Tính đến nay, chương trình "Tình thương cho em" do Báo Người Lao Động phát động, thực hiện đã đến thăm và gửi tặng 130 suất hỗ trợ (5 triệu đồng/suất) cho trẻ mồ côi vì Covid-19.
Nước mắt trẻ thơ
Một trong những hoàn cảnh khiến chúng tôi nhớ nhất là em N.Đ.B (phường Tam Phú, TP Thủ Đức, TP HCM), con trai của thầy giáo Nguyễn Văn Châu. Từ nhỏ, B. đã quen với sự bảo bọc của cha mẹ, em không thể ngờ chỉ trong vài ngày, dịch bệnh đã cướp đi cả cha lẫn mẹ, biến em thành trẻ mồ côi. 17 tuổi, những ngày tháng sắp tới em vừa phải tự lo cho bản thân vừa chăm sóc người anh (SN 1997) mắc hội chứng Down.
"Ba mẹ là chỗ dựa tinh thần lớn nhất của em. Ba dạy toán nên đã truyền cho em niềm đam mê đặc biệt với toán học. Những năm qua, em đoạt giải cao trong các cuộc thi về toán do địa phương tổ chức. Năm nay, em quyết tâm giành huy chương trong cuộc thi Olympic toán sắp tới, như một món quà gửi tặng ba mẹ nơi xa, mong ba mẹ vui lòng. Điều em lo nhất bây giờ là anh trai, em phải dành nhiều thời gian hơn cho anh để anh không sốc khi mất đi tình thương và sự chăm sóc của ba mẹ" - B. tâm sự với chúng tôi.
Chương trình “Tình thương cho em” trao hỗ trợ cho bé N.N.B.T tại quận Phú Nhuận (TP HCM). Ảnh: LÊ VĨNH
Câu chuyện về cô bé 10 tuổi tên T.A, chăm ngoan, học giỏi ở xóm lao động nghèo (xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP HCM) cũng khiến chúng tôi băn khoăn mãi. Từ lúc lọt lòng, T.A đã không có cha, đợt dịch vừa qua, em lại mất mẹ. Dù có ông bà ngoại động viên, an ủi, chăm sóc nhưng dường như không làm sao có thể lấp đầy trái tim đau thương của em. Ra về mà ánh mắt đau buồn và giọng nói nấc nghẹn của T.A cứ ám ảnh chúng tôi: "Con nhớ mẹ lắm. Con không có cha, cũng không có mẹ nữa rồi".
Với 2 em T.V.T.P (học sinh lớp 11) và T.T.H.T (sinh viên năm 3), dù đã đủ lớn và quen với cảnh cha là thuyền trưởng tàu đánh cá xa bờ (đoàn viên của Nghiệp đoàn Nghề cá Vĩnh Phước, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), thường xuyên xa nhà lâu ngày nhưng khi cha bất ngờ bị dịch bệnh cướp đi mạng sống, mọi thứ trước mắt các em bỗng chốc trống trải, chông chênh. Cha các em là lao động chính, mẹ chỉ làm nội trợ, vá lưới thuê. T. cho biết bây giờ em sẽ vừa học vừa phụ mẹ lo kinh tế gia đình. Đợi tình hình dịch bệnh ổn, em sẽ xin đi làm thêm.
Còn tại xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, chứng kiến căn nhà nhỏ hẹp, trống trước hụt sau, tất cả thành viên trong đoàn công tác đều nghẹn lòng. Tiếp chúng tôi, cha của N.N.G (SN 2015) tâm sự: "Vợ tôi mắc Covid-19 và ra đi khi mang thai tháng thứ 7. Lúc rời nhà vào bệnh viện điều trị Covid-19, vợ tôi còn dặn nhớ chăm sóc con trai, đừng để nó khóc vì đêm ngủ không có mẹ. Vợ tôi còn nhờ bác sĩ quay lại clip gửi để cha con tôi yên tâm là cô ấy khỏe mạnh. Nào ngờ đây là khoảnh khắc cuối cùng của cô ấy. Thằng nhỏ hay coi clip của mẹ lưu trong chiếc điện thoại cũ của tôi. Nó cứ nghĩ mẹ còn sống, sẽ sinh em bé đem về cho nó".
Sự hỗ trợ kịp thời
Vợ mất sau 10 ngày sinh con, gia đình hai bên ở xa, một mình anh Trần Hữu Nam (SN 1977; ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM) vừa xoay xở chăm sóc con vừa lo tính sinh kế cho những ngày tháng sắp tới. "Con mới sinh không thể gửi ai chăm, tôi phải ở nhà chăm con. Tiền dành dụm đã gần cạn mà phải lo sữa, tã cho con, lo ăn uống cho mình, đôi lúc tôi không biết phải tính sao. Sự động viên của quý báo, sự hỗ trợ của chương trình như chiếc phao cứu sinh của cha con tôi lúc này…" - anh Nam rưng rưng.
Cầm 5 triệu đồng do bạn đọc Báo Người Lao Động ủng hộ, chị Trần Thị Hoa (ngụ phường 12, quận 6, TP HCM) nghẹn ngào. Chồng mất do Covid-19, bỏ lại chị và 4 con thơ mà đứa lớn nhất chỉ mới 12 tuổi. "Lúc này, sự hỗ trợ của chương trình đã tiếp thêm động lực cho mẹ con tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này. Rồi tôi sẽ sắp xếp lại để gồng gánh nuôi các con nên người" - chị Hoa bày tỏ.
Với bà Nguyễn Thị Diễm T. (xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), chồng đột ngột mất vì Covid-19, để lại cho bà gánh nặng 3 con, trong đó 2 bé gái song sinh 4 tuổi (T.G.H và T.B.H) bị tự kỷ, luôn cần có người bên cạnh chăm sóc. Bằng giọng nói đứt quãng, bà T. cho biết sắp tới sẽ cố gồng gánh, kiếm tiền nuôi các con và lo điều trị cho 2 con gái. Hai suất hỗ trợ này sẽ giúp mẹ con bà ổn định cuộc sống trước mắt. Bà T. xúc động nói lời cảm ơn các nhà hảo tâm và Báo Người Lao Động đã quan tâm, động viên mẹ con bà vượt qua lúc khó khăn, bí bách này.
Chung tay trao yêu thương
Khi chương trình "Tình thương cho em" được phát động, rất nhiều bạn đọc đã gửi đến chương trình những lời cảm ơn đầy trân quý: "Cảm ơn đơn vị tổ chức đã thực hiện chương trình hết sức ý nghĩa để mọi người có cơ hội chung tay trao yêu thương đến các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn", "Cảm ơn chương trình, chúc chương trình sẽ nhận được thật nhiều quyên góp và mong các em được che chở, hỗ trợ, có cuộc sống tốt", "Mong các anh chị giúp các em vượt qua khó khăn"...
Song song đó, thông qua ví MoMo, ZaloPay, nhiều nhà hảo tâm còn gửi hàng ngàn lời động viên, chia sẻ đến những hoàn cảnh kém may mắn như: "Mong các bé thật mạnh mẽ và nhiều sức khỏe", "Cố lên các con, mạnh mẽ và tự tin hơn", "Của ít lòng nhiều, mong các em vượt qua nỗi đau"... Nhiều bạn đọc kêu gọi "Cùng chung tay sẽ giúp đỡ phần nào cho các bé", "Mỗi người một ít, tích tiểu thành đại"...
Bình luận (0)