Mới đây, Ban Quản lý dự án (BQL DA) chợ Đầm Nha Trang (chủ đầu tư là Công ty CP Sông Đà - Nha Trang) cho biết khu chợ Đầm mới về cơ bản đã hoàn thành nhưng có gần 1.000 lô sạp tiểu thương chưa chịu vào buôn bán hoặc đăng ký mua. Trong khi đó, khu chợ Đầm Tròn (khu trung tâm chợ cũ) với trên 300 tiểu thương đang hoạt động có bị phá bỏ hay giữ lại vẫn chưa được UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định.
Lô sạp im lìm
Có mặt tại khu chợ Đầm mới, chúng tôi ghi nhận chợ được xây dựng khang trang, sạch sẽ nhưng hàng trăm lô sạp im lìm, chưa có dấu hiệu gì của việc mở bán hàng hóa; bên cạnh đó, nhiều lô sạp dán thông báo bán, sang tên. Tầng 2 có 568 lô hiện bố trí 50 hộ kinh doanh nhưng trên thực tế chỉ có khoảng hơn 10 lô bán đồ cũ và 2 lô bán quần áo là đang mở. Bà Dương Thị Bích Nga (hộ bán quần áo) than thở: "Tầng 2 được bố trí cho các tiểu thương ở khu vực chợ Đầm Tròn qua nhưng bên đó không ai đi thành ra vắng hoe như vậy. Ngồi cả ngày có khi không bán được cái gì. Phải tính toán sao chứ tình hình này thì chúng tôi cũng chết theo dự án".
Tầng 2 khu chợ Đầm mới vắng hoe
Tương tự, tầng 3 dự kiến là nơi 135 tiểu thương bán hàng ăn uống, cà phê, dịch vụ vui chơi ở chợ cũ và 282 lô dự phòng nhưng từ đầu năm 2017, chỉ có 40 hộ đến nhận lô và thời điểm hiện tại chỉ còn 7 hộ hoạt động. Ngay cả tầng 1 được cho là còn có khách ra vào, đến nay cũng mới bố trí được khoảng 600 lô sạp, còn trên 40 lô chưa có tiểu thương buôn bán.
"Tôi lên chợ mới gần 6 tháng nhưng buôn bán rất ế ẩm, trước 10 phần giờ chỉ còn 1-2. BQL nhiều lần hứa hẹn di dời toàn bộ hàng quán lên đây mà chưa thấy gì. Nhiều người xin về chợ cũ bán thì còn buôn bán được, chúng tôi trên đây phải chịu cảnh "đuổi ruồi" - bà Trần Thị Đông (gắn bó với chợ Đầm cũ 40 năm) cho biết.
Ông Nguyễn Trọng Cường, Phó Giám đốc BQLDA chợ Đầm Nha Trang, cho biết tại khu Đầm Tròn của chợ cũ, hiện còn 316 hộ kinh doanh không chịu di dời qua chợ mới, trong số này chỉ còn 171 hộ chưa đăng ký lô sạp. Tiểu thương nơi đây cũng khó khăn không kém vì cảnh nửa ở, nửa đi.
Muốn được đối thoại
Dự án chợ Đầm Nha Trang được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty CP Sông Đà - Nha Trang từ năm 2013 với quy mô 3 tầng, tổng diện tích hơn 21.000 m², 1 chợ tươi sống rộng 1.400 m². Trong năm 2015, hàng trăm tiểu thương nhiều lần phản đối việc phá bỏ chợ Đầm Tròn để xây đài phun nước; đến nay, khu chợ này vẫn chưa biết đập hay giữ.
Theo ông Nguyễn Trọng Cường, khu chợ Đầm Tròn hiện vẫn theo quy hoạch tỉ lệ 1/500 do UBND tỉnh phê duyệt: xây dựng công viên, vườn hoa, đài phun nước tạo mặt thoáng cho khu chợ mới. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, khu chợ cũ này tạm thời chưa phá bỏ. "BQL đã nhiều lần vận động đến từng hộ kinh doanh; các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, giá cả, hình thức thanh toán, chúng tôi đều tuân thủ tuyệt đối phê duyệt của UBND TP Nha Trang chứ không tự ý đặt ra. Chúng tôi rất cần chính quyền có giải pháp để sớm giải quyết sự việc, bà con ổn định kinh doanh" - ông Cường đề nghị.
UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết theo kiến nghị giữ lại chợ Đầm Tròn, UBND tỉnh đã có thông báo 610/TB-UBND ngày 1-10-2016 yêu cầu sở, ngành liên quan nghiên cứu phương án tham mưu. Tháng 3-2017, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Xây dựng làm việc với Hội Kiến trúc sư Việt Nam để lấy ý kiến về phương án xử lý đối với khu chợ này.
Trong khi đó, đến nay, nhiều tiểu thương chợ Đầm Tròn vẫn không đồng ý phá bỏ khu chợ. "Việc biến nơi đây thành trung tâm du lịch, đầu tư với kinh phí lớn là lãng phí. Chúng tôi muốn UBND tỉnh mở cuộc đối thoại để người dân đóng góp ý kiến" - tiểu thương Ngô Thị Bình kiến nghị.
Hai khu chợ "chỏi" nhau
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Khánh Hòa, hai khu chợ Đầm Tròn và chợ Đầm mới đang "chỏi" nhau, việc xử lý hài hòa rất khó khăn vì khoảng cách giữa hai chợ hẹp. Khu chợ Đầm Tròn với kiến trúc hoa sen nở, đưa vào sử dụng năm 1974, do kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ thiết kế. Nhiều thế hệ người dân Nha Trang coi đây là biểu tượng của TP, địa chỉ du lịch. Muốn đập một công trình quy mô như vậy mà không lấy ý kiến rộng rãi, để người dân phản ứng là điều đáng tiếc.
Bình luận (0)