30 Tết năm ngoái, bạn bè đến nhà tôi họp mặt cuối năm. Dù sống ở miền quê, xung quanh có cây cối, không khí thoáng mát cộng với trong nhà mở quạt máy chạy hết công suất nhưng vẫn không xua tan không khí bức bối do thời tiết giao mùa cuối năm và âm thanh chói tai từ dàn nhạc karaoke ở dãy nhà trọ cách nhà tôi chừng 20 m. Chúng tôi bị buộc phải nghe liên khúc từ nhạc vàng đến nhạc trữ tình, nhạc trẻ… Người hát, nhạc đệm chát tai chẳng thấy ăn nhập vào nhau. Tội nghiệp bạn bè tôi ăn uống không vô.
Quá sức chịu đựng, tôi gọi điện thoại cho chủ nhà trọ phàn nàn. Nghe tôi trình bày, chủ nhà trọ nói: "Họ ở địa phương khác đến đây ở, ai cũng có máu văn nghệ. Nhậu vào thì hát cho vui, "tình thương mến thương". Tết mà, cho họ chơi thoải mái đi".
Tôi kiên quyết: "Một là tôi điện thoại nhờ công an địa phương đến nhắc nhở; hai là anh trực tiếp xuống nhắc họ điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe hoặc đóng kín cửa lại hát để tự nghe xem có điếc tai không". Kết quả 10 phút sau, âm thanh dàn karaoke đã được điều chỉnh vừa phải, người hát cũng ít gào thét hơn.
Chuyện gia đình tổ chức hát karaoke khi nhà có đám tiệc là chuyện riêng, vì vậy phải biết chọn thời điểm thích hợp, điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe để không làm phiền hàng xóm. Bởi không phải ai cũng thích nghe hát, nhất là tiếng hát của những người say xỉn.
Riêng với những ai bị "tra tấn" bởi tiếng hát karaoke, cần góp ý với lời lẽ phù hợp kèm theo thái độ kiên quyết, tuyệt đối không quát mắng, chê bai dễ dẫn đến hành động bột phát nguy hiểm. Nếu họ không hợp tác, vi phạm thường xuyên làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình và khu dân cư, cần làm đơn khiếu nại gửi đến UBND phường, xã để giải quyết; kèm theo đó là chứng cứ chứng minh hành vi hát karaoke gây ra tiếng ồn.
Ngoài ra, sự quyết liệt của địa phương trong việc xử lý tiếng ồn sẽ góp phần đáng kể trong việc bài trừ tệ nạn này. Bên cạnh đó, các nhà làm luật cần sớm điều chỉnh quy định pháp luật, chế tài xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn ở khu dân cư, tránh tình trạng cha chung không ai khóc.
Bình luận (0)