Phóng viên: Diễn đàn "Bao giờ TP HCM hết nạn trộm, cướp" đăng trên Báo Người Lao Động từ ngày 22-5 đã nhận được nhiều ý kiến bạn đọc, trong đó đa số đều nhận định tội phạm trộm, cướp trên địa bàn TP ngày càng nhiều. Ông có thể thông tin cụ thể tình hình an ninh trật tự trong thời gian gần đây?
- Đại tá Nguyễn Sỹ Quang: Trong những tháng đầu năm 2018, phạm pháp hình sự tiếp tục được kiềm chế, kéo giảm. Ghi nhận trên địa bàn TP HCM xảy ra 2.005 vụ, trong đó án xâm phạm sở hữu tài sản vẫn chiếm tỉ trọng cao (78,55%). Công an TP HCM đã điều tra khám phá 1.498 vụ, bắt 1.661 đối tượng; đây là tỉ lệ khám phá cao nhất từ trước đến nay.
So với cùng kỳ năm 2017 thì giảm 251 vụ, trong đó các loại án nguy hiểm, đặc biệt nghiêm trọng hay chiếm cơ cấu cao trong cơ cấu phạm pháp hình sự đều được kéo giảm. Dù vậy nhìn chung, loại tội phạm này diễn biến rất phức tạp. Án cướp tài sản thường xảy ra ở những quận, huyện vùng ven, giáp ranh như quận 9, Hóc Môn, Bình Chánh. Án trộm cắp tập trung ở quận Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Thạnh, 12… Đáng chú ý, đối tượng gây án đa phần là người thất nghiệp, nhập cư, độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Những nhóm này hình thành rất nhanh, không có sự gắn kết, chỉ quen biết trên mạng rồi tụ tập ăn chơi và phạm pháp, rất khó quản lý, kiểm soát. Tính manh động, liều lĩnh thể hiện trong các phương thức, thủ đoạn phạm tội dẫn đến tội phạm chuyển hóa rất nhanh, gần như không có ranh giới, từ ít nghiêm trọng sang đặc biệt nghiêm trọng.
Có dư luận cho rằng để xảy ra tội phạm nhiều là do công an địa phương lơ là, thậm chí bao che, không báo cáo đúng vì lo ngại thành tích… Ông nghĩ gì về vấn đề này?
- Phải thừa nhận thời gian qua, lực lượng công an ở cơ sở còn bộc lộ nhiều yếu kém; có hiện tượng nơi này, nơi khác phối hợp chưa được nhịp nhàng, cần chấn chỉnh. Hiện Công an TP tăng cường lực lượng cho cơ sở và xây dựng đề án củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng công an phường, xã. Chúng tôi xem lực lượng công an cơ sở có vai trò chiến lược, là yếu tố quyết định trong việc trấn áp tội phạm.
Lực lượng Đội Cảnh sát Hình sự đặc nhiệm Hướng Nam biểu diễn tấn công tội phạm Ảnh: PHẠM DŨNG
Chủ tịch UBND TP HCM đã quy trách nhiệm cho địa phương, nơi nào để xảy ra tội phạm mà không có biện pháp hữu hiệu thì sẽ bị xử lý. Về phía công an, chúng tôi cũng đã xử lý lãnh đạo công an địa phương bằng nhiều hình thức khác nhau; đồng thời, tham mưu cho lãnh đạo TP HCM xử lý trách nhiệm nếu để tội phạm lộng hành.
Theo ông, nguyên nhân chính phát sinh và dẫn đến diễn biến phức tạp của các loại tội phạm trộm, cướp, cướp giật trong thời gian qua là gì?
- Qua thống kê và lấy lời khai của các đối tượng khi bị bắt, Công an TP HCM ghi nhận có khoảng 35%- 40% đối tượng gây án có sử dụng ma túy. Riêng án cướp giật là 60%. Điều này cho thấy nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm từ ma túy vẫn luôn là nguy cơ, thách thức lớn nhất hiện nay. Bên cạnh đó, số đối tượng mãn hạn tù trở về không có việc làm; số người nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng khó khăn vẫn luôn là nguồn nguy cơ phát sinh tội phạm. Việc công khai bán công cụ hỗ trợ, hung khí nguy hiểm trên mạng chưa có biện pháp chế tài, xử lý triệt để cũng là thách thức lớn.
Hiện Công an TP HCM đang có một báo cáo chuyên đề trình bí thư Thành ủy TP đề xuất những phương án xử lý, thậm chí có những phương án đặc thù dành cho TP. Nếu không thì phải xác định ma túy là tội phạm của các loại tội phạm. Giải quyết được nạn ma túy sẽ giải quyết được các loại tội phạm khác, đặc biệt là cướp giật.
Nhận dạng được nguyên nhân, Công an TP HCM sẽ hành động như thế nào trong thời gian tới?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh lực lượng, phương án phòng chống tội phạm, đặc biệt là các địa bàn phức tạp về phạm pháp hình sự; tăng cường kiểm soát, phối hợp với nhiều lực lượng để tấn công tội phạm.
TP HCM là vùng trũng của tội phạm, là nơi dân nhập cư rất nhiều, kéo theo tội phạm đến TP HCM hoạt động đa dạng. Công an TP đang có xu hướng trang bị thêm về công cụ, phương tiện, khoa học công nghệ cho lực lượng chuyên trách. Chúng tôi đã có đề án ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm an ninh trật tự trong giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025.
Đề án này đã được TP HCM và bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt. Triển khai hệ thống này sẽ là cánh tay đắc lực trong công tác phòng ngừa tội phạm, nhất là hệ thống giám sát camera thông minh; cơ sở dữ liệu dân cư; cơ sở dữ liệu tội phạm.
Công an TP cũng sẽ huy động lực lượng cảnh sát cơ động tuần tra, hỗ trợ, phối hợp với CSGT, cảnh sát hình sự ở các địa bàn trọng điểm để tạo ra thế trận quán xuyến địa bàn, tấn công tội phạm hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Công an TP đã ký kết quy chế hợp tác với công an các tỉnh, thành giáp ranh, phối hợp chặt chẽ để đập tan các băng nhóm tội phạm hoạt động tinh vi, chớp nhoáng.
Đang nghiên cứu mô hình "hiệp sĩ"
Về mô hình "hiệp sĩ đường phố", đại tá Nguyễn Sỹ Quang cho rằng Công an TP khuyến khích mỗi người dân tham gia trấn áp tội phạm. Riêng mô hình "hiệp sĩ" vẫn đang nghiên cứu để có chính sách, quy chế phù hợp, bởi nếu không quản lý chặt chẽ, tội phạm sẽ lợi dụng danh nghĩa "hiệp sĩ" để gây án như vụ cướp xe máy vừa xảy ra ở quận 9. Công an TP sẽ đề xuất lãnh đạo TP và Bộ Công an về vấn đề này.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 22-5
Bình luận (0)