Có thể thấy thời gian qua, TP HCM đã tổ chức rất nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân không xả rác bừa bãi ra môi trường, mà gần đây nhất là Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động "Người dân TP HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước".
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 19-CT/TU, cả hệ thống chính trị TP đã vào cuộc một cách quyết liệt, nghiêm túc. Cấp ủy, chính quyền các cấp, MTTQ Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, phong trào, mô hình cụ thể. Trong đó tập trung vào công tác phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân; giải quyết, xử lý triệt để các tụ điểm tồn đọng rác thải, nước thải gây ô nhiễm môi trường; tổ chức tiếp xúc, đối thoại với người dân; phân công cụ thể công việc cho từng cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý…
Rác ngập miệng cống trên đường Nguyễn Văn Bảo (trước cổng Trường ĐH Công nghiệp, quận Gò Vấp, TP HCM) Ảnh: TRÚC MY
Chỉ thị 19-CT/TU đã tạo được sự đồng thuận cao của người dân TP; thúc đẩy trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị trong công tác bảo vệ môi trường; nhận thức của người dân TP, của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh về bảo vệ môi trường, không xả rác ra đường và kênh rạch, thải rác đúng nơi quy định đã có sự chuyển biến tích cực. Tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn TP nhìn chung có cải thiện, nhiều "điểm đen" về rác thải, ao tù nước đọng gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân đã được các địa phương tập trung xử lý dứt điểm.
Tuy nhiên, tình trạng vứt rác bừa bãi, phát, rải tờ rơi quảng cáo vẫn còn diễn ra ở nhiều khu vực, tuyến đường, gốc cây, trụ điện, thành cầu, dạ cầu, kênh rạch…; việc xử lý rác thải ra đường và kênh rạch, xử lý "điểm đen" về ô nhiễm chưa được giải quyết triệt để…
Nguyên nhân chủ yếu của vấn đề trên là nhận thức về trách nhiệm của địa phương, nhất là của người đứng đầu chưa đầy đủ, toàn diện nên chỉ đạo chưa quyết liệt, đồng bộ, thường xuyên liên tục, mang nặng về hình thức. Đặc biệt, ý thức của một bộ phận người dân chưa cao trong việc giữ gìn vệ sinh chung, chưa hình thành thói quen, tự giác trong cuộc sống. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý những vi phạm về môi trường chưa thường xuyên và thiếu kiên quyết. Trên thực tế, hầu như rất ít người vi phạm bị xử phạt, vì thế làm nảy sinh tình trạng "nhờn" luật.
Tăng trách nhiệm địa phương, huy động toàn dân
Luật sư (LS) Võ Đan Mạch (Đoàn LS TP HCM) cho rằng hiện nay, quy định của pháp luật liên quan đến các chế tài mà thể hiện rõ nhất là việc xử phạt vi phạm hành chính những cá nhân tổ chức có hành vi xả rác, gây ô nhiễm môi trường là không hiếm nhưng để áp dụng khả thi các chế tài đó lại là vấn đề còn khá nan giải, còn nhiều bất cập.
"Thứ nhất, hành vi vi phạm mang tính phổ biến, thường xuyên nên để xác định một chủ thể nào đó có hành vi vi phạm, bị bắt quả tang là không dễ. Thứ hai, liên quan đến chủ thể có thẩm quyền xử phạt, theo quy định của pháp luật, chỉ có những chủ thể được liệt kê trong luật thì mới có thẩm quyền xử lý. Trong khi đó, đa phần lực lượng phát hiện vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường không có thẩm quyền nên việc xử lý khó thực hiện. Thứ ba, về chế tài, Nghị định 155/2016/NĐ-CP đã quy định cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng, tùy từng hành vi, mức độ vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ngoài ra, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 tại điều 235 cũng quy định chi tiết về tội gây ô nhiễm môi trường và mức hình phạt. Như vậy, quy định về các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng đã có. Vấn đề đặt ra là chúng ta áp dụng như thế nào, nhất là với những hành vi mang tính chất vi phạm nhỏ, khó bị phát hiện thì lại là một câu hỏi mà có lẽ những quy định của pháp luật hiện nay chưa thể thực thi" - LS Mạch phân tích.
Cũng theo LS Mạch, cần có sự phối kết hợp nhiều phương án mang tính khả thi hơn. Cụ thể, bên cạnh công tác tuyên truyền, phải kết hợp với chế tài xử phạt, tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan, đưa ra những phương án phân cấp, quy định thêm chủ thể có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm. Ngoài ra, cần huy động vai trò của từng người dân, cộng đồng dân cư trong việc cùng tham gia phát hiện, ghi hình vi phạm; lắp đặt thêm hệ thống camera quan sát để có thể phát hiện và ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm.
