Phóng viên: Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM vừa có văn bản gửi bà về việc tháo gỡ những bất cập trong quy định đưa người nghiện đi cai tập trung. Quan điểm của bà như thế nào?
- Bà Trương Thị Mai: Điều kiện, thủ tục đưa một người nghiện ma túy vào các trại cai nghiện tập trung rất nhiêu khê, phức tạp. Quá trình làm hồ sơ này đang vướng ở nhiều cơ quan.
Còn đối với tòa án lại không vướng, cứ đưa hồ sơ thì tòa sẽ xem xét, quyết định thôi. Quyết định đưa người nghiện ma túy vào các trại tập trung, cơ sở cai nghiện bắt buộc bằng một quyết định của tòa án là xu hướng tiến bộ. Khi hạn chế quyền tự do của một công dân thì phải tuân theo một quy trình nghiêm ngặt và giao cho tòa án thì tốt hơn giao cho một cơ quan hành chính.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH đã nhận được văn bản kiến nghị của TP HCM và chúng tôi hiểu được sự nghiêm trọng khi không thể đưa người nghiện đủ điều kiện vào cai nghiện bắt buộc. Chúng tôi đang hoàn thiện báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ QH đề nghị ủy ban chủ trì họp với TP HCM, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan liên quan và một số địa phương khác cũng đang chịu áp lực tương tự để xem xét kiến nghị của TP HCM.
Khi nào thì họp và xem xét những vấn đề này, thưa bà?
- Khi nào họp thì phải chờ Ủy ban Thường vụ QH. Trong cuộc họp này sẽ xem xét 2 vấn đề: Tổ chức thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với việc đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc đang vướng chỗ nào để yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương tháo gỡ và xem xét kiến nghị của TP HCM.
Văn bản của Ủy ban Về các vấn đề xã hội nội dung cụ thể như thế nào?
- Một là chúng tôi thấy đề xuất của TP HCM phản ánh đúng thực tiễn. Hai là đưa ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính liên quan đến cai nghiện bắt buộc mà qua phiên giải trình và giám sát của ủy ban như chậm ban hành văn bản, chưa đồng bộ, thủ tục hồ sơ rất phức tạp.
Trong phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH tổ chức ngày 27-9 vừa qua, Bộ Tư pháp báo cáo có khoảng 12 - 16 biểu mẫu cho quy trình thủ tục đưa người đi cai nghiện tập trung. Tôi nghĩ đưa một người đi cai nghiện đến tòa án mà có đến mười mấy cái biểu mẫu như thế thì làm đến lúc nào mới xong. Hay quy định về tổ chức xã hội thực hiện thì tổ chức xã hội nào? Ngoài ra có một số vấn đề khác như thời hiệu đang còn có sự vênh nhau giữa các văn bản pháp luật.
Phải khẩn trương tháo gỡ sớm ngày nào tốt ngày đó, không chỉ đối với TP HCM mà còn nhiều địa phương khác.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận thủ tục nhiêu khê
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền vừa ký báo cáo về tình hình nghiện ma túy, công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện gửi các ĐBQH.
Theo đó, đến cuối tháng 9-2014, cả nước có 204.377 người nghiện ma túy. Số người nghiện có hồ sơ quản lý đã tăng gần 4 lần trong 20 năm kể từ năm 1994 đến nay. Người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố, gần 90% quận, huyện và khoảng 70% số xã, phường, thị trấn. Người nghiện cũng đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội: học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động…
Đáng chú ý, đến tháng 9-2014, chỉ có 10 tỉnh, thành phố tổ chức đưa được 33 người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quyết định của tòa án cấp huyện. “Việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc và quản lý người nghiện không có nơi cư trú ổn định theo Luật Xử lý vi phạm hành chính là rất khó thực hiện. Vì vậy, số người nghiện ngoài cộng đồng gia tăng gây mất trật tự an ninh xã hội, bức xúc trong nhân dân” - bà Chuyền nhận định.
Bình luận (0)