Là giảng viên, đồng thời là một người làm tư vấn hướng nghiệp, tôi muốn con mình là một người bình thường, có tri thức, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, con cần phải được trang bị kỹ năng để trở thành công dân toàn cầu. Vì vậy, theo tôi, kiến thức mà các cháu học ở trường là đủ. Ngoài ra, trẻ nên được trang bị các kỹ năng sống và hội nhập. Như hai bé nhà tôi, ngay từ đầu, vợ chồng tôi thống nhất quan điểm không cho con chạy theo trào lưu học thêm. Chúng tôi không quan trọng thứ hạng và điểm số. Tôi giao kèo với con và chỉ khuyên con cố gắng học tập hết khả năng. Điều đáng mừng là dù không học thêm nhưng con luôn xếp trong tốp đầu của lớp.
Ngoài thời gian học ở trường, về nhà bé vẫn tham gia làm việc nhà phụ giúp ba mẹ như: lặt rau, nấu ăn, rửa chén, lau chùi nhà cửa… Việc này tuy nhỏ nhưng giúp con xây dựng được ý thức trách nhiệm của bản thân với gia đình và thông qua đó tăng cường kỹ năng sống. Ngay từ lúc 5 tuổi, các con đã được học piano; gần đây, cháu lớn học thêm guitar. Cuối tuần, vợ chồng tôi đưa con đi bơi, học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ. Vì vậy, đến nay, con lớn học lớp 8 đã có thể giao tiếp tốt với người nước ngoài.
Nhiều gia đình rối tung khi con trẻ nghỉ hè. Ai cũng đi làm từ sáng đến tối, vậy quản lý con như thế nào? Theo tôi, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và khả năng tài chính của gia đình, bố mẹ nên cho các cháu tham gia hoạt động tập thể, cộng đồng để tăng cường giao lưu, đối thoại, giao tiếp và xây dựng kỹ năng làm việc nhóm như: đi du lịch theo đoàn, tham quan thực tế, trại hè, học kỳ quân đội… Đừng để trẻ ở nhà giết thời gian với những hoạt động vô bổ và thậm chí cực kỳ nguy hiểm như: xem tivi, chơi game, chơi smartphone, iPad…
Trẻ em học bơi tại Nhà Thiếu nhi quận Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Riêng tôi, cứ vào dịp hè, ngay từ khi các cháu còn nhỏ, tôi đã cho cháu tham gia trại hè do các trung tâm Anh ngữ tại TP HCM có uy tín tổ chức. Đương nhiên, với chi phí hơn 10 triệu đồng/tháng, không phải phụ huynh nào cũng có thể cho con em mình tham gia. Nhưng rõ ràng, nếu có sự chuẩn bị tài chính ngay từ đầu, việc cho các bé tham gia trại hè tiếng Anh sẽ giúp trẻ tích lũy nhiều thứ: kỹ năng giao tiếp, sinh hoạt tập thể, tăng cường thể chất do vận động, được đi tham quan trải nghiệm, được học tiếng Anh và giao tiếp tiếng Anh với thầy cô quản trại là người Anh, Mỹ… Sau mỗi kỳ hè, tôi thấy con mình như "lớn" hẳn. Cháu không chỉ dạn dĩ, tự tin trong giao tiếp tiếng Anh mà còn tự định hướng được mục tiêu học tập để khi bước vào năm học mới, cháu lại có thêm động lực để học tập tốt hơn.
Hè năm nay, tôi quyết định cho con đi học tiếng Anh tại Philippines. Môi trường học tập đa quốc gia chắc chắn sẽ giúp con học được rất nhiều điều, từ việc tích lũy kiến thức, ngôn ngữ, văn hóa cho đến kỹ năng sống tự lập. Nhờ chuyến đi này, con sẽ có thêm nhiều bạn mới đến từ khắp nơi trên thế giới, giúp con dần tư duy để trở thành công dân toàn cầu…
Cô Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn giáo dục của Tập đoàn Microsoft:
Cho học những gì mà trẻ cảm thấy vui
Hiện nay, phụ huynh thường có 2 xu hướng lựa chọn cho con khi vào hè. Một là để con ở nhà với người giúp việc hoặc người thân trong gia đình. Hai là đưa con vào những trại hè, trung tâm học hè. Cả hai xu hướng này đều có cái ổn và không ổn. Ở lựa chọn thứ nhất, trẻ được ở nhà, không phải học thêm nhưng rõ ràng những người trông trẻ lại không có phương pháp sư phạm, dễ khiến các em tìm đến điện thoại, iPad. Như vậy dễ khiến đứa trẻ rơi vào tình trạng phụ thuộc công nghệ, thiếu kỹ năng, lười vận động…
Ở xu hướng thứ hai, những trại hè, trung tâm dạy hè hiện nay cũng chia làm 2 "phái". Có nơi cực kỳ thú vị nhưng cũng có nơi quảng cáo một đằng học một nẻo. Có những chương trình quảng cáo: sau một chuyến đi, bé sẽ được học kỹ năng sống tại quốc gia văn minh hàng đầu thế giới, giúp trẻ phát triển bản thân vượt trội, toàn diện cho năm học mới… Tuy nhiên, muốn được như vậy, phải cần vài năm với cách giáo dục hướng mục tiêu rõ ràng và phương pháp khoa học chứ không thể cảm tính. Không thể có một khóa học nào thần kỳ đến mức khiến trẻ thay đổi nhanh như thế. Để con có một mùa hè thực sự , hãy cho trẻ vào môi trường khác hoàn toàn những gì trong năm học, để trẻ được học kỹ năng, học những gì mà trẻ cảm thấy hạnh phúc, sung sướng.
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia:
Đặt giới hạn cho con
Hè là thời gian cần thiết để nghỉ ngơi, giải trí sau những tháng học hành, thi cử vất vả, giúp trẻ lấy lại sức khỏe, học kỹ năng sống cần thiết... Do vậy, việc phụ huynh ép con phải học thêm văn hóa trong dịp hè, nhất là trẻ chuẩn bị bước vào lớp 1, sẽ gây tâm lý căng thẳng, chán học, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ.
Để có mùa hè đúng nghĩa, cha mẹ nên cho con một giới hạn, có thể và không nên làm những gì để con lựa chọn tùy theo sở thích, khả năng. Cha mẹ là người cùng con lên kế hoạch để trẻ được tham gia xây dựng kế hoạch nghỉ hè của riêng mình, tùy điều kiện mỗi gia đình. Tốt nhất, nên hướng cho con đến hoạt động rèn luyện kỹ năng sống từ các khóa học cũng như trải nghiệm thực tế... Trong đó, cho trẻ về quê là lựa chọn tuyệt vời, vừa có điều kiện gắn kết tình cảm với người thân trong gia đình vừa cho trẻ thư giãn, gần gũi thiên nhiên…
Đ.Trinh ghi
Bình luận (0)