Còn theo chuyên gia xã hội học Phan Thị Kiều Duyên, sau thời gian tuyên truyền mà vẫn không thay đổi được thói quen xấu thì cần kiên quyết xử phạt để răn đe. Cách làm này đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục ý thức cho người dân.
"Một bộ phận người dân xả rác bừa bãi phần là do ở những khu vực công cộng thiếu thùng đựng rác. Có những trạm xe buýt mỗi ngày đón cả ngàn lượt khách nhưng không có thùng rác. Phần vì ý thức của người dân chưa cao trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Không ít phụ huynh vô tư "lệnh" cho con ném hộp sữa đã uống xuống đường. Như vậy, ở trường thầy cô dạy trẻ không được xả rác nhưng về nhà cha mẹ bảo ngược lại. Sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình hầu như không có. Ngoài ra, sự khác biệt giữa các nước tiên tiến và Việt Nam còn nằm ở chỗ nhân viên vệ sinh ở các nước đó dọn dẹp đường sá mọi lúc, mọi nơi; còn ở các TP lớn của chúng ta có những con đường nhiều ngày không được quét dọn. Nói tóm lại, để hạn chế việc xả rác thì ngoài việc tuyên truyền, cần mạnh tay xử phạt; đồng thời, xem lại trách nhiệm của các cơ quan môi trường đô thị trong việc thu gom, xử lý rác thải" - bà Kiều Duyên nêu.
Làm cho lan tỏa hành động vì môi trường
TP HCM có dân số hơn 13 triệu người, hằng ngày thải ra lượng rác khổng lồ, hơn 10.000 tấn. Cơ quan nhà nước đóng vai trò quan trọng trong ngăn ngừa, xử lý xả rác, bảo vệ môi trường. Vì vậy, cần có những mệnh lệnh hành chính mang tính đột phá, ban đầu có thể vấp phải sự phản ứng nhưng mang đến hiệu quả lớn. Ví dụ có thể khởi xướng, hạn chế dần rồi tiến tới cấm sản xuất và sử dụng các vật dụng hằng ngày trong tiêu dùng mà không tái chế được. Mỗi gia đình phải có thùng rác riêng biệt, phân loại rác từ giấy, nhựa, sản phẩm điện tử...
Đã đến lúc sử dụng công nghệ hiện đại xử lý rác bằng cách tái chế, tiêu hủy nhanh. Bảo vệ môi trường chỉ tuyên truyền thì chưa đủ, khó thuyết phục những thói quen cố hữu. Cần hệ thống pháp luật theo cơ chế đặc thù, phù hợp thực tế, xử lý nghiêm các trường hợp xả rác bừa bãi. Tùy khu vực nội - ngoại thành, trung tâm thương mại, khu công nghiệp... để ban hành quy ước ứng xử với môi trường tự nhiên và không xả rác. Quy ước đặt ra kèm theo hình phạt cụ thể, bắt buộc tuân thủ. Những ai vi phạm sẽ gặp bất lợi, không chỉ mặc cảm với bản thân mà còn đối mặt với các nhóm người, tổ chức, tập thể, cộng đồng, xã hội. Địa phương này làm tốt đã có thay đổi theo hướng ngày càng tích cực, tạo nên môi trường xanh - sạch - đẹp; địa phương khác sẽ tự hỏi: "Sao nơi mình không làm giống nơi đó?". Cứ như vậy sẽ trở thành làn sóng vì môi trường.
Ở nội thành, quảng cáo phải đúng nơi quy định, không thể phát tờ rơi quảng cáo rồi xả rác. Ngay bây giờ có thể rà soát, quy hoạch nơi dành riêng cho quảng cáo, kiểm tra chặt chẽ hoạt động quảng cáo, xử phạt các cá nhân và tổ chức thực hiện quảng cáo trái phép. Tuyên truyền người đi đường không nhận tờ rơi quảng cáo nếu không có nhu cầu, đọc xong không vứt bừa bãi. Trên đường phố, đặt thùng đựng rác công cộng với khoảng cách 100 m. Cứ 2 nhà mặt tiền đặt riêng thùng rác, bỏ rác đúng giờ, vi phạm sẽ bị phạt, lần sau phạt gấp đôi lần trước đó.
Ở ngoại thành, tùy khoảng cách và điều kiện phù hợp có thể xây bể chứa rác trên cánh đồng và nơi nhiều người qua lại như nút giao, ngã ba, ngã tư, khu sinh hoạt cộng đồng. Những ai có đồ gia dụng hư hỏng không còn sử dụng, rác thải cần vứt đi thì đem đến bỏ vào bể chứa rác để đơn vị thu gom xử lý theo quy trình.
Phường, xã nào cũng có những nhóm tình nguyện thu gom rác điện tử, rác nhựa tại nhà dân vừa tạo sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng vừa tuyên truyền ý thực đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, khuyến khích mỗi gia đình đều phân loại rác tại nhà.
Đỗ Ngô Trần
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-5
Bình luận (0)