - dịch vụ), khu công nghệ cao, nông nghiệp kỹ thuật cao, khu công nghiệp...
Nhanh chóng triển khai thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt, đáp ứng nhu cầu thực tế phát triển của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Thông thường, hạng mục hạ tầng giao thông đô thị (gồm các công trình đầu mối giao thông: nhà ga, các tuyến đường giao thông) và hạ tầng xã hội thiết yếu (công viên cây xanh, công trình văn hóa, giáo dục, y tế...) sẽ được đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, theo đúng ranh diện tích đường giao thông, ranh diện tích công trình hạ tầng xã hội thiết yếu đã được quy hoạch.
Với nguồn ngân sách được giữ lại để tái đầu tư phát triển còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế về đầu tư và phát triển của thành phố, TP HCM cần có giải pháp triển khai thực hiện hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội kết nối sân bay TSN, hạn chế sử dụng vốn ngân sách.
Đây thật sự là cách làm mới cần thiết để đẩy nhanh tốc độ phát triển của TP HCM nói chung và phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội kết nối sân bay TSN nói riêng, theo định hướng phát triển đã được xác định.
Dự án mở tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè) đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn cho TP HCM và khu Nam. Trong ảnh: Dãy đô thị hai bên đường Nguyễn Hữu Thọ
Giải pháp cho hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội
Hạ tầng giao thông kết nối trực tiếp và gián tiếp với sân bay TSN bao gồm giao thông đường bộ và các tuyến metro.
Với giao thông đường bộ, cần điều chỉnh quy hoạch, mở rộng ranh dự án đường giao thông, hợp nhất dự án đường giao thông kết hợp dự án khu dân cư hai bên đường, tạo thành dự án dãy đô thị phức hợp hoàn chỉnh trung và cao tầng (bổ sung hạ tầng giao thông - bãi đậu xe, công viên cây xanh - sân chơi, vườn hoa, hạ tầng xã hội...) để kêu gọi đầu tư.
Với tuyến metro, cần điều chỉnh quy hoạch, mở rộng ranh dự án các nhà ga metro, hợp nhất dự án nhà ga với khu đô thị xung quanh. Trong đó, nhà ga được xác định là trung tâm để tạo thành dự án khu đô thị phức hợp hoàn chỉnh trung và cao tầng, kêu gọi đầu tư. Bán kính các khu đô thị phức hợp xung quanh nhà ga khoảng 800 - 1.000 m.
Quỹ đất để phát triển các công trình hạ tầng xã hội, đặc biệt là quỹ đất công để phát triển các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu, thường rất hạn chế.
Nguồn tài chính để thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách thường có giới hạn, không theo kịp nhu cầu phát triển không gian đô thị phục vụ cư dân tại TP HCM.
Vì vậy, cần điều chỉnh quy hoạch, mở rộng ranh dự án các công trình hạ tầng xã hội, hợp nhất dự án công trình hạ tầng xã hội kết hợp khu dân cư, tạo thành khu dân cư (hoặc khu đô thị) phức hợp hoàn chỉnh trung và cao tầng (nhà ở + thương mại dịch vụ - bãi đậu xe) kết hợp công trình hạ tầng xã hội như: khu đô thị Ga Sài Gòn - TP Thủ Đức, khu dân cư Bến xe Miền đông - TP Thủ Đức... để kêu gọi đầu tư.
Các dự án cải tạo và phát triển đô thị phải kết hợp 2 mục tiêu kinh doanh và phục vụ cộng đồng, bảo đảm phù hợp quy hoạch chung của TP HCM, đúng quy định pháp luật.
Các dự án này cũng cần khả thi về hiệu quả kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo được sự đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản, theo hướng sử dụng tối đa nguồn vốn xã hội hóa, sử dụng tối thiểu vốn ngân sách.
Kết quả đạt được từ giải pháp
Giải pháp trên giúp giảm tỉ lệ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đối với các dự án đầu tư thực hiện công trình phục vụ cộng đồng từ 100% xuống còn 50%, 40% hay thậm chí là 0%; đồng thời tăng tỉ lệ đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa từ 0% có thể lên đến 100% (tùy thuộc vào vị trí, quy mô, diện tích, tính chất, hiện trạng sử dụng đất, hiện trạng kiến trúc - cảnh quan của dự án).
Trong đó, khả năng cân bằng vốn của dự án tùy thuộc chính vào quy mô của dự án khu nhà ở phức hợp được quy hoạch xung quanh các công trình phục vụ công cộng.
Giải pháp giúp tăng nguồn thu ngân sách cho TP HCM từ việc gia tăng giá trị bất động sản được hưởng lợi (trực tiếp - gián tiếp) từ các dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ cộng đồng, đồng thời giúp tạo sự đồng thuận của toàn xã hội.
Dự án mở tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè) là một điển hình thành công, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội to lớn cho TP HCM và khu Nam.
Bình luận (0)